Bị CSGT giam xe, nếu hư hỏng có được bồi thường?

28/04/2016 12:52 GMT+7

Bất cứ cơ quan công quyền nào tạm giữ hành chính xe máy hoặc tài sản khác của công dân thì mọi hư hỏng mất mát liên quan đều phải được bồi thường thỏa đáng.

Hỏi: Sau khi vi phạm luật giao thông, tôi bị CSGT giam xe. 7 ngày sau lên nhận lại xe thì xe bị thiếu một số phụ tùng. Xin hỏi luật sư, như vậy tôi có thể kiện ở đâu và ai sẽ bồi thường? Luật nào quy định điều này? Có cần bằng chứng gì không? Tôi xin cảm ơn! (bạn đọc Hải Triều, TP.HCM)
Luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cho biết, việc cơ quan cảnh sát giao thông hay bất cứ cơ quan công quyền nào tạm giữ hành chính xe máy hoặc tài sản khác của công dân không làm mất đi quyền sở hữu tài sản của người đó.
Vì vậy, mọi hư hỏng mất mát tài sản của công dân trong trường hợp bị tạm giữ đều phải được bồi thường thỏa đáng.
Người ra quyết định phải bồi thường
Theo LS Thư, Khoản 5 Điều 125 Luật xử phạt vi phạm hành chánh quy định: Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến

Luật sư Huỳnh Công Thư

“Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến”, LS Thư nói.
Ngoài ra, việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 1 bản.
Bên cạnh đó, Điều 619 BLDS 2005 cũng quy định Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.
Như vậy, nếu phượng tiện giao thông bị tạm giữ mà xảy ra hư hỏng, người dân có thể kiện yêu cầu cơ quan của người ra quyết định tạm giữ bồi thường cho mình theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính và BLDS 2005 theo thủ tục tố tụng dân sự.
Cơ quan thụ lý giải quyết là Tòa án tại địa phương có cơ quan tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này người dân phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mình thông qua biên bản ghi rõ tình trạng của xe lúc bị tạm giữ và tình trạng khi nhận xe.
Như vậy, nếu bị giam giữ xe, để đảm bảo quyền lợi cho mình, người dân nên yêu cầu cán bộ tạm giữ mô tả tình trạng xe càng chi tiết càng tốt nhằm tránh thiệt hại về sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.