Bị cáo vụ gian lận điểm thi Sơn La: 'Nếu không làm thì sẽ không tồn tại được'

26/05/2020 21:50 GMT+7

Tại phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La , bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, người thành khẩn nhất và cũng là người bị kết tội nặng nhất nói lời cuối: “Nếu không làm thì sẽ không tồn tại được”.

Hôm nay, 26.5, phiên toàn xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La tiếp tục ngày làm việc thứ 6 với phần tranh tụng giữa các bị cáo, luật sư của các bị cáo với các đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La (VKS) xoay quanh các nội dung luận tội và mức hình phạt với từng bị cáo.
Tại phiên tòa, 12 bị cáo và các luật sư bảo vệ quyền lợi các bị cáo vẫn đưa ra các lời bào chữa, với hy vọng VKS giảm nhẹ các lời buộc tội với mình, thậm chí có bị cáo còn kêu oan, phủ nhận hoàn toàn nội dung luận tội của VKS. Tuy nhiên, kết thúc phần tranh tụng, đại diện VKS khẳng định vẫn giữ nguyên quan điểm.
Chủ tọa phiên tòa Quản Hữu Chiến thông báo, từ ngày mai, 27.5, hội đồng xét xử sẽ nghị án. Dự kiến, ngày 29.5 sẽ tuyên án. 

Mong tòa đừng xử theo sức ép dư luận hay sức ép nào khác

Nói lời cuối cùng tại phiên tòa, bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La) tuy có thừa nhận việc gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La đã gây hậu quả nghiêm trọng và làm ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, đồng thời làm mất cơ hội của nhiều thí sinh, nhưng vẫn khẳng định mình… vô tội.
“Bị cáo sốc và hoảng loạn tinh thần trong thời gian dài. Bị cáo đã tự làm mất uy tín của bản thân”, bị cáo Yến nói và mong hội đồng xét xử không vì sức ép của dư luận hay sức ép nào khác, đánh giá chứng cứ khách quan để đưa ra bản án khách quan, tạo điều kiện cho các bị cáo cơ hội sớm trở về.
Đồng thời, bị cáo Yến khẳng định bản thân không chỉ đạo hay tác động đến bất kỳ ai để làm trái quy định. Từ đó, bị cáo Yến đề nghị hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.
Trước đó, VKS đã đề nghị tòa xử phạt bị cáo Yến 7 - 8 năm tù giam với tội danh lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

“Nếu không làm thì sẽ không tồn tại được”

Hai bị cáo bị buộc tội nặng nhất là Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La) và Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La), với mức án đề nghị là 23 - 25 năm tù, cho 2 tội danh: lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ; nhận hối lộ với tình tiết định khung từ 1 tỉ đồng trở lên.
Trước đó, bị cáo Huynh chỉ thừa nhận một số nội dung buộc tội với mình, với tình tiết định khung nhận hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên thì Huỵnh không đồng ý. Nhưng đến khi nói lời cuối cùng, bị cáo Huynh chỉ nói rằng bị cáo rất hối hận về hành vi của mình. Quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, bị cáo cũng có nhiều thành tích trong thời gian công tác, nên mong hội đồng xét xử tuyên mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKS.
Còn bị cáo Nga, người được VKS đánh giá là rất thành khẩn trong quá trình khai báo với cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, cũng nêu tình tiết này với hội đồng xét xử.
Bị cáo Nga cho biết đã nhận thấy hành vi của bản thân là sai trái, vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng đến kỳ thi. Nhưng là người trực tiếp tham gia tổ chấm thi, khi được cấp trên bố trí, sắp xếp, bị cáo đã thực hiện hành vi sửa nâng điểm. “Nếu không làm thì sẽ không tồn tại được”, bị cáo Nga trình bày và mong muốn hội đồng xét xử xem xét được hưởng khoan hồng để sớm trở về chăm sóc người thân.

Kết cục cay đắng của 3 cựu cán bộ công an

Còn bị cáo Nguyễn Minh Khoa (nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) cuối cùng cũng nhận một chút tội cho mình, nhưng không phải là tội đưa hối lộ với tình tiết định khung từ 1 tỉ đồng trở lên như cáo buộc của VKS.
Bị cáo Khoa thừa nhận trong kỳ thi, vì tình cảm nể nang đồng nghiệp và mối quan hệ khác, bị cáo đã nhận lời nhờ qua người khác để xem điểm cho 5 thí sinh. Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã nhận thức đó là việc làm sai phạm khi nhờ xem điểm trước khi Bộ GD-ĐT công bố điểm. Sai phạm đó có thể còn vi phạm danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước. “Hành vi đó còn làm mất uy tín của ngành, của Công an tỉnh Sơn La”, Khoa thừa nhận.
Bị cáo Đỗ Khắc Hưng, nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La, người bị đề nghị mức phạt 5 - 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thì chua xót nói: “Cả đời cống hiến cho sự nghiệp vì an ninh Tổ quốc nhưng hôm nay phải đứng hầu tòa. Bị cáo đã ăn năn, khai báo thành khẩn và hợp tác cơ quan an ninh điều tra. Bị cáo mong hội đồng xét xử tuyên mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKS”.
Bị cáo còn lại trong số 3 cựu cán bộ công an là bị cáo của phiên tòa, Đinh Hải Sơn, một trong nhữn người bị đề nghị mức án nhẹ nhất phiên tòa (từ 2 - 3 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) bày tỏ: “Bị cáo mong muốn được hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc người thân”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.