Bị CSGT lập biên bản: Không ký thì có phải nộp phạt?

08/08/2023 17:20 GMT+7

Khi bị CSGT lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng người dân không đồng ý và không ký biên bản thì CSGT xử lý thế nào, người dân có phải nộp phạt cho hành vi bị lập biên bản đó không?

Hiên nay, khi lưu thông trên đường, nếu người dân vi phạm Luật Giao thông thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Vậy nếu trường hợp người dân không đồng ý ký biên bản vi phạm hành chính thì CSGT xử lý như thế nào và người dân có phải nộp phạt không?

Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, theo Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 quy định:

"Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 1 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản".

Bị CSGT lập biên bản: Không ký thì có phải nộp phạt? - Ảnh 1.

Trường hợp người dân không ký biên bản, CSGT sẽ mời đại diện chính quyền hoặc người chứng kiến xác nhận

Vũ Phượng

Do đó, CSGT giải thích, dù người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì vẫn phải nộp phạt vì biên bản đó sẽ được làm chứng bởi đại diện chính quyền cấp xã hoặc người chứng kiến xác nhận.

Ngoài ra, theo Nghị định 100/2019 sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123/2021 không có quy định nào về việc không chịu ký vào biên bản xử phạt sẽ bị xử lý thêm về lỗi khác.

Bên cạnh đó, người vi phạm có thể tra cứu và nộp phạt vi phạm giao thông online thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp do người vi phạm không chịu ký vào biên bản nên người vi phạm cũng không nhận được biên bản vi phạm hành chính do CSGT lập.

Điều này sẽ dẫn đến nhiều thủ tục cần xác minh cho người vi phạm trong quá trình đi nộp phạt để lấy lại giấy tờ đang bị CSGT tạm giữ như làm một bản tường trình mà trong đó nêu thông tin về bản thân, thông tin về xe, quá trình vi phạm, xử lý ở đâu, thời gian nào, lý do không ký và không lấy biên bản kèm theo các giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe đến đơn vị CSGT đang tạm giữ giấy tờ của bạn để làm thủ tục nộp phạt.

Bên cạnh đó, khi lập biên bản vi phạm hành chính thì 1 bản sẽ được cơ quan có thẩm quyền lưu trữ nên trong trường hợp người vi phạm không có biên bản thì vẫn có thể thực hiện thủ tục để nộp phạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.