Bị cáo Nguyễn Bắc Son: “Trương Minh Tuấn có gửi thư cho tôi, đề xuất 3 nội dung”

20/12/2019 18:08 GMT+7

Ông Nguyễn Bắc Son nói việc gợi ý “xem xét, nghiên cứu” mua AVG có 3 lý do, trong đó có nội dung trong thư Thứ trưởng Trương Minh Tuấn gửi: “Đây là cơ hội để một đơn vị nhà nước mua và nắm giữ cổ phần AVG”.

Chiều 20.12, bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, người được xác định phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án MobiFone mua AVG, bị đề nghị mức án tử hình, đã tự bào chữa trước tòa.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong giây phút bị đề nghị án tử hình - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Theo đó, bị cáo cho biết sẽ “mạnh dạn” đưa ra một số chứng cứ, không phải để các đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới nặng tội hơn, mà để “đánh giá sự thật một cách khách quan nhất”.
“Về tổng quan, cáo trạng và luận tội cá nhân tôi với 2 tội danh như sáng nay tôi hoàn toàn nhất trí vì rất đúng người, đúng tội. Tôi đã nhận thấy như thế. Nhưng vào chi tiết cụ thể, tôi xin trình bày để có những tình tiết giảm nhẹ”, bị cáo Nguyễn Bắc Son nói, dù cho rằng kể cả đó là các tình tiết đúng cũng “không có giá trị gì nhiều”, “chỉ giúp bản thân tôi thanh thản khi nhận hình phạt ở điều 354 (về tội nhận hối lộ - phóng viên)”.

Viện kiểm sát luận tội Nguyễn Bắc Son: "Tha hóa vì hám lợi, cần xử lý nghiêm khắc"- Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Bị cáo Nguyễn Bắc Son phủ nhận một số tình tiết quan trọng trong bản luận tội: như việc chỉ đạo quyết liệt và định hướng để MobiFone mua AVG; quen biết Phạm Nhật Vũ nên đã giới thiệu; chỉ đạo Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin - Truyền thông) tổ chức cuộc họp xác định giá mua AVG là hơn 8.900 tỉ đồng.
Bị cáo cho rằng, việc MobiFone muốn đầu tư vào lĩnh vực truyền hình là mong muốn của bản thân doanh nghiệp, đã ký văn bản đề nghị Bộ cho phép đầu tư mảng truyền hình bằng cách mua một kênh truyền hình sẵn có thay vì đầu tư mới.
Khi nhận được văn bản trình, bị cáo đã bút phê giao Vụ Quản lý doanh nghiệp đề xuất, với tình thần mở, chứ không yêu cầu Vụ hay cá nhân ông Trọng trình theo hướng cho mua hay không cho mua.
Bị cáo cũng cho rằng cáo trạng ghi bản thân khai có quen biết Phạm Nhật Vũ khi lên làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông là chưa chính xác. “Tôi không khai tôi quen biết Phạm Nhật Vũ khi tôi lên làm Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, mà có biết Phạm Nhật Vũ qua dịp chào xã giao trong ngày tết, ngày lễ, chứ không phải có mối quan hệ để giới thiệu cho MobiFone mua AVG”, bị cáo Nguyễn Bắc Son nói.
Bị cáo cho rằng việc mình có ý kiến gợi ý bị cáo Lê Nam Trà “xem xét, nghiên cứu” mua AVG có 3 lý do, trong đó có đề xuất của bị cáo Trương Minh Tuấn. “Xuất phát từ thư của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký gửi tôi, đề xuất 3 nội dung mà sau này tôi sẽ trình bày cụ thể, nhưng có nội dung thứ 3 là “đây là cơ hội để một đơn vị nhà nước mua và nắm giữ cổ phần AVG”, bị cáo Son nói.
Theo bị cáo Son, đó là những lý do bị cáo có gặp ông Lê Nam Trà, gợi ý “trong quá trình nghiên cứu My TV, Next TV, VTV cab thì MobiFone xem xét thêm AVG”. “Tôi nói đúng như thế”, ông Son khẳng định thêm, cho rằng “nói tôi giới thiệu cũng được, nhưng tôi không nói chỉ mua AVG”.

