Bí sử dòng họ: Huyệt mộ thiêng dòng họ Trương

06/11/2017 06:59 GMT+7

Dòng họ Trương ở làng Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) có nhiều người hiển đạt. Gia phả dòng họ này chép rằng con cháu ngày sau thịnh vượng là nhờ vị trí đặt hai huyệt mộ tổ tiên.

Theo ông Trương Quang Hoanh, Trưởng tộc Trương ở làng Mỹ Khê, lịch sử của dòng họ Trương được ghi chép trong cuốn gia phả bằng chữ Hán vào thời vua Khải Định do Thị giảng Học sĩ Trương Quang Phùng (đời thứ 9) làm chủ biên. Sau đó, con cháu đã nhiều lần biên soạn thêm và dịch gia phả này ra chữ Quốc ngữ.
Gia phả chép rằng, khoảng năm Quý Hợi (1623), ông Trương Đăng Nhứt (Nhất) cùng con trai là Trương Đăng Trưởng ứng nghĩa phù Lê rồi đưa gia quyến rời quê ở H.Thạch Hà (Hà Tĩnh) vào định cư ở vùng đất thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Ở vùng đất mới, dòng họ Trương ngày càng hưng thịnh.
Khi ông Nhứt mất, gia đình chọn một nơi khô ráo đào huyệt táng. Đêm trước ngày an táng, người con trai nằm mộng thấy một cụ già bảo “Trên đường đến huyệt, đứt dây ở đâu táng ở đó, ngày sau con cháu thịnh vượng”. Hôm sau, quan tài ông Nhứt khiêng qua một bàu ruộng bỗng bị đứt dây, người con trai quyết an táng tại chỗ này. Từ đó, khu vực bàu ruộng này ngày càng được bồi lấp, cò khắp nơi bay về đậu nên mộ ông Nhứt được con cháu gọi là mộ Bàu Cò.
Trong vườn ông Trương Đăng Hưng (1650 - 1729, cháu nội ông Trương Đăng Nhứt) có một đại thụ bị gió bão làm tróc gốc, lộ ra một chum vàng. Ông Hưng đem về chôn đến hơn 10 năm sau thì thấy một người Tàu đến chỗ gốc cây năm xưa tìm kiếm. Ông Hưng hỏi, người Tàu đưa chúc thư và kể chuyện tìm vàng của tổ tiên để lại. Ông Hưng đưa người Tàu về nhà, đào trả lại chum vàng. Người Tàu kiểm tra, phát hiện số vàng còn nguyên như trong chúc thư nên rất kính phục, xin chia làm đôi để tạ ơn. Ông Hưng từ chối và nói: "Đây là vật báu của tổ tiên nhà ông, lão phu không lấy làm gì". Người Tàu nói: “Ông cụ được vàng mà không đem dùng, cái thạnh đức ngàn xưa đến nay chỉ có một người” rồi cáo từ ra về.
Ba năm sau, người Tàu dẫn một ông thầy phong thủy sang giúp ông Hưng tìm giúp một huyệt mộ để tạ ơn. Khi tìm ra huyệt mộ, thầy phong thủy có nói rằng: “Giai thành thông thông, thế xuất hầu công” (con cháu dịch ra là: Ngôi mộ địa xanh tốt, đời đời xuất hiện công hầu). Ông Hưng chết được an táng tại huyệt mộ này, về sau con cháu gọi là mộ Báo Ân.
Bề tôi chết vì vua, vợ chết theo chồng
Đến đời thứ 5, họ Trương ở Mỹ Khê có ông Trương Đăng Lượng (1725 - 1779), vốn giữ một chức quan nhỏ của chúa Nguyễn, sinh hạ được 5 người con trai, gồm: Trương Đăng Chấn, Trương Đăng Nghĩa, Trương Đăng Phác, Trương Đăng Yến và Trương Đăng Đồ. Cả 5 anh em đều ra Phú Xuân (nay là Thừa Thiên-Huế) học tập, trong đó 4 ông Chấn, Nghĩa, Phác, Đồ phò giúp triều Tây Sơn. Ông Trương Đăng Đồ lập nhiều chiến công cho nhà Tây Sơn nên được giữ chức Đô đốc, phong tước Tú Đức hầu. Vợ ông Đồ là Đô đốc Nguyễn Thị Dung - một trong “ngũ phụng thư” (5 phụ nữ anh hùng) của nhà Tây Sơn.
Ông Hoanh kể, thời vua Quang Toản của nhà Tây Sơn, ông Đồ phụng mệnh phò Tiết chế Nguyễn Quang Thùy (con trai vua Quang Trung) trấn thủ Bắc thành. Năm 1802, khi vua Gia Long nhà Nguyễn dẫn quân tấn công Bắc thành, quân Tây Sơn liên tiếp thất bại, vua Quang Toản bị bắt, vợ chồng ông Trương Đăng Đồ tiếp tục phò Tiết chế Quang Thùy chạy về phía bắc. Biết không thể chống đỡ được nữa, Quang Thùy cho quân lính trở về để bảo toàn tính mạng. Bên cạnh Quang Thùy chỉ còn vài chục người, trong đó có vợ chồng ông Đồ.
Khi đến trấn Sơn Tây (nay là TX.Sơn Tây, Hà Nội), Quang Thùy tự vẫn. Ông Đồ nói với vợ: “Vua nhục thì tôi chết. Phần tôi phải chết theo vua, phu nhân nên cải trang lánh về nam”. Bà Dung khẳng khái: “Bề tôi chết vì vua, vợ không được chết vì chồng sao?”. Hai vợ chồng cùng tuẫn tiết. Người dân địa phương mến phục cặp vợ chồng trung nghĩa nên chôn cất, hương khói tử tế.
Năm 1851, ông Trương Đăng Quế (cháu gọi ông Đồ bằng chú ruột) đang giữ chức Cần Chánh điện Đại học sĩ thời Tự Đức đem hài cốt vợ chồng ông Trương Đăng Đồ và Nguyễn Thị Dung về làng Mỹ Khê nhưng chỉ đắp mộ bằng đất, không dám đặt bia vì đây là mộ cựu thù của triều đình. Đến năm 2014, con cháu họ Trương mới xây mộ khang trang cho vợ chồng ông Trương Đăng Đồ.

tin liên quan

Phát hiện mộ cổ quan tài bằng gỗ nguyên khối thời Lê
Ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết nhóm công nhân thi công công trình ngọt hóa sông Nghèn vừa phát hiện một ngôi mộ cổ tại khu vực cánh đồng thuộc xã Thịnh Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.