Bị phong tỏa nhưng vẫn làm xôi, bánh ướt… cho lực lượng chống dịch Covid-19

Tấn Đạt
Tấn Đạt
02/09/2021 11:30 GMT+7

Dù hẻm nhà bị phong tỏa, nhưng chị Phạm Thị Thúy Vi vẫn nấu hàng trăm suất ăn như xôi, bánh ướt… gửi tặng lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 .

Hơn một tháng nay, chị Phạm Thị Thúy Vi, 35 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM đã cùng với mọi người ở cơ sở làm việc của mình nấu hàng trăm gói xôi, bánh ướt… dù hẻm trước nhà bị phong tỏa để bảo vệ “vùng xanh”.

Thấy cái cực của tình nguyện viên

Mỗi ngày váo đúng 15 giờ, chị Thúy Vi đã khiêng các suất ăn như xôi hoặc bánh ướt ra chốt chặn đầu hẻm 86 Âu Cơ, P.9, Q.Tân Bình để trao tặng lại cho các bạn trẻ đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19 khắp các quận ở TP.HCM.

Chị Vi cho hay những “món quà” này là do chính tay chị và mọi người làm việc trong cơ sở của chị nấu. “Tôi đang quản lý cơ sở in ấn thủy tinh, sành sứ nghề truyền thống của gia đình đã hơn 30 năm. Mùa dịch 2 năm nay gần như không kinh doanh được, rồi đến những tháng ngày TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, mọi hoạt động dường như đã bị “đóng băng”. Một số anh, chị không thể về quê được nên đã cùng nhau nấu các suất ăn miễn phí tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19”, chị Vi chia sẻ.

Nhiều anh, chị làm trong cơ sở của chị Vi không về quê được nên hỗ trợ làm xôi để tặng cho các tình nguyện viên chống dịch Covid-19

Ảnh: NVCC

Chị Vi còn kể: “Trước khi dịch bùng phát, mọi người kêu gọi phát quà cho cô, chú khó khăn, lang thang hè phố. Và khi đi mới thấy cái cực của lực lượng tình nguyện viên đang ngày đêm tham gia chống dịch nên tôi quyết định làm đồ ăn cho các bạn”.

Chị Vi chuẩn bị các phần xôi

Ảnh: NVCC

Theo chị Vi, bếp ăn tại cơ sở của chị ra đời từ tháng 7, hoạt động theo nguyên tắc ngày nghỉ, ngày nấu với đa dạng các món như xôi, bánh ướt, mì bún xào… Ngoài bỏ tiền túi, những nguyên vật liệu chị Vi có được là nhờ sự giúp sức của mạnh thường quân, các chùa.

Mỗi lần nấu là một món khác, có gì dùng nấy

Ảnh: NVCC

“Đối tượng ban đầu là các chú dân quân trực chốt và bây giờ là những tình nguyện viên trẻ. Những ngày đầu, chúng tôi làm từ 150 phần xôi, bánh ướt, bún mì.... rồi tăng lên dần theo số ngày hoạt động, số lượng đăng ký của các điểm và đến nay là 500 phần cho mỗi lần nấu. Tuy số lượng có ít nhưng mọi người vui là chính”, chị Vi bộc bạch.

Bác sĩ ơi! Covid-19 có di chứng sau này không? | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

Làm khi còn có thể

“Dù con hẻm nơi tôi sinh sống thuộc "vùng xanh" nhưng cũng bị phong tỏa để bảo vệ mọi người nên chúng tôi có ý định ngưng bếp ăn. Tuy nhiên, các bạn đoàn viên thanh niên tham gia chống dịch gọi điện nói: “chị ơi nấu nữa đi! Có gì em đi mua, lấy đồ giúp cho”, nghe mà thương nên chúng tôi quyết định… có gì nấu đó”, chị Vi kể.

Chị Vi cho hay bản thân chị không phải là đầu bếp, càng không phải là người nấu ăn ngon nhưng may mắn được mọi người chỉ giúp.

