‘Bí ẩn’ về hoa cúc trên tượng Kinnari và đầu tượng tiên nữ ở chùa Phật Tích

29/08/2021 10:00 GMT+7

Trong thơ văn Lý - Trần, vua Trần Minh Tông thừa nhận: Khi vịnh về hoa cúc thì có thể nghiêng bầu chuốc chén. Còn nhà sư Huyền Quang cho rằng, trong các loài hoa thì hoa cúc trội hơn một bậc (Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam ).

Thực tế đã cho thấy các loại hoa nói chung, thường chỉ được nói đến trong phạm vi liên quan đến văn hóa, còn ở tầm liên quan đến cả văn hóa và lịch sử thì phải nói rằng đó là hoa cúc. Điều đó đã được chứng minh bằng những phát hiện trong thời gian gần đây, cụ thể là hình tượng loại hoa này được các triều đại quân chủ ở nước ta sử dụng cho nhiều vấn đề trọng đại.

Đầu tượng tiên nữ chùa Phật Tích ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Ảnh: Hiếu Trần

Như ở triều Nguyễn, hoa cúc đã bao phủ lên toàn bộ hệ thống mũ miện, rồi được khắc họa trên tiền thưởng, huân chương Đại Nam Long Tinh, làm hiệu đề cho đồ pháp lam, đặc biệt là vua Minh Mạng đã chọn các chữ có trong bộ 日 (nhật: mặt trời = hoa cúc) làm “tự danh” truyền đời cho các vua về sau lên nối ngôi, rồi còn liên quan đến trong đời sống xã hội thời xưa và cả thời nay như tục cắt bỏ cúc áo của người chết.
Không những thế, hoa cúc ngày nay còn được người dân dùng làm hoa cúng phổ biến hơn tất cả các loại hoa, như là các ngày giỗ, ngày rằm, trên bàn thờ những ngày Tết, nhất là những ngày khai trương làm ăn… đều có sự hiện diện của loài hoa này.

Sự độc đáo của một loài hoa xuất hiện nhiều trên các di tích, di vật cổ

Thực ra, từ khi phát hiện sự liên quan giữa hoa cúc với vương triều Nguyễn, qua nghiên cứu truy ngược về các triều đại trước cho thấy hình tượng của loại hoa này cũng được sử dụng rất nhiều và phong phú.
Thời Lý - Trần, trên các di tích, di vật và nhất là trên các đồ gốm, hoa cúc được thể hiện rất phổ biến, nhưng điển hình thì phải kể đến hai bảo vật quốc gia là bộ đĩa vàng và hộp vàng. Còn hoa cúc trong thơ văn thì điều đáng nói là các tác giả là các nhà vua, nhà sư, như đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi nói đến trong tác phẩm Hoa văn Việt Nam của mình.

Hoa cúc trên diềm bia Tiến sĩ dựng năm 1484

Ảnh: T.L

Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng phát hiện hoa cúc còn được trang trí trên mũ, như ở bức tượng Kinnari và đầu tượng tiên nữ ở chùa Phật Tích hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Qua xem xét cho thấy tại đầu của hai tượng, thoạt nhìn cứ ngỡ tưởng rằng đó là một kiểu tóc được búi rất kiểu cách và cầu kỳ rồi trang điểm bằng cách cài lên những bông hoa, bởi các đường sống nổi nhỏ lượn mềm mại trông như những gợn tóc được chải chuốt kỹ lưỡng, thế nhưng phía sau đầu tượng lại có tấm che gáy rủ tới vai, và trên miếng che có một hoa phía sau tai như ở tượng Kinnari, và với đặc điểm này thì không còn nghi ngờ gì: đây chính là mũ.
 Còn các sống nổi cho thấy được tạo với hình thức đăng đối là kiểu thức hoa văn trang trí, đồng thời cũng là tạo độ cứng cáp cho mũ. Mũ gồm có chỏm mũ phía trên để chứa búi tóc, vòm mũ phía dưới được bao chụp quanh đầu.

Tượng nữ quý tộc ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Ảnh: Nguyễn Thị Thu Hòa

Về trang trí, cũng là quy luật với trục trung tâm và đối xứng ở hai bên, như mũ ở đầu tượng tiên nữ cho thấy tâm giữa của mặt chính diện là 3 hoa được trang trí trên dưới theo trục thẳng (chỏm mũ 2, trán mũ 1), còn hai bên là các hoa đối xứng. Đặc điểm của hoa ở mũ đầu tượng tiên nữ là có nhiều cánh nhỏ, dài, đây có lẽ là các dấu hiệu mà nghệ nhân đã thể hiện về hoa cúc đại đóa.
 Còn hoa ở chiếc mũ ở tượng Kinnari cho thấy cũng có nhiều cánh nhỏ và rất giống với hoa cúc có bố cục theo kiểu nhìn chính diện thể hiện ở chùa Long Đọi thuộc di tích thời Lý thuộc tỉnh Hà Nam (Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam, tr.235) nhưng có lẽ là loại cúc đồng tiền. Nhìn chung hai mũ ở đây có thể gọi là mũ hoa.
Thời Lê Sơ trên đồ gốm hoa cúc còn được thể hiện rất đa dạng và phong phú ở rất nhiều loại hình, một tiêu biểu cần được nói đến là bức tượng nữ quý tộc (thuộc dòng gốm hoa lam thế kỷ 15) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.