Bị đơn kiến nghị tòa án cấp trên giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm

Phan Thương
Phan Thương
10/07/2020 15:12 GMT+7

Liên quan vụ vợ bị đơn định nhảy lầu sau khi TAND TP.HCM tuyên án, theo bị đơn, tòa phúc thẩm có những vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng và sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Hôm nay (10.7), ông Lê Văn Dư, bị đơn trong vụ án tranh chấp dân sự 674 m2 đất đối với vợ chồng ông Phan Quý đã gửi đơn lên TAND cấp cao tại TP.HCM và Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm ngày 1.7.2020 của TAND TP.HCM. TAND cấp cao tại TP.HCM cũng xác nhận đã nhận được đơn của ông Lê Văn Dư vào sáng cùng ngày (10.7).
Trong đơn gửi TAND cấp cao tại TP.HCM và Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, ông Dư đề nghị 2 cơ quan trên ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm; yêu cầu TAND Q.Gò Vấp xét xử sơ thẩm lại theo hướng đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do hết thời hiệu khởi kiện.

Phía bị đơn bức xúc sau khi nghe HĐXX phúc thẩm tuyên án

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Theo ông Dư, đối với bản án sơ thẩm, TAND Q.Gò Vấp xác định tranh chấp của các bên là “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất - QSDĐ”, nhưng đối với loại tranh chấp này, thời hiệu khởi kiện chỉ 2 năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập, theo Điều 132 bộ luật Dân sự năm 2015.
Song thực tế, tính từ thời điểm ký kết hợp đồng (năm 2002 và năm 2009) đến thời điểm ông Quý nộp đơn khởi kiện (năm 2017), là quá thời hiệu khởi kiện nhưng cấp sơ thẩm vẫn giải quyết vụ án, là tiền đề quan trọng dẫn đến 2 cấp xét xử tuyên án trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông.
Thứ hai, theo ông Dư, tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn thay đổi quan hệ pháp luật, yêu cầu khởi kiện từ tranh chấp hợp đồng sang tranh chấp QSDĐ và được HĐXX phúc thẩm chấp thuận và xét xử là vượt quá giới hạn xét xử của cấp phúc thẩm.
Trong đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm, ông Dư nêu việc HĐXX chấp nhận thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tự thay đổi quan hệ pháp luật tranh chấp tại tòa phúc thẩm, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại Điều 293 và khoản 3 Điều 298 bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về “phạm vi xét xử phúc thẩm”.
Đồng thời, theo ông Dư, nếu vụ án được xác định tranh chấp QSDĐ thì phúc thẩm phải hủy bản án, để các bên đương sự tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã (phường), nơi có đất, căn cứ theo Điều 202 và Điều 203 luật Đất đai 2013.
Về áp dụng pháp luật của HĐXX, ông Dư cho rằng cấp phúc thẩm có những sai lầm nghiêm trọng. Cụ thể, cấp phúc thẩm xác định quan hệ “tranh chấp QSDĐ” là không đúng, bởi theo luật Đất đai, “tranh chấp đất đai” là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa 2 hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai, nghĩa là những loại tranh chấp có đối tượng là đất đai nhưng không xuất phát từ hợp đồng. Trong khi đó, “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” là những bất đồng giữa các bên phát sinh trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trên cơ sở hợp đồng. Và trong vụ án này, nguồn gốc phát sinh tranh chấp, bất đồng giữa các bên là trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Hơn nữa, theo ông Dư, trong quá trình giải quyết vụ án phúc thẩm, HĐXX còn có nhiều vi phạm khác như theo diễn biến phiên xử phúc thẩm, nguyên đơn không có bất cứ phát biểu nào về việc tự nguyện thanh toán thêm 9%/năm, cho số tiền nhận từ các bị đơn, nhưng phần tuyên án và bản án có nội dung này, là biểu hiện vi phạm pháp luật, cần phải được làm rõ để xử lý theo pháp luật; luật sư cung cấp những thông tin về mối quan hệ thân thiết, làm ăn chung giữa ông Quý và thẩm phán - chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, trong đó có việc nhận chuyển nhượng QSDĐ tại Q.9 (TP.HCM) nhưng thay vì hoãn phiên tòa xác minh, để quyết định có thay đổi chủ tọa phiên tòa hay không, thì HĐXX phúc thẩm vẫn tiếp tục xét xử và bác yêu cầu thay đổi chủ tọa, vì cho rằng yêu cầu từ bị đơn là không có cơ sở.

Vợ bị đơn đòi nhảy lầu tại trụ sở tòa án sau bản án phúc thẩm

Theo diễn biến vụ án, trong các giai đoạn 2002 và 2009, vợ chồng ông Quý bán 674 m2 đất (mua bán bằng giấy tay) cho 3 bị đơn. Năm 2017, cho rằng việc mua bán chỉ bằng giấy tay, chưa công chứng, chứng thực, sang tên nhưng các bị đơn lại thỏa thuận chuyển nhượng qua lại với nhau, xây nhà trái phép trên đất nên nguyên đơn kiện ra TAND Q.Gò Vấp yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng đất chưa có hiệu lực. Không đồng ý, bị đơn phản tố, yêu cầu nguyên đơn hoàn tất việc chuyển nhượng.
Tháng 11.2019, TAND Q.Gò Vấp xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp hợp đồng dân sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa các bên. Theo đó, tòa này tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng 500 m2 đất giữa vợ chồng ông Quý và ông Khâu Văn Sĩ, do thời điểm chuyển nhượng ông Quý chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện giao kết hợp đồng.
Song, với 2 hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Quý và ông Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, theo tòa, thời điểm chuyển nhượng có vi phạm về hình thức và trái quy định pháp luật (không đủ điều kiện tách thửa) nhưng xét thực tế bị đơn đã và đang cư trú lâu dài trên phần đất nhận chuyển nhượng nên HĐXX công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ liên quan. Từ đó, ông Dư có quyền liên hệ cơ quan chức năng tách thửa, đăng ký QSDĐ đối với 174 m2/674 m2 đang tranh chấp.

Phần đất đang phát sinh tranh chấp sau khi mua bán bằng giấy tay giữa nguyên đơn và bị đơn.

Ảnh: SONG MAI

Tuy nhiên, ngày 1.7.2020, xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định tranh chấp giữa các bên là “tranh chấp QSDĐ”, từ đó sửa bản án sơ thẩm, không công nhận việc chuyển QSDĐ giữa vợ chồng ông Phan Quý và 3 bị đơn; công nhận 674 m2 đất thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn. Khi nhận lại đất, nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho ông Sĩ hơn 1,32 tỉ đồng; ông Dư và ông Thắng gần 836 triệu đồng/người. Trường hợp có tranh chấp về các khoản tiền các đương sự đã thanh toán cho nhau khi nhận chuyển nhượng đất và các thiệt hại phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng, các đương sự có quyền khởi kiện.
Sau khi nghe HĐXX phúc thẩm tuyên án, cho rằng bản án “bất công”, vợ ông Dư đòi nhảy lầu tự tử tại trụ sở tòa án TP.HCM nhưng được bảo vệ cùng những người tham dự phiên tòa ngăn cản kịp thời. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.