Mỗi người một tay, góp sức làm xôi và bánh ướt để chăm lo cho các tình nguyện viên trẻ tham gia chống dịch

Ảnh: NVCC

Có những bữa hết kinh phí mà chưa xin được, chị Vi ngồi suy nghĩ xem ngày mai nấu món gì rồi soạn trong kho thì có chút bún, chút mì, còn một ít rau nên biến tấu thành món mì bún xào thêm xúc xích. "Cùng làm với nhau, có điều sợ không biết ăn sao nữa, nhưng có nhỏ em cũng hay ăn vậy nên “ừ làm luôn 300 phần”. Sợ lắm, nhưng các bạn trẻ ai cũng khen, mừng húm. Khi nấu xôi thì không ai biết, phải lên mạng học ngâm, hấp nếp, căng thẳng lắm nhưng ổn. Thiếu pate, chà bông thì làm rau xào ăn kèm, giống như ăn xôi chay vậy đó”, chị Vi kể lại.

Các tình nguyện viên chống dịch vui khi nhận các suất ăn như xôi và bánh ướt từ chị Vi

Ảnh: Tấn Đạt

Chị Vi chia sẻ: “Mỗi ngày, các thành viên trong nhóm chúng thôi có người thân mất hay mắc Covid-19 ngày càng nhiều, thương tâm lắm. Bây giờ chúng tôi giúp được gì sẽ cố gắng làm hết sức vì cuộc đời ngắn lắm. Tôi đã mất một người dì vì dịch Covid-19, còn hay gọi là má”.

Dì hay nói với chị Vi rằng “trong từ điển của má là không có từ mệt, còn sống là còn phụng sự”. "Từ khi “má” mất, chúng tôi đâu thể ngồi buồn đó mà không cố gắng làm mọi thứ để chia sẻ dù là bữa ăn nhỏ hay trung gian xin giúp phần thuốc phần gạo cho người khó khăn. Làm khi còn có thể”, chị Vi bộc bạch.

Mọi người vô cùng cảm động

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, Bí thư Đoàn P.11, Q.10, TP.HCM, cho hay tình cờ biết được chị Vi qua bài viết của các bạn làm tình nguyện viên chống dịch khác. Quỳnh Như đã mạnh dạn bình luận dưới bài viết của chị và đó cũng là lần bén duyên đầu tiên sau khi chị xác nhận thông tin.

“Tôi nhận được các suất ăn đầu tiên vào ngày 23.8. Đó là món xôi cực kỳ ngon, những lần sau có khi là mì xào, đều đặn như thế 30 phần mà chị Vi gửi gắm tình cảm đến các tình nguyện viên tại các điểm tiêm, trực chốt. Hiện nay là thời điểm rất khó để các bếp ăn tình nguyện hoạt động, vì nguyên liệu cũng như các sản phẩm như muỗng, hộp đựng rất ít cửa hàng cung cấp. Thế nhưng, chị Vi vẫn nhiệt tình tìm kiếm những nơi bỏ sỉ nguyên liệu cần thiết để hoàn thành các suất ăn mỗi ngày. Điều này khiến mọi người vô cùng cảm động”, Như nói.

Còn Thiên An, tình nguyện viên của Thành Đoàn TP.HCM - đang hỗ trợ bà con tiêm vắc xin tại số 985 đường Âu Cơ, P.14, Q.Tân Bình - chia sẻ cứ cách mỗi ngày là cô nhận được từ 100 - 110 suất ăn miễn phí từ chị Vi.

“Đồ ăn của nhà chị Vi nấu rất ngon, đấy là điều tất cả các bạn ở điểm tiêm nhận xét như thế. Hầu như mọi người đều muốn ăn thêm phần nữa mỗi khi dùng, có những bạn nam ăn tận 3 suất vì không cưỡng lại được. Lúc đầu bên tôi chỉ có một điểm tiêm nhưng sau đó mở rộng hơn tuy nhiên khi xin thêm các suất ăn như xôi và bánh ướt thì chị Vi luôn sẵn sàng làm, hỗ trợ cho mọi người”, An cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.