Bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, bị cáo thoát án tù

Phan Thương
Phan Thương
09/03/2018 07:16 GMT+7

Đây là một trong những quy định thể hiện tính nhân đạo của bộ luật Hình sự 2015 và TAND TP.HCM đã có bản án đầu tiên trên cả nước áp dụng quy định này.

Theo hồ sơ vụ án, tối 4.10.2013, bị cáo Bùi Văn T. đang ngồi chơi tại nhà anh Nguyễn Thanh Đ. (H.Hóc Môn, TP.HCM) thì giữa anh Đ. và ông Đ.V.Đ lời qua tiếng lại. Sau đó, bị cáo T. và một người bạn dùng cây gỗ đánh ông Đ.V.Đ.
Con trai ông Đ.V.Đ nghe cha mình bị đánh, đến nhà anh Đ. can ngăn thì bị T. dùng cây tròn đánh ngất xỉu, tỷ lệ thương tích được cơ quan tố tụng xác định vùng đầu là 2%, tại tay trái gãy xương trụ có tỷ lệ 10%.
Rút đơn ngay trước phiên phúc thẩm
Tháng 6.2017, Bùi Văn T. bị TAND H.Hóc Môn xử sơ thẩm tuyên phạt 9 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Sau bản án sơ thẩm, T. kháng cáo kêu oan; Viện KSND TP.HCM kháng nghị hủy toàn bộ bản án để điều tra, xét xử lại do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bị cáo T. đã thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ người bị hại 40 triệu đồng. Đồng thời người bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với T. để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Mới đây, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, nhận định dù bị cáo T. kêu oan nhưng theo hồ sơ vụ án, đủ chứng cứ để khẳng định các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố, xét xử bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 điều 104 bộ luật Hình sự 2003; thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại tại điều 105 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 là đúng. Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, người bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và không xử lý trách nhiệm đối với bị cáo T., nên HĐXX xét thấy đây là trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ theo quy định tại điều 155 BLTTHS 2015.
Cũng theo HĐXX, dù thời điểm xét xử vụ án, BLTTHS 2015 đang hoãn thi hành nhưng theo Nghị quyết của Quốc hội về một số trường hợp có lợi cho bị can, bị cáo vẫn được áp dụng, nhằm thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Từ đó, cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP.HCM, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo T.; chấp nhận đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và không xử lý hình sự đối với T., hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Việc đình chỉ vụ án, hủy bản án là do khách quan, không phải do lỗi của tòa cấp sơ thẩm và bị cáo không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Khuyến khích hòa giải, tránh án tù
Luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, cho biết theo điều 105 BLTTHS 2003 và điều 155 BLTTHS 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi người bị hại (bị hại) có đơn yêu cầu đối với một tội danh và những tội này đều thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Mặc dù là lĩnh vực hình sự nhưng nhà nước cũng khuyến khích sự thỏa thuận để các bên có thể hòa giải với nhau. Thậm chí, cho đến khi xét xử phúc thẩm các bên vẫn có thể hòa giải và bị hại rút đơn yêu cầu xử lý thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải đình chỉ vụ án.
Theo LS Hoan, bộ luật Hình sự 2015 còn mở rộng đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp “vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải cũng như đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
LS Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm: “Trường hợp người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án được đình chỉ đã được quy định tại BLTTHS 2003, nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp vụ án chưa được đưa ra xét xử sơ thẩm. Tới BLTTHS 2015 quy định này đã nới rộng hơn phạm vi, cho áp dụng ngay cả khi đã xét xử phiên sơ thẩm”.
Trước những ý kiến cho rằng quy định này có thể trở thành “công cụ” để người phạm tội sử dụng nhằm thoát tội, LS Hưng nêu quan điểm: “Quy định này chỉ áp dụng với một số tội và thuộc phần lớn trường hợp ít nghiêm trọng như hành vi cố ý, vô ý gây thương tích, làm nhục, vu khống người khác… Pháp luật đã tạo hành lang pháp lý để người có hành vi phạm tội thỏa thuận với người bị hại, như một cách để giải quyết mâu thuẫn và khắc phục tổn thất của các bên. Thông thường giải pháp để người bị hại rút yêu cầu khởi tố chính là hành vi bồi thường thiệt hại. Khoản tiền này có thể xem như một hình phạt tương xứng với người phạm tội và tất nhiên phải có sự đồng thuận của người bị hại”.
Nếu bị hại rút đơn ngoài ý muốn, vụ án vẫn bị điều tra, xét xử
Ông Võ Văn Thêm, Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, cho rằng pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ phổ biến trong xã hội chứ không thể điều chỉnh tất cả các quan hệ trong xã hội. Do vậy, có thể tính nhân đạo này đâu đó sẽ bị lợi dụng. Tuy nhiên, không thể chỉ vì số ít hoặc có thể nói là cá biệt mà bỏ quy định mang tính nhân đạo này, làm ảnh hưởng đến những người phạm tội có ý chí hướng thiện. “Để hạn chế quy định này bị lợi dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng khi xét xử cần phải xác định rõ ý chí của người bị hại khi rút yêu cầu để tránh tình trạng rút đơn do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc ép buộc. Trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được người bị hại rút đơn ngoài ý muốn thì vụ án vẫn tiếp tục bị điều tra, truy tố và xét xử”, ông Thêm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.