Bí thư Đinh La Thăng sốt ruột trước những dự án 'rùa bò'

11/01/2017 22:41 GMT+7

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, Bí thư Đinh La Thăng rất sốt ruột trước những dự án lớn của thành phố triển khai đã lâu vẫn chưa xong.

Chiều 11.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã dành trọn thời gian làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan gồm Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tuyên giáo… để cùng tháo gỡ những vướng mắc, bất cập còn tồn tại.
Đặc biệt, tại buổi làm việc ông Đinh La Thăng rất sốt ruột trước những dự án lớn của thành phố như Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Bảo tàng thành phố, Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng… triển khai đã lâu vẫn chưa xong.
“Con trâu anh đưa cho người ta, còn dây thừng giữ lại để đấu thầu?”
Ông Nguyễn Hữu Việt, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, báo cáo với Bí thư Đinh La Thăng tình hình chung về cơ sở vật chất hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên dù hoàn cảnh "thắt lưng buộc bụng", Sở Văn hóa Thể thao vẫn có nhiều nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ tham mưu cho UBND TP.HCM, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được đánh giá cao.
Do cầm văn bản trình bày khá lan man nên ông Việt bị Bí thư Đinh La Thăng cắt ngang: “Trước mắt, năm 2017 thành phố cần phải làm cái gì, khó khăn vướng mắc như thế nào, anh nên đi vào cụ thể. Tại sao Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc dự định khởi công sớm giờ cũng chưa rục rịch gì? Sắp tới chuẩn bị gặp các cháu thiếu nhi đầu năm rồi mà mục tiêu có hồ bơi để phổ cập bơi cho các cháu vẫn chưa xong, anh lại đi nói dài dòng quá”. Sau đó như chợt nhớ ra, ông Đinh La Thăng nói thêm: “Anh Việt về Sở chỉ mới 3 tháng không thể nắm được hết nên anh hãy cử các phụ trách của mình trình bày thì đúng hơn”.
Khi ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao, đứng lên trả lời thay thì bị Bí thư Đinh La Thăng “chất vấn” ngay: “Tại sao khu Rạch Chiếc lúc ban đầu định đầu tư diện tích tới 400 héc ta giờ chỉ còn 180 héc ta là sao?”. Ông Mai Bá Hùng giải thích do sau quá trình hơn 20 năm thành phố cắt chuyển giao cho một số đơn vị nên giờ chỉ còn như vậy. Sở cũng tích cực triển khai nhưng quan trọng vẫn là nguồn vốn.
"Còn sân vận động Phan Đình Phùng thì khi nào triển khai và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư ?", ông Đinh La Thăng tiếp tục đặt câu hỏi. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu làm căng: “Các anh hứa từ tháng 5 đến giờ vẫn chưa xong. Vướng cái gì mà vẫn chưa giao mặt bằng cho người ta. Hôm rồi khất lại đến tết Tây, giờ tới Tết ta vẫn im ru, nếu hứa nữa là đến lượt tôi xử lý đấy”.
Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Trần Tuấn Anh giải thích: “Sân vận động Phan Đình Phùng đang lựa chọn chỉ định nhà đầu tư theo đúng qui định và tiến hành di dời các bộ môn đi nơi khác. Việc định giá tài sản phải chờ làm các thủ tục rồi mới đấu thầu được nên tốn nhiều thời gian".
Nghe tới đó, ông Thăng phản ứng: “Tài sản trên đất là bao nhiêu mà ông không đưa cho người đập đi để làm cho nhanh, còn chờ gì nữa. Con trâu anh đưa hết cho người ta rồi, còn dây thừng giữ lại để đấu thầu làm gì?".
Quay sang ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, ông Thăng hỏi: “Bắc Ninh, Lai Châu… mấy tỉnh nhỏ người ta đã có quảng trường rộng bao la còn TP.HCM vẫn chưa có quảng trường để làm lễ hội và cho người dân sinh hoạt là sao? Nhà đầu tư cần quy hoạch 1/2.000, anh lại quy hoạch 1/500 tôi thấy là thua rồi”. “Sở chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng nhưng còn phải chờ Sở Văn hóa Thể thao nữa, tất cả là do quy chế phối hợp với nhau chưa hiệu quả thôi, thưa bí thư", ông Nguyễn Thanh Toàn nói.
