Bị lấn chiếm, dù thắng kiện nhưng vẫn... mất đất

Trần Cường
Trần Cường
21/08/2023 08:39 GMT+7

Gửi đơn đến Báo Thanh Niên, bà Dương Thị Hiền (trú thôn Chi Đống, xã Tân Chi, H.Tiên Du, Bắc Ninh) cho hay nhiều năm nay căn nhà cấp 4 của bà trở nên ẩm thấp, tường bị thấm dẫn đến nguy cơ mất an toàn, do đất bị hàng xóm lấn chiếm xây công trình tạm sát vách khiến mỗi khi mưa, nước không thể thoát.

LO NGẠI AN TOÀN

Theo bà Hiền, năm 1998, gia đình bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) lô đất rộng 256 m2, có tên trên bản đồ là thửa đất số 127. Cùng thời điểm, gia đình ông Nguyễn Trọng L. ở cạnh nhà bà cũng được cấp sổ đỏ thửa đất số 119 (một mặt giáp nhà bà Hiền) với diện tích 255 m2. Khi nhận sổ đỏ, do không có chuyên môn kỹ thuật cộng với tin tưởng chính quyền nên bà Hiền không đo đạc lại và cũng không xảy ra tranh chấp gì với gia đình ông L.

Năm 2021, gia đình bà Hiền nhờ chính quyền đo đạc lại đất để làm thủ tục thừa kế thì phát hiện thiếu 22 m2, trong khi đất nhà ông L. thừa ra diện tích trùng khớp với phần đất gia đình bà Hiền bị thiếu.

Từ đơn thư bạn đọc: Bị lấn chiếm, dù thắng kiện nhưng vẫn... mất đất - Ảnh 1.

Phần công trình tạm lợp tôn mà theo bà Hiền là gia đình ông L. đã xây lấn chiếm sang phần đất của bà

Phía giáp ranh hai nhà, ông L. cho xây dựng công trình tạm, mái tôn áp sát vào vách căn nhà cấp 4 của gia đình bà Hiền khiến hễ trời mưa là nước không thoát được, chảy lan trên tường gây ẩm mốc, đe dọa an toàn công trình và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của bà cùng con cháu. Khi phát hiện đất bị thiếu, bà Hiền nhiều lần nói chuyện với gia đình ông L., đề nghị dỡ bỏ phần công trình lấn đất và xây áp tường nhà, nhưng không đi đến thống nhất nên quyết định làm đơn nhờ cơ quan chức năng giải quyết, yêu cầu gia đình ông L. tháo dỡ công trình và trả lại phần mà gia đình bà bị lấn chiếm để đảm bảo an toàn.

"Phong tục xưa, người dân chúng tôi khi xây nhà thường không xây hết đất, chừa lại một phần phía sau để trồng cây, mở cửa sổ và nếu hàng xóm có xây dựng thì cũng có chỗ để thoát nước mưa, tránh bị thấm tường, ẩm mốc. Tuy nhiên, nhà ông L. đã lấn chiếm, xây công trình sát căn nhà cấp 4 của tôi khiến cửa sổ không thể mở, nước không thể thoát", bà Hiền bức xúc.

Từ đơn thư bạn đọc: Bị lấn chiếm, dù thắng kiện nhưng vẫn... mất đất - Ảnh 2.

Tường nhà bà Hiền bị thấm nước mỗi khi trời mưa

ĐOÀN DƯƠNG

CHỜ MỘT BẢN ÁN THẤU TÌNH ĐẠT LÝ

Ngày 22.5 vừa qua, TAND H.Tiên Du mở phiên sơ thẩm vụ kiện này. Tại tòa, bà Hiền yêu cầu HĐXX buộc ông L. phải tháo dỡ toàn bộ công trình trên phần đất lấn chiếm để trả lại đất cho gia đình bà. Phía ông L. thì cho rằng hồ sơ đo đạc thửa đất nhà ông không đúng, dẫn đến sai diện tích, cấp sổ đỏ ít hơn so với thực tế là 277 m2 (?!).

