Bị đánh nhập viện chỉ vì từ chối cho số điện thoại: Cần xử lý hình sự để răn đe

07/01/2022 06:31 GMT+7

Trước “nạn” côn đồ sẵn sàng tấn công người khác dù xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ gây bức xúc dư luận, nhiều ý kiến cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ manh động để răn đe, giáo dục .

Coi thường pháp luật và có dấu hiệu vi phạm hình sự

Liên quan đến vụ nhóm côn đồ, lộng hành xông vào tấn công 4 cô gái bị thương ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) vừa qua, đại tá Vũ Hoàng Kiên, nguyên Cục phó Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, nhìn nhận khi sử dụng rượu bia, nhiều người rất dễ bị mất kiểm soát và mất khả năng làm chủ hành vi dẫn đến đánh nhau, gây thương tích cho người khác. Nhiều vụ án giết người, cố ý gây thương tích có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu bia. Các đối tượng thường không có mâu thuẫn trước, nhưng sau khi nhậu chỉ vì một vài câu nói, không kiểm soát được bản thân rồi sinh ra cự cãi, đánh nhau, độ tuổi thường rất trẻ. Vụ việc ẩu đả trong quán nhậu ở TP.Thủ Đức không chỉ có thể phạt hành chính mà phải xem xét tỷ lệ thương tích, xử lý nghiêm hành vi “cố ý gây thương tích cho người khác”. Đại tá Kiên cho rằng, cơ quan chức năng phải giải quyết triệt để, không để các nhóm côn đồ lộng hành, bởi thực tế pháp luật đã có chế tài rất cụ thể về hành vi gây rối, dùng bạo lực gây thương tích.

Luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, hành vi của nhóm thanh niên đánh 4 cô gái tại quán nhậu ở TP.Thủ Đức vì mời bia không uống, xin số điện thoại làm quen không được, cho thấy tính chất côn đồ, manh động, coi thường pháp luật và có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Theo LS Lượng, hiện Công an TP.Thủ Đức đang lấy lời khai để làm rõ hành vi của từng đối tượng, làm rõ hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xem xét củng cố hồ sơ nhằm xử lý về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của pháp luật hình sự. Sau đó, CQĐT sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân, để xác định hậu quả đã gây ra đối với đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân. Ngoài ra, CQĐT đang điều tra, thu thập trích xuất hình ảnh camera ở quán này, lấy lời khai người làm chứng, thu thập các dấu vết để lại hiện trường, thu thập hung khí gây án, lấy lời khai của người bị hại và lời khai của những người trong nhóm nêu trên để làm rõ diễn biến hành vi của các đối tượng, làm rõ hậu quả đã gây ra đối với các cô gái, có thể xem xét thêm nhiều dấu hiệu hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Lạm dụng rượu bia cuối năm, coi chừng gặp họa

Về vấn đề này, đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho biết tình hình mất an ninh trật tự, an toàn xã hội là một vấn đề nổi lên sau khi TP bỏ giãn cách xã hội và phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội. Tội phạm có chiều hướng xuất hiện trở lại với mức độ manh động, hung hăng hơn gây bức xúc trong xã hội, khiến người dân bất an. Điển hình có thể kể đến các vụ việc gây rối trật tự xã hội trong quá trình ăn uống, hay cướp giật tài sản, trấn lột thiết bị học tập của trẻ nhỏ khi vắng cha mẹ. “Như vụ tấn công thực khách trong quán nhậu vì không cho số điện thoại, công an cần phải xử lý nghiêm để trừng trị thích đáng đối tượng vi phạm nhằm tăng sức răn đe, giáo dục”, ông Đức đề nghị.