"Bảo tàng mà đặt tuốt dưới quận 9 làm sao khách tới xem"
Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc thường trực Sở Văn hóa Thể thao, được ông Đinh La Thăng nhắc: "Hình như anh không đi họp hôm lãnh đạo thành phố gặp gỡ văn nghệ sĩ?". “Dạ, tôi có ngồi ở bên dưới”, ông Võ Trọng Nam trả lời. “Vậy, anh về thực hiện các kiến nghị của Liên hiệp Hội Văn hóa Nghệ thuật tới đâu rồi”. Ông Nam cho biết: “Các chức danh nhà nước phong tặng NSND, NSƯT đã có. Nhưng còn những danh hiệu khác của TP để ghi nhận cho người biểu diễn mà Liên hiệp đề nghị thì hơi khó. Hàng năm Sở cũng dành khoản kinh phí để đặt hàng, đầu tư cho sáng tác cho các Hội Nhà văn, Sân khấu, Điện ảnh để có những tác phẩm hay phục vụ công chúng. Hội Nhạc sĩ có tác phẩm nào được chọn mới chúng tôi đều tiến hành dàn dựng và đưa ra công diễn”.
Ông Thăng truy tiếp: “Vậy còn vụ cào bằng giải thưởng 50 triệu đồng cho mỗi Hội một năm anh có đề xuất gì cụ thể chưa? Hôm rồi tôi và chị Thân Thị Thư có gặp chị Thúy (bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM) cám ơn kinh phí năm 2017 vì được bổ sung nhưng nhắc tới năm 2016 lại ưu tư vẫn như cũ thì đau lắm. Văn nghệ sĩ họ có lòng tự trọng cao mà bắt họ phải làm xin mới cấp là không nên. Sở Tài chính đâu? Tôi hỏi em, em hát một bài được giải của TP mà chỉ có 1 triệu đồng thì em có hát không? Rồi còn tiền đầu tư đủ thứ nữa chứ. Chúng ta phải coi văn hóa là hàng hóa đặc thù, nếu cứ mua rẻ như thế này thì sẽ không có những tác phẩm giá trị để đời, trong khi mỗi năm TP thu ngân sách rất lớn của cả nước mà kinh phí giải thưởng cào bằng 50 triệu đồng mỗi năm, 9 hội chỉ 450 triệu đồng tiền thưởng thì xấu hổ quá” .
Khi nghe ông Võ Trọng Nam cho biết sắp tới đưa Bảo tàng tổng hợp TP xuống Công viên Lịch sử Dân tộc quận 9 và sẽ đầu tư Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng như cải lương, kịch, điện ảnh và thời trang thì ông Đinh La Thăng lo lắng: “Bảo tàng mới xây dựng mà các anh mang đặt tuốt dưới quận 9, xa như thế làm sao người dân và du khách đi được, các anh xem liệu có phù hợp hay không... Theo tôi, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng phải sớm chuyển đổi công năng để đưa vào sử dụng cho hiệu quả. Không vì sợ dư luận mà bắt ép người ta nhận để rồi biểu diễn không được lại lãng phí. Thiếu tiền thì kêu gọi xã hội hóa nhưng phải phân cấp, phân quyền và đa dạng chứ không phải ''xẻ thịt'' các công trình ra cho thuê. Ngày xưa chỉ cần mua một vài cái máy chụp cắt lớp góp vào bệnh viện cũng gọi là xã hội hóa nhưng giờ thì khác rồi. Từ đây đến năm 2020, lãnh đạo Sở đề ra chỉ tiêu phải hoàn thành được công trình nào: Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Bảo tàng TP, Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc hay Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Cái nào triển khai chưa được phải tìm ra lý do vì sao. Nếu thiếu nguồn nhân lực thì phải đào tạo thì thể thao mới có Ánh Viên chứ không phải các anh muốn có Ánh Viên là tự dưng có đâu".
"TP.HCM là đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước thì văn hóa thể thao cũng phải ngon lành để phát triển cả hai chân đều nhau. Tôi mong muốn TP phải xây dựng được các gia đình văn hóa thể thao và Khu phố văn hóa thể thao. Sắp tới, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng sẽ lên chương trình kiểm tra, giám sát các hoạt động này mới có hiệu quả được”, Bí thư Đinh La Thăng kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.