Bí thư Đà Nẵng nhận khuyết điểm vụ chìm tàu trên sông Hàn

10/06/2016 06:00 GMT+7

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã nhận khuyết điểm do quản lý nhà nước chưa tốt dẫn đến vụ chìm tàu Thảo Vân 2.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã nhận khuyết điểm do quản lý nhà nước chưa tốt dẫn đến vụ chìm tàu Thảo Vân 2 vào tối 4.6 trước Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc hôm qua 9.6.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Hướng xử lý sẽ rất nghiêm, sẽ đưa ra xét xử sớm, công khai. Kể cả trách nhiệm lãnh đạo Sở GTVT, Sở Du lịch, chúng tôi cũng đã chuyển Ủy ban Kiểm tra để đề ra hình thức xử lý. Tinh thần là không có bao che”. Nhìn nhận vụ chìm tàu là một việc khiến “TP cảm thấy xấu hổ”, ông Xuân Anh đã thẳng thắn: “Nếu quản lý tốt thì sẽ không xảy ra vụ việc này. Phải nhìn nhận như thế và không đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan nào cả. Có đồng chí Bộ trưởng, đồng chí phó ban chuyên trách ở đây, chúng tôi nhận khuyết điểm trong quản lý nhà nước đối với vụ tai nạn vừa rồi”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết sắp tới những tàu nào đủ tiêu chuẩn thì cho hoạt động ngay. Bên cạnh đó, TP sẽ cấm, không cho phép cải hoán tàu cá sang tàu chở người, đồng thời tạo cơ chế ưu tiên đóng mới đội tàu chuyên phục vụ du lịch và “TP sẽ siết chặt vấn đề này”. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng đăng kiểm có tổng hợp, đánh giá xem phương tiện cải hoán từ tàu cá sang tàu khách có đảm bảo các yếu tố an toàn trong lưu thông hay không.
Tránh làm đường bot ở những tuyến độc đạo
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp. Ông Nghĩa nói: “Phải rà soát lại quy hoạch có thể làm BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) chứ không thụ động như thời gian vừa rồi. Đối với dự án BOT phải quan tâm đường mới, tránh đường độc đạo, tránh các đường thu phí mà người ta không có sự lựa chọn. Đề nghị các đồng chí tránh tình trạng làm đường BOT ở những tuyến buộc người ta phải đi vì không hay lắm”. Theo ông Nghĩa, thời gian qua, với mục đích bảo toàn vốn cho các nhà đầu tư mà đã có một số cách thức như đặt trạm thu phí. “Nhưng nó cũng dẫn tới một số bức xúc của người dân và nó cũng phạm vào cả quyền đi lại của người dân”, ông Nghĩa nói.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã kiến nghị Bộ GTVT quan tâm đến dự án di dời ga Đà Nẵng dự kiến sẽ thực hiện trong 6 năm (từ năm 2017) với kinh phí gần 10.000 tỉ đồng. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu các ngành chức năng của Bộ nghiên cứu khớp nối đường sắt, nhà ga mới cùng tuyến đường sắt đô thị sao cho hài hòa. Sau khi di dời, nhà ga cũ cần được chuyển đổi công năng thành một trung tâm thương mại để tận dụng tốt quỹ đất.
Liên quan đến hiện tượng cháy xe khách, ông Khuất Việt Hùng cho biết, đã tranh thủ trao đổi với Viện Dầu khí VN và Cục Đăng kiểm. “Tôi cũng hơi hoang mang khi ý kiến các chuyên gia từ Cục Đăng kiểm cho rằng nguyên nhân là do nhiên liệu pha với phụ gia, còn Viện Dầu khí thì nói là không có chuyện đó”, ông Hùng nói. Tuy vậy, theo ông Hùng, nguồn nổ, cháy trong những vụ việc vừa rồi chủ yếu là do 2 nguồn: nguồn thứ nhất là do lái xe bảo trì, bảo dưỡng không tốt dẫn đến chập điện gây cháy nổ. Nguồn thứ hai là do lái xe xếp hàng hóa gần bình nhiên liệu của phương tiện. Đặc biệt là việc cho chở mô tô, xe máy trong hầm hàng nhưng không rút hết nhiên liệu.
Xem xét mở dải phân cách tại Trạm thu phí Ba Láng
Ngày 9.6, ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ, cho biết Cục Quản lý đường bộ 4 đã đồng ý với kiến nghị của Sở về việc đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng xem xét các phương án tổ chức lại giao thông, trong đó có phương án tháo dỡ dải phân cách trước và sau trạm thu phí BOT QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Trạm thu phí Ba Láng, P.Ba Láng, Q.Cái Răng). Trước đó, Cục Quản lý đường bộ 4 đã có cuộc khảo sát đoạn đường đặt trạm thu phí nêu trên, sau khi Báo Thanh Niên ngày 29.5 có bài viết Phá dải phân cách để né trạm thu phí. Bài viết đã thông tin về việc nhiều người dân sống quanh trạm do quá bức xúc đã tự ý đập phá, tháo dải phân cách để quay đầu xe và đi vào đường trong khu dân cư để khỏi phải đóng phí giao thông bất hợp lý. Ngoài ra, việc có quá nhiều xe khách, xe tải kéo nhau né trạm để khỏi đóng phí (trong đó có nhiều xe tải nặng) đã khiến cho đoạn đường qua khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng.
Mai Trâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.