Có thể xử lý hình sự tội làm nhục người khác

LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm, theo diễn biến vụ việc, vào thời điểm không gian quán nhậu đông người, mặc dù bên bị hại đã cố tìm cách né tránh nhưng nhóm người gây sự vẫn thực hiện hành vi quyết liệt, việc nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện, nếu căn cứ vào diễn biến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, nếu nạn nhân không đề nghị xử lý về tội cố ý gây thương tích và không đủ căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích nhưng có căn cứ cho thấy đối tượng đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân nơi đông người; gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân đã bị đổ bia vào mặt và đánh đập xúc phạm ngay tại nơi đông người thì vẫn có thể xử lý hình sự tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Đức cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có tâm lý chủ quan, lơ là; đặc biệt dịp cuối năm có nhiều buổi gặp mặt, tất niên, tổng kết thì mức độ tập trung, ăn uống đông người và sử dụng đồ uống có cồn sẽ gia tăng, nhiều người muốn “bung, xõa” cho đã sau nhiều tháng giãn cách. Việc lạm dụng ăn nhậu, ca hát rồi lời qua, tiếng lại dẫn đến xích mích trong cộng đồng dân cư, ẩu đả gây thương tích đã xuất hiện ở một số địa phương, nhất là các địa bàn có nhiều nhà hàng, quán nhậu… Do vậy, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình giữ an ninh trật tự, không lạm dụng ăn nhậu, hát hò gây mất an ninh trật tự, mâu thuẫn, mất tình làng xóm láng giềng. “Công an địa phương cần tăng cường tuần tra, xử phạt các cơ sở ăn uống vi phạm về kinh doanh lẫn phòng chống dịch”, ông Đức đề xuất.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc chương trình tâm lý học, ĐH Hoa Sen, lưu ý hành vi hung tính một phần xuất phát từ cơn giận và có mục đích làm tổn thương người đối diện. Có nhiều yếu tố khác nhau có thể dẫn đến hành vi hung tính như sinh học, hóa chất hay xã hội. Trong trường hợp này, rượu bia là một trong những chất xúc tác khiến hành vi bạo lực xuất hiện. Các nghiên cứu cho thấy khi sử dụng đồ uống có cồn, khả năng tự nhận thức và kiểm soát hành động cũng như cảm xúc của cá nhân bị giảm thiểu, điều này khiến họ dễ thể hiện và tập trung vào việc gây hấn hay các hành vi bạo lực nhiều hơn.

Theo thạc sĩ Ân, mặt khác, hành vi hung tính cũng có thể xuất hiện khi có sự cổ vũ, ủng hộ của những người xung quanh. Đứng trước một tình huống mang lại sự thất vọng và tức giận, nếu có những dấu hiệu cổ vũ hay kích thích bạo lực, hành vi hung tính sẽ dễ dàng xảy ra hơn. Trong hoàn cảnh đó, nếu hành vi hung tính tiếp tục được khuyến khích, tán thưởng, cá nhân có thể nhìn nhận hành vi trên đang đem lại phần thưởng cho mình và có xu hướng tiếp tục thực hiện hay củng cố cách hành xử này trong tương lai. Ảnh hưởng của nhóm cũng làm gia tăng các phản ứng bạo lực. Một số nhóm cá nhân có thể xem bạo lực là một đặc điểm nhận dạng của nhóm. Trong một số tình huống, cá nhân cũng thường khó nhận thức rõ trách nhiệm về hành vi của mình khi hành vi bạo lực đang cùng được thực hiện bởi một tập thể.

Trước những hiện tượng này, thạc sĩ Ân chia sẻ, việc có những xử lý phù hợp, kịp thời là cần thiết. Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp này chỉ được đảm bảo khi đi kèm với những biện pháp tổng thể. Các nghiên cứu cho thấy nhiều hành vi hung tính thường diễn ra trong tình trạng bốc đồng hay say xỉn, thiếu ý thức. Việc chỉ gia tăng hình phạt không thể giúp giảm thiểu tình trạng này lâu dài nếu không loại trừ được những yếu tố môi trường củng cố cho tình trạng mất kiểm soát về ý thức. Thay đổi cần đến từ việc kiến tạo một môi trường cộng đồng, giáo dục phi bạo lực; gia tăng tiếp xúc với các hoạt động nhấn mạnh tính nhân văn, chia sẻ; tăng cường hướng dẫn, đào tạo khả năng xử lý cảm xúc và tình huống phù hợp; và giảm thiểu các tình huống sử dụng chất kích thích quá mức có thể dẫn tới bạo lực và hung tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.