Bản án số 13/2023/DS-ST nêu việc tăng, giảm diện tích của hai gia đình ngoài việc sai do lập hồ sơ còn do hai bên chưa sử dụng hết đất, các hộ liền kề sử dụng chồng lấn, do đó gia đình ông L. đã lấn sang nhà bà Hiền 9 m2 như sơ đồ đo đạc thể hiện. Tuy nhiên, trên phần đất tranh chấp này đã có tài sản cố định và ổn định của ông L., trong khi gia đình bà Hiền chưa sử dụng đến, nên để bảo toàn giá trị tài sản, tránh xáo trộn về công trình của ông L., cần giao cho hộ ông L. tiếp tục sử dụng 9 m2 đất này, nhưng phải trả tiền cho hộ bà Hiền theo giá mà hội đồng định giá đưa ra. Từ đó, TAND H.Tiên Du quyết định chấp nhận khởi kiện của bà Hiền, xác định ông L. đã lấn chiếm 9 m2 đất, giao cho ông L. được quản lý, sử dụng và phải trả cho gia đình bà Hiền 63 triệu đồng.

Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, bà Hiền không đồng ý nên đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét. "Tôi buộc phải khởi kiện để đòi lại đất vì công trình ông L. xây trên phần đất lấn chiếm đang ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa an toàn căn nhà của tôi. Đây là công trình phụ, không phải kiên cố và không liên quan đến kết cấu căn nhà chính của ông L., cần phải tháo dỡ để hoàn trả đất lấn chiếm và đảm bảo an toàn cho nhà tôi. Nếu không tháo dỡ, để xảy ra sự cố hư hại nhà và ảnh hưởng sức khỏe gia đình tôi thì ai chịu trách nhiệm? Ngoài ra, đất nhà tôi thiếu 22 m2, chứ không phải 9 m2 như tòa sơ thẩm tuyên. Vì thế, tôi mong tòa phúc thẩm công tâm, có bản án thấu tình đạt lý", bà Hiền nói.

Theo dự kiến, ngày 22.8, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm vụ kiện này. Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh thông tin tới bạn đọc. 

Cần làm rõ công trình lấn chiếm là tạm hay kiên cố

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, trong vụ kiện này cần làm rõ diện tích bị lấn chiếm là 9 m2 hay 22 m2. Nếu theo bản đồ đo đạc diện tích bị lấn chiếm chỉ có 9 m2, nhưng bà Hiền không đồng ý thì yêu cầu đo đạc lại để xác định chính xác diện tích bị lấn chiếm. Quá trình đo đạc lại cần tham khảo thêm các tài liệu đã lập trước đây như bản vẽ hiện trạng khi cấp giấy chứng nhận cho nguyên đơn, bị đơn.

Đặc biệt, có sự mâu thuẫn giữa bản án sơ thẩm và lời khai của nguyên đơn. Bản án nhận định trên phần đất tranh chấp đã có tài sản cố định và ổn định của ông L. nên tiếp tục giao tài sản cho ông L. sử dụng, nhưng nguyên đơn lại trình bày ông L. chỉ xây dựng công trình tạm trên diện tích đất tranh chấp. Với mâu thuẫn này, tòa án cần lập biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ, với sự có mặt các bên và chính quyền địa phương để làm rõ. Nếu bị đơn lấn chiếm để xây dựng công trình phụ, không phải kiên cố và không có giá trị cao, nhưng tòa sơ thẩm tuyên giao đất cho bị đơn là không hợp lý.

Như vậy, trong trường hợp này cấp phúc thẩm cần làm rõ các nội dung nói trên để giải quyết vụ án một cách hợp lý, đúng pháp luật và cần thiết phải buộc bị đơn trả lại phần đất lấn chiếm của nguyên đơn.

Phan Thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.