Bí sử dòng họ: Một nhà phò hai triều đại đối nghịch

05/01/2015 05:10 GMT+7

Dòng họ Lê ở làng Luật Chánh (xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định) có hai chú cháu từng giữ những chức vụ quan trọng hàng đầu của 2 triều đại đối nghịch vào bậc nhất trong lịch sử VN.

Dòng họ Lê ở làng Luật Chánh (xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định) có hai chú cháu từng giữ những chức vụ quan trọng hàng đầu của 2 triều đại đối nghịch vào bậc nhất trong lịch sử VN.
Từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh - Ảnh: Hoàng TrọngTừ đường họ Lê ở làng Luật Chánh - Ảnh: Hoàng Trọng
Đó là trường hợp của Thượng thư bộ Hình triều Tây Sơn Lê Công Miễn (1739 - 1800) và cháu là Lê Đại Cang (1771 - 1847) từng giữ các chức vụ Thượng thư bộ Binh, tổng đốc... của triều Nguyễn.
Người soạn luật của triều Tây Sơn
Theo gia phả dòng họ Lê (nguyên bản bằng chữ Hán), thủy tổ họ Lê ở làng Luật Chánh là ông Lê Công Triều, gốc Nghệ An, từng làm quan hiển hách ở triều Lê, sau theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại vùng đất thuộc Bình Định ngày nay. Ông Lê Công Miễn thuộc đời thứ 6 của họ Lê.
Năm 10 tuổi, Lê Công Miễn đã thông sách sử, năm 16 tuổi ra kinh thành Phú Xuân học với thầy Trịnh Quang. Thái giám Liêu Thái Hầu Nguyễn Quang Vinh thấy ông hiếu học nên mến mộ rồi đem về nuôi. Ông Miễn là người uyên bác về kinh điển, danh sĩ ở kinh kỳ ai cũng nhường nhưng lại thi ba lần không đậu nên phải dạy học kiếm sống. Khi chúa Trịnh chiếm được Phú Xuân, cho người đến mời nhưng ông lánh vào Quảng Nam. Sau khi xưng là hoàng đế ở thành Đồ Bàn, Nguyễn Nhạc cho sứ giả mang lễ vật đến mời ông ra tham chính. Năm 1784, Lê Công Miễn ra mắt Nguyễn Nhạc và được giao làm Hàn lâm viện Thị độc, có nhiệm vụ “mật trực thụ thư”, tức giảng sách cho nhà vua.
Năm 1795, vua Cảnh Thịnh triệu ông ra Phú Xuân bổ làm đô ngự sử, phụ trách viện Đô sát và dạy vua ở Viện Kinh Diên. Một năm sau, ông được cử làm Hình bộ Thượng thư. Trong thời gian này, thấy luật nhà Tây Sơn không thống nhất, Thượng thư Lê Công Miễn đã tham khảo luật lệ nhà Thanh và luật thời Hồng Đức, soạn ra bộ Hình luật, nhưng chưa kịp áp dụng thì ông đã qua đời. Tuy nhiên, các sách và bộ Hình luật của ông không còn được lưu giữ đến ngày nay. “Hồi trước, sách sổ do cụ Lê Công Miễn để lại còn nhiều nhưng chiến tranh loạn lạc mất dần hết”, ông Lê Thanh Độ, người giữ từ đường họ Lê ngày nay, cho biết.
Vị tướng tài danh lắm lận đận
Trong gia phả dòng họ, ông Lê Đại Cang tự giới thiệu mình có học quan Thị giảng triều Tây Sơn Nguyễn Nghiễm và sau đó là Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn Đặng Đức Siêu. Năm ông 31 tuổi, được Hữu quân Bình Tây tướng quân Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Thượng thư Tham tri Nguyễn Hoài Quỳnh tiến cử với vua Gia Long, được bổ chức Tri huyện Tuy Viễn. Các sử sách triều Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục cho biết Lê Đại Cang giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Quyền tổng trấn Bắc Thành, Thượng thư bộ Binh kiêm Hữu đô Ngự sử Đô sát viện, Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên kiêm Hà Nội - Ninh Bình Tổng đốc sự vụ, Tổng đốc liên tỉnh An Giang - Hà Tiên kiêm Bảo hộ Cao Miên quốc ấn... Ông cáo quan về quê năm 72 tuổi.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi (công tác tại Viện Sử học), Lê Đại Cang có nhiều đóng góp trong việc xây đắp, tu bổ đê điều, được chính sử triều Nguyễn ghi chép rất nhiều, như khơi đào sông Vĩnh Điện (năm 1824), đắp hệ thống đê công mới ở Bắc thành (1828), khai mở đường thủy từ sông Tiền Giang đến sông Hậu Giang (1833)... Trong hơn 40 năm quan trường, ông có đến hai mươi lần thăng quan tước nhưng cũng có ít nhất năm lần bị bãi chức, một lần bị án “trảm giam hậu”.
Khi Lê Đại Cang đang giữ chức Tổng đốc An Giang - Hà Tiên kiêm Trấn Tây Tham tán Đại thần bảo hộ Cao Miên thì dân Cao Miên nổi loạn, quân Nguyễn phải rút hết về An Giang (năm 1840) nên ông bị cách chức xuống làm lính và được điều đến phục vụ tại quân thứ Hải Đông thuộc đạo Trà Gi. Tại Trà Gi, thấy cách tổ chức quân đội tại đồn thiếu quy củ, kỷ luật lỏng lẻo, Lê Đại Cang bèn đề nghị cấp chỉ huy cho phép ông chỉnh đốn kỷ luật, tổ chức tập luyện phòng thủ. Lại có sớ tâu về triều hạch tội ông tiếm chức lạm quyền nên bị vua Minh Mạng kết án “trảm giam hậu”.
Một số người trong con cháu họ Lê cho rằng người viết sớ hịch tội Lê Đại Cang là Trấn Tây tướng quân Trương Minh Giảng nhắc đến việc ông có chú ruột là Lê Công Miễn làm Thượng thư bộ Hình của nhà Tây Sơn nên vua Minh Mạng mới ra án nặng như thế. Tuy nhiên, việc này không thấy sách sử nhắc đến.
Trong cuốn Lê thị gia phả bằng chữ Hán do Lê Đại Cang viết phần đầu (vào năm 1836) có nhắc đến thái độ của cha ông với nhà Tây Sơn: “Phàm bạn cũ hoặc em cháu có tham dự quan chức của Tây Sơn chưa hề cất bước đến”. Nhưng nhận xét về người chú Lê Công Miễn đã ra làm quan cho nhà Tây Sơn, ông Lê Đại Cang có viết: “Chí tháo của ông ôn hòa, chất phác, sở học của ông tìm chỗ sâu kín của thánh hiền, tác phẩm của ông viết gồm có: Bản tác nguyên, Quần thư mục lục. Các sách của ông không sách nào không lịch lãm. Đời ông không làm điều gì cẩu thả, không nói đùa...”.
Là một vị quan triều Nguyễn nhưng dám đưa tiểu sử của người chú làm quan cho triều Tây Sơn vào cuốn gia phả dòng họ, ghi chép khá rõ (dài gần 3 trang giấy) với những lời lẽ rất tôn kính như Lê Đại Cang thì không mấy ai dám làm, nhất là dưới thời vua Minh Mạng. Qua đó cũng thấy được nhân cách Lê Đại Cang, một bậc quốc sĩ triều Nguyễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.