Bi hài chuyện… quẹt thẻ

08/08/2010 23:19 GMT+7

Quẹt đi quét lại chiếc thẻ tín dụng vài lần, cô nhân viên cửa hàng tỏ vẻ mặt u sầu rồi nhỏ nhẹ: "Anh thông cảm thanh toán bằng tiền mặt giúp bọn em, máy lại hỏng không kết nối được với ngân hàng"!

Đây không phải là lần duy nhất anh Đạt (nhà ở Q.Long Biên, Hà Nội) bị các nhân viên cửa hàng xin lỗi vì tình trạng máy đọc thẻ tín dụng bị lỗi. Những lần trước đến nhiều cửa hàng, thậm chí những trung tâm thương mại lớn của Hà Nội, anh cũng đều bị từ chối cùng với lý do như vậy. Chính vì lẽ đó, rút kinh nghiệm, cứ mỗi lần định đi mua sắm hay mời bạn bè, đưa gia đình đi ăn tiệc tại các cửa hàng có chấp nhận thẻ tín dụng anh vẫn phải nhét vào ví vài triệu để phòng thân.

"Còn rất nhiều nguyên nhân khác, nhưng đa phần họ nói máy lỗi. Ở các khách sạn lớn ít khi có chuyện như vậy, nhưng ở những cửa hàng, trung tâm thương mại, không phải là ít" - Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Thẻ Vietcombank

Là trưởng phòng kinh doanh của một công ty điện tử lớn tại Hà Nội, trong một lần đưa các đối tác nước ngoài đi ăn chị Nguyệt ghé một quán đồ tây trên phố cổ, Hà Nội. Nhìn thấy cửa hàng có gắn logo của American Express và sẵn có chiếc thẻ tín dụng của Vietcombank mới đăng ký nên chị không phân vân nhiều, dù biết trong túi không còn dư dả tiền mặt. Tuy nhiên, ăn xong mọi người cứ thấy chị loay hoay như gà mắc tóc, mặt thì cứ đỏ như gấc. Nhớ lại vụ đó, chị Nguyệt vẫn còn ngại: "Tiền mặt không đủ, máy họ bảo lỗi, nói khéo mãi rồi họ mới thông cảm, sáng hôm sau lếch thếch mang tiền lên trả".

Những tình huống éo le của các khách hàng thời gian qua diễn ra ngày càng phổ biến. Ở khắp mọi nơi, dù logo của các hãng thẻ lớn trên thế giới như Visa, American Express, hay Master… được treo, đặt rất trang trọng nhưng khách hàng, đa phần là người VN khó có thể sử dụng để thanh toán. Phần lớn người ta chỉ chấp nhận thanh toán cho người nước ngoài vì một lý do đặc biệt nào đó.

"Rõ ràng khi ăn tôi có quan sát một vài khách hàng ngoại quốc thanh toán được bằng thẻ, thế nhưng cứ hễ người Việt ra thanh toán thì nhân viên lại viện lý do máy bị nghẽn mạng, và một vài lý do mang yếu tố kỹ thuât và chuyên môn cao", chị Nguyệt bức xúc.

Khách hàng có thể kiện

Giám đốc của một ngân hàng thương mại có số lượng phát hành thẻ đứng hàng đầu thị trường cho rằng các nhân viên thường lấy lý do máy bị lỗi bởi chấp nhận thanh toán thẻ cửa hàng đó phải trả phí cho ngân hàng và toàn bộ doanh số bán hàng, doanh thu tháng sẽ phải gửi vào tài khoản ngân hàng nên khó trốn được thuế. "Theo quy định phí thanh toán 2-2,5% doanh thu, tự nhiên cửa hàng phải trả phí cho ngân hàng, trong khi đó các ngân hàng không phải thu phí mà phải trả cho các tổ chức thẻ quốc tế nên đương nhiên các cửa hàng không muốn thanh toán", ông này nói.

