Bị động vì phụ thuộc

20/08/2019 04:53 GMT+7

Ít thì một lần, nhiều thì vài lần, năm nào trái thanh long của ta cũng "có chuyện" với thị trường Trung Quốc . Năm ngoái thanh long rớt giá vì Trung Quốc giảm mạnh lượng mua vào.

Lý do được giải thích sau đó là do nước này tăng diện tích trồng, mùa thu hoạch cùng thời điểm với VN thì mới đây, hàng trăm xe đầu kéo chở thanh long lại chết đứng ở cửa khẩu Lào Cai không qua được thị trường bên kia biên giới theo kế hoạch.
Cứ mỗi lần gặp chuyện, lại có một lý do khác nhau. Nhưng nguyên nhân của các nguyên nhân là do trái thanh long của ta phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Từ chỗ phó thác tiêu thụ phần lớn sản phẩm cho thị trường này, chúng ta để cho họ làm chủ toàn bộ cuộc chơi.
Ông Bùi Đăng Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, thừa nhận các vựa lớn nhất ở thủ phủ thanh long Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) hầu hết đều do người Trung Quốc điều hành và đầu tư vốn. Do vậy họ hiểu rõ từ tập tục sản xuất đến phương thức kinh doanh, thời điểm mùa vụ của mình. Rồi từ đó lũng đoạn, thao túng thị trường. Đến mức, những doanh nghiệp địa phương, nếu không liên kết với thương lái Trung Quốc thì đều bị ép, và trước sau gì cũng “đổ bể”.
Thực ra chuyện này cũng chẳng mới mẻ hay chấn động gì. Đầu năm ngoái, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Công thương và công an tỉnh khẩn trương chấn chỉnh tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thanh long. Họ dùng đủ chiêu để hạ gục, thâu tóm hoặc biến các vựa thanh long nội thành sân sau của mình. Nhiều chủ vựa trở thành người làm thuê ở chính cơ sở mình gây dựng lên do bị “sập bẫy”, vay tiền mở rộng quy mô kinh doanh để đáp ứng các đơn hàng lớn từ thương lái Trung Quốc. Rồi đùng một cái, họ cắt đơn hàng, thế là ôm nợ, bán vựa... Những chuyện này, có cả thập niên nay, không phải mới đây.
Thế nhưng, như nói trên, tình hình không có gì thay đổi. Nhiều chủ vựa chở hàng tới cửa khẩu Lào Cai lần này bị cấm không vào Trung Quốc mà ngơ ngác không biết vì sao. Bởi mọi thủ tục đều giao phó cho cò dịch vụ phía Trung Quốc thực hiện. Cò làm sai, làm ẩu, làm gian dối thì doanh nghiệp VN gánh hệ quả. Vậy thôi.
Đất của ta, trái cây của ta, công sức nuôi trồng của nông dân ta... nhưng mọi cái lại phụ thuộc vào giới đầu nậu, giới cò Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc hắt hơi, thanh long trong nước tuột dốc. Thị trường Trung Quốc bệnh, thanh long trong nước liệt giường, kêu cứu. Đã phụ thuộc thì sẽ bị động, đó là lẽ tất nhiên. Nhưng phải nói thẳng, ai có thể cứu nếu không phải chính các doanh nghiệp kinh doanh thanh long tự cứu mình?
Mấy năm nay, một loạt trái cây Việt như xoài, vải, chôm chôm, nhãn, vú sữa... đã vào được thị trường khó tính, trong đó có cả thanh long. Nhưng thói quen làm dễ, ăn liền có lẽ vẫn đang chiếm xu thế chủ đạo trên thị trường thay vì nâng cao chất lượng để đa dạng hóa thị trường.
Số phận trái thanh long vì thế sẽ còn long đong, vất vả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.