Vì sao tỉ phú Phạm Nhật Vũ hối lộ 6.2 triệu USD nhưng chỉ đề nghị 3-4 năm tù - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Họp quyết giá mua AVG với giá hơn 8.900 tỉ đồng là “trách nhiệm cá nhân anh Phạm Đình Trọng”
Về cuộc họp ngày 2.10.2015 do Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì với MobiFone, quyết định giá mua AVG là hơn 8.900 tỉ, bước ngoặt quan trọng của vụ án, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết bị cáo Phạm Đình Trọng đã làm trái chỉ đạo của mình.
Bị cáo cho biết, mình ý thức được việc Bộ không có thẩm quyền và chuyên môn thẩm định giá, nên khi nhận được Văn bản 58 ngày 14.9.2015 của MobiFone đề nghị mua 95% cổ phần với giá hơn 11.000 tỉ đồng, bao gồm cả lĩnh vực ngoài truyền hình, đã viết một lá thư công tác gửi Vụ Quản lý Doanh nghiệp.
Lá thư ngày 1.11.2015 này có 2 nội dung, trong đó chỉ đạo MobiFone loại bỏ phần ngoài truyền hình ra khỏi giá trị dự án.
“Tôi chỉ giao nhiệm vụ cho Vụ Quản lý doanh nghiệp yêu cầu MobiFone và AVG loại bỏ phần ngoài truyền hình ra khỏi hạng mục giao dịch, không hề nói gì về giá mua cả. Tôi ý thức được giá mua hay không là của MobiFone”, bị cáo Son nói.
Theo bị cáo, “cuộc họp ngày 2.10 là do anh Trọng chủ trì với MobiFone. Cuộc họp đó không thực hiện theo nội dung thư ngày 1.10 của tôi. Việc anh Trọng tự thống nhất với MobiFone và AVG quyết định giá mua hơn 8.900 tỉ đồng là trách nhiệm cá nhân của anh Phạm Đình Trọng.
Việc anh Trọng đứng danh nghĩa đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông ký biên bản cuộc họp ngày 2.10 mà không được ủy quyền là không đúng quy định. Việc này dẫn đến MobiFone hiểu lầm là Bộ đã đồng ý với MobiFone về giá mua này, nên không tiếp tục đàm phán nữa”.
Bị cáo Son cũng cho biết, sau khi “tự động” ký biên bản cuộc họp, “anh Trọng không báo cáo lãnh đạo Bộ, bản thân tôi không biết, nếu biết thì tôi đã chỉ đạo anh Trọng không được ký cái này để MobiFone tiếp tục đàm phán, sẽ thuận lợi hơn”, “giá sẽ thấp đi”.
“Cáo trạng viết thực hiện chỉ đạo của tôi, Phạm Đình Trọng tổ chức cuộc họp ngày 2.10 để thống nhất giá mua 8.900 tỉ là không đúng, không thỏa đáng. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng. Đề nghị giám định lại thư của tôi để làm sao đánh giá lại khách quan nhất kết luận là do tôi mà giá mua cao thế này”, bị cáo Son đề nghị.
Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Nhật Vũ với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG là người đại diện cho AVG, được ủy quyền của các cổ đông, thực hiện giao dịch bán 95% cổ phần của AVG.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ biết rõ năng lực tài chính của AVG rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn, giá trị tài sản thấp, nhưng vì mong muốn bán được AVG cho MobiFone với giá cao, nên đã đưa ra các thông tin về việc AVG bán cổ phần với đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông với giá 700 triệu USD và nhận đặt cọc 10 triệu USD.
Điều này gây ra ngộ nhận là giá chuyển nhượng 8.900 tỉ của AVG đã là giá hời, dù cao hơn nhiều lần so với giá trị thật của AVG.
Cũng theo cáo trạng, kết quả điều tra cho thấy thông tin do bị cáo Phạm Nhật Vũ nêu ra là không có căn cứ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.