Bị 'hành', doanh nghiệp cứ phản ánh trực tiếp lãnh đạo TP.HCM

02/08/2016 15:39 GMT+7

Đó là thông điệp được ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM đưa ra tại buổi họp báo công bố kế hoạch triển khai về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, diễn ra vào hôm nay 2.8.

Ông Võ Văn Hoan cho biết sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 35 ngày 16.5.2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch triển khai với nhiều nội dung cụ thể.
Đặc biệt chú trọng đến khu vực tư nhân
TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp TP có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới đảm bảo các thành phần kinh tế phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng đến khu vực tư nhân, với kỳ vọng khu vực kinh tế này đóng góp khoảng 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (riêng trong năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn TP khoảng 285.000 tỉ đồng).
Quyết định của UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành, quận, huyện tập trung cải cách thủ tục hành chính; tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm giữa đơn vị với các doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách; giảm 30% các cuộc họp và dành thời gian để đi thực tế nắm bắt các thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời.
Hầu hết các sở ngành chuyên môn của UBND TP.HCM đều được huy động, phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp từ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ công nghệ, kết nối doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường, rút ngắn các loại thủ tục có liên quan…
Trong đó, đáng chú ý là Sở TN-MT phải rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất từ 57 ngày xuống 14 ngày; công khai, minh bạch thông tin quỹ đất sạch đến các doanh nghiệp và người dân nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng trong đầu tư.
Đặc biệt, UBND TP.HCM quyết định giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bố trí gói đầu tư 2.000 tỉ đồng từ ngân sách TP cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ; bố trí 1.000 tỉ đồng từ ngân sách TP để hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp (kèm trình tự, thủ tục giải quyết).
Nghe “hơi thở” của hộ kinh doanh cá thể
Trả lời Thanh Niên, ông Võ Văn Hoan cho rằng tuy số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM rất lớn với 280.000 doanh nghiệp trong nước, 6.108 doanh nghiệp nước ngoài, nhưng hạn chế là sức cạnh tranh của đa phần doanh nghiệp còn yếu. Do thiết bị, công nghệ của nhiều doanh nghiệp lạc hậu, nên dẫn đến nhiều thương hiệu về thực phẩm, nhu yếu phẩm… đã bị mất đi, hoặc bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Nếu như không sớm thay đổi căn bản vấn đề này, thì tình trạng hàng Việt thua ngay trên sân nhà khó được cải thiện.
Ông Võ Văn Hoan khẳng định nếu bị các sở ngành, quận, huyện “hành”, doanh nghiệp cứ phản ánh trực tiếp lãnh đạo TP.
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin qua đường dây nóng được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, địa chỉ. Việc tiếp nhận thông tin được thực hiện 24/24 giờ, 7 ngày/tuần qua số điện thoại 0888.247.247 hoặc hộp thư điện tử duongdaynong@tphcm.gov.vn.
UBND TP.HCM khuyến khích các cá nhân, tổ chức tiếp tục sử dụng các đường dây nóng hiện hành của các cơ quan quản lý nhà nước, báo đài trên địa bàn TP và Cổng thông tin điện tử của Văn phòng UBND TP.HCM (http://vpub.hochiminhcity.gov.vn). Thông tin đường dây nóng và kết quả xử lý được cập nhật trên trang thông tin điện tử tại địa chỉ http://duongdaynong.tphcm.gov.vn.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết ông sẽ đi làm việc với các quận, huyện để “nghe hơi thở của hộ kinh doanh cá thể, xem họ thở như thế nào” nhằm có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả, giúp hộ cá thể nâng cao vị thế trong kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.