Bí kíp để tránh bị chèo kéo, móc túi khi du lịch châu Âu

26/08/2022 09:26 GMT+7

Khách Việt Nam du lịch châu Âu có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp nhưng cũng là dịp "trải nghiệm" nạn chèo kéo, móc túi ở nước ngoài.

Đặc sản móc túi, cướp giật

Hồi tháng 6.2022, một nam du khách người Việt Nam bị tấn công ở khu vực quảng trường Piazza del Doumo, Ý, vào đêm muộn và mất chiếc đồng hồ trị giá 1,2 tỉ đồng. Kẻ cướp bị bắt nhưng chiếc đồng hồ đã được chuyền cho đồng bọn. Cũng rơi vào tình trạng tương tự là trường hợp của chị H.H (Hà Nội) trong chuyến du lịch đến Paris (Pháp) cuối tháng 6 vừa rồi. Dù đã được cảnh báo liên tục và cảnh giác hết cỡ khi đi vào các trung tâm thương mại, các cửa hàng mua sắm, ngoài đường phố nhưng địa điểm chị H.H bị móc túi lại là trong nhà vệ sinh ở khu outlet ngoại ô Paris.

Có thể nói, nạn cướp giật, móc túi hay chèo kéo du khách là "đặc sản" tại các thành phố du lịch nổi tiếng ở Ý hay Pháp. Du khách đến những nơi này cần phải chuẩn bị các mẹo để phòng tránh.

Anh Tân (TP.HCM), người từng nhiều lần du lịch châu Âu, chia sẻ: Ở các điểm tham quan nổi tiếng tại Paris, Pháp, như tháp Eiffel, đồi Montmartre… luôn có “đội quân” bán hàng rong chèo kéo du khách.

“Làm sao để từ chối họ khi bạn được mời chào? Chỉ duy nhất một câu: No, merci (Không, cảm ơn). Đừng nói thêm gì nữa ngoài câu đó và bạn cũng không cần giao tiếp quá nhiều với họ bằng mắt. Đặc biệt là đừng thể hiện mình quan tâm đến món hàng họ đang cầm trên tay để chào mời khách. Chỉ cần ánh mắt của bạn dừng lại ở món hàng, nhóm người này sẽ tiếp tục quấy rối bạn”, anh Tân nhấn mạnh.

Hướng dẫn viên quốc tế một công ty du lịch lớn ở TP.HCM tên T.T cho biết thêm, “bí quyết” từ chối hàng rong ở nước nào cũng vậy, kể cả ở Ý hay Tây Ban Nha, nơi có đông đảo lực lượng hàng rong đeo bám du khách nước ngoải. “Bạn cần từ chối một cách dứt khoát, nếu không muốn bị hàng rong lừa đảo bán hàng dỏm hoặc mất tiền vì giá cao rất phiền phức. Nhiều khi, chỉ vì bị lừa một món hàng không quá đắt tiền mà du khách mất vui cả chuyến đi”, anh nói. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên này còn chia sẻ kinh nghiệm tránh móc túi khá đơn giản nhưng hiệu quả.

Du khách châu Á luôn trong tầm ngắm của các đối tượng chèo kéo, móc túi

cnn

Túi trước là của bạn, túi sau là của người khác

“Tôi luôn nhắc khách của công ty rằng, ‘tài sản trong túi trước là của bạn, còn ở túi sau là của người khác’. Nhiều du khách Việt Nam đi du lịch ở các điểm đến đông đúc tại châu Âu thường có thói quen để điện thoại hay ví tiền ở túi quần sau, chắc chắn dễ bị mất trộm. Tiền bạc, giấy tờ khách nên để vào túi trong của áo khoác. Còn không phải mang theo túi chéo 3 lớp, những thứ hay sử dụng thường xuyên để ở ngăn ngoài, passport và tiền nhiều để ở hai ngăn trong”, hướng dẫn viên trên căn dặn.

Theo anh T.T, nhiều nước châu Âu nổi tiếng với nạn trộm vặt, nhất là móc túi, rạch giỏ. Những nơi du khách cần lưu ý là trên tàu điện ngầm, điểm tham quan có nhiều người chụp hình. Các nơi này, du khách thường mất cảnh giác. Mỗi khi thấy ai đó lướt nhanh qua, hoặc chen trước chen sau, bạn cần phải ngay lập tức đưa tay kiểm tra lại tài sản của mình. Ở tháp Eiffel còn có nhóm người cầm sổ và nhờ bạn ký tên ủng hộ một vấn đề nào đó, nếu ký, bạn sẽ phải đưa tiền. Các nhóm khách theo tour đoàn luôn được hướng dẫn viên cảnh báo, nhưng khách đi tự túc cần phải hết sức lưu ý.

Anh Phú Hưng, một Việt kiều sống ở Thụy Sĩ và có hơn chục lần du lịch đến Paris, cho biết: Nếu du khách bị móc túi ở Pháp hay Ý, không nên cố gắng truy đuổi để lấy lại mà hãy tới đồn cảnh sát trình báo. Tuy nhiên, cần phải phòng ngừa bằng các cách sau: Không nên để nhiều tiền mặt và nhiều thẻ tín dụng trong ví; hãy luôn quan sát vật dụng của bạn khi vào quán ăn, quán bar, nhất là không để điện thoại lên quầy bar; đừng bao giờ cho xung quanh biết bạn có nhiều tiền mặt, nhất là lúc mua đồ; không nên đeo trang sức giá trị; chỉ sử dụng túi có khóa kéo; luôn che mã PIN và không rút tiền một mình ở đường tối; không nói chuyện với ai ở cây ATM; giữ ví ở túi phía trước; không sơ hở điện thoại trên tàu điện ngầm.

Chưa hết, bạn cần phải "che giấu thân phận" là một du khách từ phương xa tới, bằng cách không mặc những chiếc áo in hình dòng chữ thật to, kiểu "Tôi yêu Paris", "Tôi nhớ nước Ý", hay luôn cầm trên tay tấm bảng đồ giấy khổ lớn, đeo trước ngực chiếc máy ảnh hàng hiệu to đùng. Tất cả những thứ đó khiến bạn trở thành "con mồi" bị theo dõi ngay tức thì. Kẻ trộm sẽ tiếp cận, một người sẽ giả vờ va vào bạn, đổ nước hay hỏi những câu gì đấy, trong khoảnh khắc mất tập trung đó, một thứ quý giá bạn mang theo bên người sẽ nhanh chóng "ra đi không trở lại".

Điều cuối cùng, anh Hưng nhắc nhở, đừng nhận lấy bất kỳ thứ gì ai đó trao cho trên danh nghĩa tình bạn ở châu Âu, như chiếc vòng tay vải ở đồi Montmartre. Bởi, chỉ cần bạn đưa tay ra cho người ta buộc dây vào, thì sau đó chỉ có "tiền và tiền".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.