Bí ẩn kinh thành sư tử: Dấu chân ngàn năm

25/08/2017 07:24 GMT+7

Trong bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Trường Thăng với hàng trăm hiện vật, có một viên gạch và một số đồ gốm ẩn chứa trong nhiều bí ẩn rất cần sự kiến giải của giới chuyên môn.

Con rùa mang 52 quả trứng
Lúc đang còn làm việc tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Nguyễn Trường Thăng được các em nhỏ khoe vừa tìm thấy một con rùa bằng đất nung. Vốn đam mê tìm hiểu vết tích văn hóa Champa ngay tại kinh thành Sư tử, ông liền đề nghị nhóm trẻ bán lại con rùa.
“Về nghệ thuật, con rùa này không có gì đặc sắc. Nhưng bao năm qua nó vẫn là một bí ẩn, một kỳ bí đối với tôi”, linh mục kể. Ngay từ lúc đào lên, khi rung lắc các em nhỏ nghe bên trong bụng rùa phát ra tiếng động nhỏ. Tưởng là bên trong chứa vàng, các em vội đập ra và đếm được 52 hạt gốm nung nhỏ, hình tròn. Nhưng khi chuyển đến linh mục Thăng, các hạt gốm rơi rớt chỉ còn một ít.
Vậy người Chăm nặn con rùa này để làm gì? Tại sao nung kín cả con và trong ruột lại có 52 hạt gốm “trứng”?
Vị linh mục cố tìm cách lý giải và liên tưởng đến con rùa trong văn hóa Ấn Độ giáo, bởi thời kỳ hình thành kinh đô Sư tử, người Chăm chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Từ đó, ông đưa ra những kiến giải ban đầu, rùa là hóa thân của thần Vishnu và Kashyapa. Qua tìm đọc nhiều tài liệu, linh mục nhận thấy trong truyền thuyết Ấn Độ, thế giới được 4 con voi nâng đỡ, 4 con voi lại đứng trên mu rùa Akupara, con rùa chở thế giới trên lưng nó...
Quan sát thấy những vòng răng cưa đồng tâm dưới phần bụng con rùa, vị linh mục đặt nghi vấn phải chăng đấy là những đợt sóng đại dương, còn vòm mu tròn là bầu trời cong cong trên đầu, 52 quả trứng là biểu tượng thời gian 52 tuần trong một năm? “Bí ẩn vẫn còn là bí ẩn”, cha Thăng thổ lộ và ngỏ ý mong được những nhà nghiên cứu phân tích thêm.
Ẩn số trên gạch cổ
Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học khóa 1986 - 1991 của Hoàng Thị Nhung mang tên Một số đồ gốm Chàm cổ ở Trà Kiệu đã nghiên cứu trên 15 viên gạch thuộc bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Trường Thăng. Dẫn lại những tài liệu này, linh mục Thăng cho hay gạch tại kinh thành Sư tử được chia làm 2 kiểu, gồm: gạch có hình khối hộp, kích thước lớn và gạch hình chữ nhật, mỏng; nhiều loại nung thấp, có loại nung cao biến thành sành. Theo ông, phần lớn gạch được làm bằng đất sét pha, không được lọc rửa. Người thợ sử dụng nguyên liệu địa phương để sản xuất gạch. Đất được lấy ở các đồi, gò vì trong gạch thấy lẫn sạn đá ong. Với độ rắn cao, sức bền tốt, trải qua hàng ngàn năm sương gió, những viên gạch này vẫn duy trì được chất lượng.
“Dấu chân ngàn năm” in trên viên gạch Chăm Ảnh: Nguyễn Trường Thăng
PV Thanh Niên đã tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập gạch của ông đặt tại nhà thờ Trà Kiệu. Bộ sưu tập gạch tuy ít về số lượng nhưng rất đa dạng chủng loại. Cụ thể, có 3 cỡ gạch hình chữ nhật từ nhỏ đến lớn. Trong đó, đáng chú ý viên gạch “khổng lồ” khổ 40 x 20 cm ít gặp tại các di tích Chăm khác. Đây là viên gạch được linh mục Thăng đặt nghi vấn có thể được dùng để xây dựng đế móng một ngọn tháp lớn nào đó tại kinh đô xưa. Ngoài ra, trong số gạch này có khá nhiều gạch hình tứ nguyệt.
Linh mục Nguyễn Trường Thăng còn chia sẻ với PV Thanh Niên chuyện đang sở hữu một hiện vật cực kỳ giá trị mà ông gọi là “dấu chân ngàn năm”. Bởi viên gạch này đồng dạng với nhiều viên gạch khác phục vụ xây khu kinh thành và còn in hằn dấu chân của người Chăm xưa.
“Khi bắt gặp, tôi vô cùng vui mừng. Nhìn viên gạch, nhìn dấu chân in lại cách đây cả ngàn năm thấy thú vị lạ lùng. Người thợ Chăm ngày xưa không biết vô tình hay hữu ý mà để lại vết chân này khiến hậu thế phải suy nghĩ mãi”, linh mục nói. Qua bức ảnh do linh mục cung cấp có thể thấy, dấu chân khá giống với vết chân của người Việt hiện nay. Độ sâu vết chân khá lớn để lộ 5 ngón rõ ràng. “Không biết đó là dấu của đàn ông hay đàn bà, nhưng là dấu chân cực kỳ quý giá để nghiên cứu thêm về chủ thể xây thành - những người dân Chăm”, cha xứ nói thêm.
“Nghĩa địa” đầu ngói mặt quỷ
Nhiều năm liền sưu tập hiện vật, linh mục Nguyễn Trường Thăng đã thu về hàng trăm hiện vật ngói, gốm... Trong đó, phần đồ sộ nhất là đầu ngói hình tròn mà người dân địa phương gọi là gạch “mặt quỷ”. Khu kinh thành Sư tử vào những năm 1980 trở thành “nghĩa địa” của đầu ngói vì người dân liên tiếp phát hiện các vị trí chôn vùi. Liên quan đến nội dung này, trên tạp chí B.E.F.E.O số 29 năm 1929 (trang 345 - 346) J.Y.Claeys đã công bố thông tin khi khai quật ở Trà Kiệu, công nhân tìm thấy nhiều mảnh gốm tròn có những hoa văn kỳ lạ. Chính J.Y.Claeys là người phát hiện và xác định đây là những đầu ngói trang trí nhà cửa; hiện vật lớn nhất có đường kính 15 cm. Nhưng tại Trà Kiệu, linh mục Thăng tìm thấy những đầu ngói đường kính trên 30 cm.
Theo giới chuyên môn, kiến trúc lợp ngói của người Chăm tuy khác ở đầu ngói nhưng cách sử dụng ngói âm dương và dùng đầu ngói trang trí thì ảnh hưởng từ Trung Hoa, qua đó cho thấy sự tiếp thu văn hóa Trung Hoa của người Chăm từ sớm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.