Bị phạt vì bán vé số miền Nam ở Ninh Thuận

04/09/2016 10:00 GMT+7

Tại Ninh Thuận đang áp dụng 'luật' lạ đời: Người bán loại vé số không đúng tuyến bị coi là vi phạm, bị xử phạt hành chính và tịch thu vé số.

Ngày 1.9, trước cổng chợ Phan Rang, TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận làm trưởng đoàn đã giữ một người bán vé số dạo đang cầm 8 tờ vé số do Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết (XSKT) Bình Thuận phát hành, đi bán dạo. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ vé số của người bán dạo này vì cho rằng vé số do các tỉnh khu vực phía nam phát hành, không được bán ở khu vực các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận!
Ngăn sông cấm chợ ?
Đoàn kiểm tra còn yêu cầu bà Tâm, người bán vé số dạo, về trụ sở Công an P.Kinh Dinh để lập biên bản xử lý, nhưng bà này không đồng tình. Bà Tâm cho rằng các tờ vé số mà bà cầm trên tay là loại vé số do nhà nước phát hành, chứ không phải vé số giả. Hơn nữa, trên tờ vé số không quy định cấm phát hành ở Ninh Thuận nên bà có quyền bán.
Mặc cho đông đảo người dân chứng kiến phản ứng, đoàn kiểm tra vẫn lập biên bản xử lý vắng chủ các tờ vé số được xem như phát hành trái tuyến. “Nếu thật sự có quy định ở khu vực Ninh Thuận không được bán vé số ở khu vực miền Nam hay miền Bắc phát hành thì cơ quan chức năng nên quản lý ở phần gốc, chứ không nên đi bắt giữ từng người bán vé số dạo”, bà Tâm phản ứng và cho biết người mua vé số ở Ninh Thuận rất thích loại vé 6 số ở khu vực miền Nam phát hành nên tranh thủ bán kèm để kiếm thêm thu nhập.
Ông Trần Minh Hoàng, một người dân chứng kiến vụ việc, đặt vấn đề: “Đây có phải là việc ngăn sông cấm chợ không? Họ bán vé số thật, do cơ quan nhà nước phát hành, sao lại cấm? Chúng ta đang sinh sống trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, theo cơ chế thị trường. Nếu nhu cầu người chơi thích loại vé 6 số, sao không phát hành để đáp ứng người dân mà lại đưa lực lượng đi “truy quét” những người bán vé số dạo”.
Một chủ đại lý vé số ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, trước đây vé số khu vực các tỉnh miền Trung cũng phát hành là loại vé 6 số, có cơ cấu trúng thưởng rất hấp dẫn, nhưng sau đó họ quay lại loại vé 5 số nhưng người mua chơi vé vẫn thích loại 6 số. Bởi với mệnh giá 10.000 đồng/tờ vé 6 số ở khu vực miền Nam có giải đặc biệt là 1,5 tỉ đồng, nhưng vé 5 số (cũng mệnh giá 10.000 đồng) ở khu vực miền Trung thì giải đặc biệt chỉ 250 triệu đồng. Vị này cho rằng bỏ tiền mua như nhau, tất nhiên người mua có quyền lựa chọn loại vé có cơ cấu trúng thưởng cao hơn, hấp dẫn hơn chứ.
Người dân phản đối việc Đoàn kiểm tra liên ngành kéo một phụ nữ bán vé số dạo về trụ sở Công an P.Kinh Dinh để lập biên bản Ảnh: Thiện Nhân
Công ty XSKT muốn bảo toàn lợi nhuận ?
Một cán bộ công tác trong ngành XSKT khu vực miền Trung cho biết sở dĩ các công ty XSKT khu vực miền Trung quay lại loại vé 5 số là vì mục đích muốn bảo toàn lợi nhuận. Trước đây phát hành loại vé 6 số có hệ số "rủi ro" rất cao mà doanh thu thị trường có giới hạn. Cụ thể, theo cán bộ này, nếu như phát hành 1 triệu vé thì có 1 vé trúng đặc biệt, nhưng có khi bán chỉ vài trăm ngàn vé mà lọt vô một giải đặc biệt thì nắm chắc phần lỗ vì số tiền trúng thưởng quá lớn. Do vậy, khi quay lại loại vé 5 số thì chỉ số an toàn trong kinh doanh cao hơn.
Theo vị cán bộ này, muốn giữ thị trường thì cần quản lý ở phần gốc (các đại lý cấp 1) hơn là thành lập đoàn để xử lý từng người bán vé số dạo. Vị này đưa ra dẫn chứng, mỗi ngày, đơn vị đầu mối (các công ty XSKT) khi cung cấp cho các đại lý cấp 1, họ thừa biết các đầu số đã giao các đại lý. Khi phát hiện các đầu số phát hành qua khu vực “cấm” thì sẽ không khó để xử lý những đại lý này.
Trên thực tế, Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với người phát hành vé số không đúng tuyến. Tuy nhiên, hầu hết những người bị xử phạt không thể thực hiện quyết định xử phạt vì họ quá nghèo, lấy đâu ra 10 - 15 triệu đồng để nộp phạt!