Theo thống kê của hiệp hội thẻ, tới thời điểm hiện tại toàn thị trường VN có 25 triệu thẻ các loại, trong đó thẻ tín dụng chỉ chiếm khoảng hơn 1 triệu, doanh số giao dịch không đáng kể. Cụ thể, Vietcombank đang dẫn đầu thị phần thẻ tín dụng quốc tế, chiếm 37,11%; doanh số thanh toán qua thẻ 1.400 tỉ đồng. Sacombank xếp thứ hai với doanh số khoảng 492 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu đạt 378 tỉ đồng.

Giám đốc trung tâm thẻ khác cũng cho rằng các cửa hàng không muốn thanh toán qua thẻ vì thu bao nhiêu, chi bao nhiêu ngân hàng biết, cơ quan thuế biết, như vậy không trốn thuế được. Còn việc buộc phải thanh toán cho khách nước ngoài vì khi họ vào VN không có tiền mặt, chỉ mang theo thẻ tín dụng, nên các cửa hàng, khách sạn, các nhà hàng đành phải chấp nhận thẻ.

Sự phân biệt giữa khách nội - khách ngoại, bị đối xử không công bằng như tình huống của hai khách hàng trên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm Thẻ Vietcombank, không có gì lạ tại VN.

Bà Hằng kể, một lần cùng các chuyên viên của Trung tâm Thẻ Vietcombank đi ăn, khi ra quầy thanh toán, nhân viên rất nhẹ nhàng thông báo: "Chị ơi máy bị hỏng, không kết nối được với ngân hàng". Lúc đó bà Hằng đã gọi về trung tâm và thông tin xác nhận lại là hoàn toàn không có trục trặc gì từ hệ thống. Truy tới cùng cô nhân viên bán hàng thì hóa ra đường dây điện thoại đã bị rút ra từ bao giờ. Theo bà Hằng, do các khách hàng không giỏi về kỹ thuật, không hiểu về chuyên môn nên thường nghĩ rằng máy không hỏng thì thẻ của mình cũng có vấn đề. "Còn rất nhiều nguyên nhân khác, nhưng đa phần họ nói máy lỗi. Ở các khách sạn lớn ít khi có chuyện như vậy, nhưng ở những cửa hàng, trung tâm thương mại, không phải là ít" - bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, không được phân biệt khách Tây, khách ta, địa điểm nào có logo chấp nhận thanh toán thẻ thì phải đồng ý thanh toán không kể người VN hay nước ngoài. "Không cho thanh toán thì khách hàng có thể kiện" - bà Hằng nói.

Cân đối mức phí để phát triển thanh toán điện tử

Ngoài các loại thẻ thanh toán do ngân hàng phát hành, tại VN cũng đã xuất hiện hình thức thanh toán bằng ví điện tử - là một tài khoản điện tử, dùng để thanh toán hoặc trả phí trong các hoạt động thương mại điện tử - do một số doanh nghiệp đứng ra làm trung gian thanh toán. Đây là hình thức thanh toán tiện dụng trên internet mà các trang web thương mại trên thế giới đã áp dụng như Ebay sử dụng thanh toán qua Paypal, Alibaba sử dụng hệ thống thanh toán Alipay... Tuy nhiên số lượng người sử dụng các phương tiện thanh toán này tại VN vẫn còn khá ít.

 Ông Đinh Trung Trực - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (đơn vị trung gian thanh toán ví điện tử Payoo) nhận định, việc kết nối giữa ví điện tử Payoo với các ngân hàng về mặt kỹ thuật không có gì khó khăn. Nhưng nhiều khi không thỏa thuận được mức phí phải thu nên việc kết nối cũng không thực hiện được. Mức phí cao sẽ không thúc đẩy người dùng sử dụng thử một hình thức thanh toán điện tử tiện lợi mới được triển khai tại VN. Nhưng mức phí quá thấp thì cũng không đủ chi phí cho công ty thanh toán trung gian chi trả lại cho ngân hàng.

Mai Phương

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.