Bị truy tố vì bán cà phê trước cổng công an: Đừng ép dân vào đường cùng

21/04/2016 08:31 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến, bày tỏ bức xúc về cách làm của cơ quan pháp luật trong bài viết Bị truy tố vì bán cà phê trước cổng công an trên Thanh Niên số ra ngày 20.4.

Rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến, bày tỏ bức xúc về cách làm của cơ quan pháp luật trong bài viết Bị truy tố vì bán cà phê trước cổng công an trên Thanh Niên số ra ngày 20.4.

Quán cà phê của ông Tấn - Ảnh: Phan ThươngQuán cà phê của ông Tấn - Ảnh: Phan Thương
Cách diệt “cò” lý tưởng ?
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an H.Bình Chánh, thì việc quán cà phê mở trước cổng trụ sở công an sẽ dễ phát sinh những vấn đề như “cò” làm giấy tờ xe, “chạy án…”. Nói thế thì khác nào cho rằng cách dẹp “cò” hiệu quả hiện nay là cấm tất cả hàng quán mọc lên trước trụ sở cơ quan công quyền?! Tôi cho rằng đó là một cách nói ngụy biện. Nếu cơ quan công an làm tốt, cứ tuân thủ đúng pháp luật thì làm gì có “cò” nào tồn tại?
Đỗ Xuân Thắng (P.3, Q.10, TP.HCM)
Thay đổi tư duy đi
Đọc bài viết mà tôi… muốn khóc. Thời buổi mở cửa, thông tin đại chúng nhanh nhạy mà cơ quan công quyền còn hành xử với dân như thế thì thử hỏi khi mà báo chí chưa mạnh lên thì dân còn bị o ép cỡ nào? Muốn đất nước giàu mạnh, TP.HCM trở thành thành phố số 1 của cả nước thì mỗi cá nhân phải có tư duy đổi mới. Tư duy kiểu này thì "trên trải thảm dưới rải đinh, trên đạp ga dưới thắng lại” rồi.
Võ Trọng Thắng (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM)
Ép dân quá đáng
Những hành vi đầu độc đồng loại như buôn bán, sử dụng thịt heo thối, phun nhớt xe lên rau muống, tẩm hóa chất lên rau nhút… thì khi phát hiện chỉ xử lý hành chính, trong khi trường hợp này lại bị xử lý hình sự. Nếu quán này từng gây ra ngộ độc thực phẩm cho khách nhưng chủ quán vẫn cố tình bán, ngoan cố không tuân thủ quy định, hướng dẫn của công an huyện thì việc xử lý là thích đáng. Nhưng theo thông tin báo viết thì không hề có chuyện này, chủ quán hợp tác tốt với cơ quan công an. Vì vậy, việc xử lý hình sự chủ quán, theo tôi các cơ quan pháp luật trong vụ này có dấu hiệu ép người dân quá đáng.
Nguyễn Thị Thuyết (đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM)
Sao lại “sợ anh em đàm tiếu” ?
Đất nước có luật pháp thì người thực thi pháp luật cứ theo luật mà làm, sao lãnh đạo Viện KSND H.Bình Chánh lại ngại bị anh em đàm tiếu nếu không ký phê chuẩn? Rõ ràng với cách làm quá vội vàng, chỉ tập trung vào quán cà phê này là không bình thường, dường như muốn đẩy dân vào đường cùng.
Tốt nhất, Công an H.Bình Chánh và Viện KSND H.Bình Chánh cần xem xét lại vụ việc, không truy tố ông Nguyễn Văn Tấn về tội “kinh doanh trái phép” nữa.
Đinh Quốc Minh (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Theo bộ luật Hình sự 2015 và theo điểm e, khoản 1, điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27.11.2015 thì tội kinh doanh trái phép đã bị xóa bỏ vì hành vi này không còn nguy hiểm cho xã hội. Do đó, với sự chuyển biến của tình hình xã hội, trong quá trình chuyển tiếp giữa bộ luật Hình sự năm 1999 sang bộ luật Hình sự năm 2015 tại điểm a, khoản 2, điều 29 thì ông Nguyễn Văn Tấn có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này thông qua việc áp dụng quy định pháp luật có lợi cho người phạm tội.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh
(Giám đốc Công ty luật Hồng Long, TP.HCM)
Trong trường hợp này, ông Nguyễn Văn Tấn tuy có sự chệch choạc, chưa chuẩn trong việc thi hành pháp luật nhưng ông không phản đối, vẫn thực hiện tất cả các yêu cầu của pháp luật nói chung và Công an H.Bình Chánh nói riêng mà vẫn bị khởi tố hình sự là điều cá nhân tôi thấy chưa đáng. Và phía Công an H.Bình Chánh đã cứng nhắc một cách chưa cần thiết. Nếu công dân thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật thì cơ quan nhà nước phải hướng dẫn, yêu cầu công dân thực hiện đúng. Nếu công dân cố tình làm trái thì xử phạt là đúng. Khi công dân cầu thị, đang thực hiện đúng theo hướng dẫn mà vẫn bị xử lý nghiêm khắc như thế thì còn ai dám mạnh dạn kinh doanh để mưu sinh, phát triển kinh tế?
Luật sư Lê Vi
(Đoàn luật sư TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.