Xử phạt theo quy định của Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài chính Ninh Thuận, cho biết cơ cấu phát hành vé số trên toàn quốc được chia làm 3 khu vực. Khu vực 1, gồm khu vực các tỉnh phía bắc (gọi khu vực miền Bắc), khu vực 2 là các tỉnh miền Trung và khu vực 3 là các tỉnh miền Nam. Theo Thông tư 75/2013 ngày 4.6.2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số, vé số khu vực nào thì chỉ được lưu hành, bán ở khu vực đó; không được phát hành sang khu vực khác. Nếu phát hành bán vé số sang khu vực khác thì bị xử phạt hành chính. Theo ông Trường, cuối năm 2015, trên cơ sở đề nghị của Công ty XSKT Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận có chỉ đạo Sở Tài chính kiểm tra, ngăn chặn triệt để một bộ phận bán lẻ đã đưa vé số khu vực phía nam sang thị trường Ninh Thuận (khu vực miền Trung) để tiêu thụ và yêu cầu sở này thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Công an, Quản lý thị trường, Công ty XSKT Ninh Thuận và Thanh tra Sở Tài chính để xử lý. Qua kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp phát hành vé số khu vực miền Nam ra khu vực miền Trung và đã ra quyết định xử phạt hành chính, đồng thời tịch thu một lượng vé số ở khu vực miền Nam.
Giải thích về việc quản lý phần gốc, ông Trường cho biết, Công ty XSKT Ninh Thuận đã có văn bản gửi các công ty XSKT lân cận như Lâm Đồng, Bình Thuận..., yêu cầu các đại lý vé số không được phát hành vé số trái tuyến nhưng đến nay vẫn không quản lý được. Theo ông Trường, đoàn kiểm tra liên ngành làm việc công khai nhưng sự việc xảy ra vào ngày 1.9 thì “không được tốt lắm”.
Trung tá Trần Văn Thủy, Trưởng công an P.Kinh Dinh, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết công an phường chỉ là đơn vị phối hợp cùng ngành chức năng kiểm tra tình trạng bán vé số trái tuyến trên địa bàn. Theo ông Thủy, những người bán vé số dạo chủ yếu là người già, trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên khi phát hiện chủ yếu là nhắc nhở và cắt một phần gốc tờ vé số để họ còn trả lại cho các đại lý.
Làm khó người bán vé số dạo
Trước giải thích của Sở Tài chính Ninh Thuận, luật sư (LS) Nguyễn Quốc Toản, Công ty luật Hồng Long, phân tích rõ hơn: “Theo điều 8 quy định về “địa bàn kinh doanh xổ số” của Nghị định 30/2007 và điều 13 Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điều 8 và cả Nghị định 78/2013 sửa đổi một số điều trong Nghị định 30 sau này, hoàn toàn không có chi tiết bắt, phạt người bán vé số dạo nếu bán vé số sai vùng phát hành. Thực tế, phát hành thì đương nhiên tại địa phương nơi có công ty xổ số có trụ sở, còn bán lẻ thì bán đâu chả được”.
Cụ thể, ở khu vực miền Trung, thông tư hướng dẫn quy định: “Xổ số truyền thống, xổ số cào biết kết quả ngay, xổ số bóc biết kết quả ngay được phát hành theo cơ chế thị trường chung. Lịch quay số mở thưởng của các công ty XSKT do Bộ Tài chính quy định. Còn xổ số lô tô thủ công được phát hành và tiêu thụ trong phạm vi địa giới hành chính của từng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư của từng công ty XSKT”. Như vậy, theo LS Toản, việc người bán vé số lẻ tại các địa phương bán vé xổ số các tỉnh khu vực phía nam, không phải tổ chức đại lý mua bán chuyên nghiệp thì không phạm luật. “Nếu địa phương chủ trương “nói không” với các loại vé xổ số khu vực phía nam, thì nên có quy định rõ ràng với các công ty, đại lý phát hành tại địa phương. Còn đoàn kiểm tra liên ngành, thay vì chấn chỉnh các đại lý vé số và các công ty phát hành vé số thì lại kiểm tra bắt bớ người bán dạo là điều không nên một chút nào”, LS Toản nói.
LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết đối tượng điều chỉnh của Nghị định 30/2007, Thông tư 75/2013 và Nghị định 98/2013 là các doanh nghiệp kinh doanh xổ số và các tổ chức, cá nhân có liên quan kinh doanh xổ số. LS Tuấn khẳng định nếu xử phạt hành chính về hành vi phân phối và phát hành vé số không đúng địa bàn thì đối tượng bị xử phạt không phải là người bán vé số dạo.
Nguyên Nga - Phan Thương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.