Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục khẳng định 'Agribank TP.HCM đánh tráo tài liệu'

Phan Thương
Phan Thương
16/11/2021 16:04 GMT+7

Xét xử sai phạm hoán đổi “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng, trong nội dung thẩm vấn, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục trình bày bà mới là nạn nhân trong vụ án, trong khi ông Nguyễn Thành Tài thừa nhận việc hoán đổi tài sản là sai.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp: 'Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 31.12.2008 là hợp đồng giả'

Chiều 16.11, TAND TP.HCM bắt đầu thẩm vấn bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương), ông Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) và 8 bị cáo khác phạm tội gây thiệt hại cho nhà nước hơn 186 tỉ đồng.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp chiều 16.11

NGỌC DƯƠNG

10 bị cáo bị đưa ra xét xử do liên quan sai phạm trong hoán đổi tài sản tư nhân 57 Cao Thắng (của bị cáo Diệp) và tài sản nhà nước 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 186 tỉ đồng.

Trong phần thẩm vấn bổ sung tại tòa, bà Dương Thị Bạch Diệp một lần nữa không thừa nhận hành vi phạm tội theo cáo trạng truy tố.

Bà Diệp khai: “Cơ quan tiến hành tố tụng có hơn 5.000 bút lục để bắt bị cáo, nhưng bị cáo chỉ có 18 bút lục để chứng minh hợp đồng 2616 (hợ đồng tín dụng với Agribank TP.HCM vào ngày 31.12.2008 - PV) đã bị đánh tráo tại trang nghĩa vụ đảm bảo. Bị cáo không thế chấp tài sản 57 Cao Thắng để vay 8.700 lượng vàng SJC của Agribank TP.HCM”.

Trong những phiên tòa trước đây, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp cũng khai chưa bao giờ thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng, mà bị Agribank TP.HCM lừa đưa tài sản này vào làm tài sản thế chấp cho khoản vay 8.700 lượng vàng SJC. Gay gắt hơn, bị cáo Diệp còn khẳng định hợp đồng thế chấp tài sản ngày 31.12.2008 giữa bị cáo và Agribank TP.HCM, được công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo, là hợp đồng giả.

Ông Nguyễn Thành Tài và đại gia Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục hầu tòa

Ông Nguyễn Thành Tài thừa nhận việc hoán đổi tài sản là sai

Trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài và 8 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Trần Nam Trang (62 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM), Vy Nhật Tảo (65 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM), Nguyễn Thành Rum (68 tuổi, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL), Lê Tôn Thanh (65 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL), Lê Văn Thanh (59 tuổi) và Huỳnh Kim Phát (67 tuổi, cùng nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Nhàn (69 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT), Đào Anh Kiệt (64 tuổi, nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM).

Ông Nguyễn Thành Tài (ở giữa) và các bị cáo khác tại tòa

NGỌC DƯƠNG

Theo cáo trạng, ngày 9.7.2009, Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương có đơn gửi ông Nguyễn Thành Tài xin hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng. Dù thời điểm này ông Nguyễn Thành Tài không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước nhưng vẫn chỉ đạo các sở ban ngành nghiên cứu và có ý kiến đề xuất. Tháng 3.2010, ông Nguyễn Thành Tài ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản. Sau khi có tài sản là nhà đất 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục dùng tài sản này thế chấp vay 160 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank). Việc hoán đổi này là trái luật.

Trong phần thẩm vấn bổ sung, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Diệp) nêu đã nghe HĐXX lưu ý về việc giao nộp chứng cứ tại phiên tòa.

Song theo luật sư Hoài, bị cáo Diệp có đề nghị nộp bản phô tô, sau đó sẽ trình bản chính để HĐXX và Viện kiểm sát đối chiếu, xem xét. Lý giải, luật sư Hoài cho hay, đây là các tài liệu thuộc tài sản của công ty, liên quan đến quyết toán hồ sơ của công ty đối với các cơ quan nhà nước nên công ty phải lưu giữ lại.

Thay mặt HĐXX, chủ tọa Phạm Lương Toản trả lời không đồng ý đề nghị của luật sư Phan Trung Hoài. Bởi theo quy định pháp luật, chứng cứ trong vụ án phải là bản chính, lưu giữ tại hồ sơ vụ án. Không vì bất cứ lý do gì để rồi chứng cứ đó là bản phô tô, và tài liệu phô tô không phải là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá.

Tại tòa, ông Nguyễn Thành Tài thừa nhận thời điểm xảy ra vụ việc, dù ông không phải là Phó chủ tịch phụ trách xử lý tài sản nhà nước. Nhưng do trong một cuộc họp, được Vy Nhật Tảo trình bày việc hoán đổi tài sản liên quan, và là người nhận trực tiếp đơn của Công ty Diệp Bạch Dương nên “với nghĩa vụ của một Phó chủ tịch, tôi đã báo cáo trực tiếp với anh Hai Quân (nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân - PV). Vì anh Hai Quân là Trưởng ban chỉ đạo 09, khi anh Hai Quân đồng ý, tôi nghĩ việc hoán đổi là đúng”.

Song, ông Nguyễn Thành Tài vẫn thừa nhận: “Đến khi vụ án xảy ra, đọc kết luận điều tra và cáo trạng, tôi biết việc hoán đổi tài sản là sai”.

“Tôi không thoái thác trách nhiệm nhưng tôi muốn nói mức độ trách nhiệm và hậu quả vụ án không phải từ hành vi của tôi”, ông Nguyễn Thành Tài nói.

Cụ thể, ông Tài trình bày sau khi ông nghỉ hưu 2 năm thì thường trực UBND TP.HCM nhiệm kỳ mới ra đời. Khi đó những người trong thường trực UBND có xem xét lại chủ trương hoán đổi trên cả 3 phương diện: cơ sở pháp luật, điều kiện hoán đổi và phương thức thức hoán đổi do Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Tín, chủ trì với cơ quan chức năng.

“Sau đó ông Tín có báo cáo ông Hai Quân, cũng là người thống nhất chủ trương hoán đổi và giao cho tôi thực hiện nhiệm vụ. Đến 2013, việc hoán đổi tài sản của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp với tài sản nhà nước mới được thực hiện”, ông Tài khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.