Bí mật sự sống trên sao Hỏa

24/03/2021 18:00 GMT+7

Sau khi đáp thành công lên bề mặt sao Hỏa , tàu thăm dò Perseverance của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang trong giai đoạn quan trọng nhất của sứ mệnh lần này: tìm kiếm sự sống trên hành tinh đỏ.

Các kỹ sư NASA đã trang bị cho tàu thăm dò Perseverance đầy đủ phương tiện cho mục tiêu trên. Đặc biệt, con tàu được trang bị hệ thống máy móc phức tạp nhằm phân tích khí quyển hành tinh và thu thập mẫu đất đá của sao Hỏa mang về trái đất. Nếu thành công, vậy sự sống trên hành tinh đỏ sẽ xuất hiện dưới dạng gì?
Tiến sĩ Woodward Fischer, giáo sư địa sinh của Viện Công nghệ California (Mỹ), lưu ý sự sống trên sao Hỏa (nếu có), nhiều khả năng chỉ dừng lại ở dạng vi khuẩn. Vì thế, một khả năng là các nhà khoa học sẽ tìm được những phụ phẩm của vi khuẩn dưới dạng khoáng chất.
Giáo sư Fischer cho hay đó là những dạng khoáng chất mà bản thân môi trường không tự tạo ra, mà chính sự hiện diện của sinh học giúp sản sinh chúng. Chẳng hạn, một số khoáng chất ô xít sắt có thể là manh mối cho sự hiện diện của sự sống dưới dạng vi khuẩn.
Hoặc các nhà khoa học có thể tìm được bằng chứng về sự sống trong quá khứ trên bề mặt hành tinh đỏ (bao gồm các phần của tế bào), hay một dạng đá gọi là stromatolite. Nhìn bề ngoài, stromatolite khá giống các mảnh bánh quy vụn, có kích thước dao động từ cỡ bằng ngón tay người đến kềnh càng như xe tải nhỏ. Thế nhưng sự hiện diện của chúng cho thấy từng có sự sống dưới dạng vi khuẩn vào thời điểm sao Hỏa còn non trẻ.
Tiến sĩ Seth Shostak, nhà thiên văn học kỳ cựu của Viện Tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh (SETI), nhận xét về sự sống ở sao Hỏa: “Bạn có thể an tâm khi đưa ra kết luận rằng sự sống ở hành tinh này sẽ chẳng bao giờ vượt ngưỡng tạo ra vi khuẩn, tức không thể vượt qua giai đoạn các sinh vật đơn bào”.

NASA công bố video toàn cảnh "cú nhảy bão táp" xuống sao Hỏa và tiếng "gió hú" trên hành tinh đỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.