Bí thư, Chủ tịch huyện Phú Quốc khẳng định đảo ngọc không 'chìm trong biển nước'

16/08/2019 16:43 GMT+7

“Phú Quốc không ngập chìm trong biển nước như nhiều thông tin báo chí đã đưa, mà chỉ ngập cục bộ vài nơi”, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND H.Phú Quốc (Kiên Giang) khẳng định.

Huyện không chối cãi trách nhiệm

Ngày 16.8, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí tình hình ngập cục bộ do mưa lớn tại H.Phú Quốc.
Tại cuộc họp báo, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND H.Phú Quốc, cho biết sự việc ngập cục bộ do mưa lớn vừa qua tại Phú Quốc là một bất ngờ, ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Toàn bộ diện tích ngập là 63 km, 23 căn nhà bị sập và tốc mái, 8.424 căn ngập, một số tài sản, hoa màu, gia cầm bị cuốn trôi, với tổng thiệt hại khoảng 107 tỉ đồng. Nhờ chủ động ứng phó cứu dân nên không có thiệt hại về người.

Ông Mai Văn Huỳnh phát biểu tại buổi họp báo

ẢNH: BÁCH HỶ

Theo ông Mai Văn Huỳnh, muốn đánh giá về nguyên nhân ngập lụt thì nên tìm hiểu kỹ về địa hình. Phú Quốc có 65% diện tích núi và rừng, còn lại là đồng bằng. Do bốn bề là núi nên mưa lớn sẽ đọng lại đồng bằng, cách nơi thoát ra biển vài chục km, chứ không phải mưa là ra biển hết. "Nói Phú Quốc “đắm chìm trong biển nước” thì không hiểu Phú Quốc. Chúng tôi không chối cãi trách nhiệm trong quản lý đô thị, quản lý xây dựng; nhiều lúc quyết tâm nhưng chưa triệt để, nên việc bao chiếm, xây cất không đúng quy định nên có tình trạng xây dựng lấn suối, tôn tạo nền sang lấp… gây cản trở dòng nước. Về quản lý nhà nước chúng tôi đang tăng cường chặt chẽ hơn để khắc phục”, ông Huỳnh nói.

Tránh ảnh hưởng môi trường đầu tư

Tuy nhiên, Mai Văn Huỳnh cũng thừa nhận do sự việc Phú Quốc ngập bất thường nên địa phương triển khai còn lúng túng, cập nhật thông tin chưa kịp thời. “Tôi cho rằng thông tin thiếu kiểm soát, không mang tính chia sẻ, mà ngược lại, không coi Phú Quốc như một vấn nạn, thiên tai mà vì cái gì đó khiến dư luận hiểu khác. Nhiều hình ảnh nước ngập, nhưng đứng góc độ chụp, quay tạo cho người ta cảm giác Phú Quốc giống như “đắm chìm trong biển nước”, mà thật ra, ngập có mấy điểm thôi, không phải toàn đảo. Nhiều hình ảnh lan truyền rất nhanh, tạo sự hoang mang, lo sợ cho người dân và du khách”, ông Mai Văn Huỳnh nói.
Đặc biệt, theo ông Mai Văn Huỳnh, có một số thông tin nhận định chủ quan ban đầu đã gây rất nhiều thiệt hại cho Phú Quốc, ảnh hưởng môi trường đầu tư.
“Người ta biết Phú Quốc xưa nay là đảo ngọc, một điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư, nhưng một số người lại đưa chưa thật sự khách quan như vậy. Phú Quốc là của ai, là của Việt Nam, máu thịt của Việt Nam này. Không phải chỉ của Kiên Giang, không phải chỉ là của người dân Phú Quốc. Mình còn hình ảnh đối ngoại quốc tế. Tại sao người ta ca ngợi mà mình lại lợi dụng dân chúng đang lầm than mà nỡ lòng nào đưa các thông tin như vậy”, ông Huỳnh chia sẻ.
Về các biện pháp khắc phục, ông Mai Văn Huỳnh cho biết, trước mắt địa phương ổn định đời sống người dân; tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, kịp thời thăm hỏi, cứu trợ cho người dân ổn định đời sống. Tiếp theo là rà soát lại các điểm, các khu vực ngập lụt để trước mắt là mở đường thoát nước. Tăng cường quản lý nhà nước, tháo gỡ lấn chiếm, cương quyết xử lý nghiêm nhằm phục hồi hiện trạng. Lâu dài, nhờ cơ quan chuyên môn, nhà khoa học đánh giá, dự báo có kịch bản để bổ sung điều chỉnh quy hoạch hạ tầng, định hướng để khơi thông dòng chảy. Tỉnh, nhà khoa học tổ chức đoàn nghiên cứu, làm hệ thống tự thoát nước động cao hơn, hiệu quả hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai và quản lý tốt theo quy hoạch của Chính phủ phê duyệt…
"Có một số thông tin truyền thông cho rằng Phú Quốc quy hoạch thiếu tầm nhìn. Tôi khẳng định là Phú Quốc đang có quy hoạch chung rất tầm nhìn, hiện được 1 tập đoàn của Nhật tư vấn, với nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các bộ ngành Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tầm nhìn 2030. Mặc dù đã căn cơ, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy hài lòng nên trong quá trình quản lý thấy bộc lộ cái nào chưa hợp lý, bất cập thì trong những lần làm việc tới, chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị tư vấn điều chỉnh", ông Mai Văn Huỳnh nói thêm.
“Tới đây, chúng tôi phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư Phú Quốc cương quyết xử lý doanh nghiệp không tuân thủ quy trình thi công, mật độ xây dựng và quy định của địa phương, thì cương quyết xử lý, thậm chí là đình chỉ thi công”, ông Mai Văn Huỳnh khẳng định.
 
Ông Phạm Công Khâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, cho rằng mưa lớn ngập lụt vừa qua tại Phú Quốc không mong muốn, nhưng nhiều thông tin đưa chưa khách quan, có nhiều thông tin trái chiều, chỉ đưa giai đoạn đầu của sự việc. Còn việc tiếp đó, như thế nào, đặc biệt là sự sẻ chia, giúp đỡ, các biện pháp tháo gỡ khắc phục của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì thông tin rất ít. Trên 200 tin, bài, từ ngày 3 - 13.8 nhưng chỉ có 1/4 tin, bài nói về biện pháp khắc phục. Còn tất cả các tin, bài khác phản ánh tình hình, rồi để đó, mặc cho người xem, bạn đọc, thậm chí có những bình luận rất tệ, phủ nhận toàn bộ nỗ lực của địa phương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.