Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động ngày nay

23/06/2023 11:53 GMT+7

Cấu trúc hùng vĩ của các công trình La Mã cổ đại đã tồn tại hàng thiên niên kỷ. Nhưng làm thế nào vật liệu xây dựng thời đó giúp cho những tòa nhà khổng lồ như Pantheon (nơi có mái vòm không được gia cố lớn nhất thế giới) hay đấu trường La Mã đứng vững trong hơn 2.000 năm?

Đấu trường La Mã được xây dựng vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, là một trong những công trình mang tính biểu tượng nhất và còn tồn tại tốt nhất của La Mã cổ đại, là "tượng đài" kiến trúc và kỹ thuật của nhân loại...

Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động hiện đại ngày nay - Ảnh 1.

Sau đại dịch, du khách quay trở lại tham quan đấu trường La Mã đông đúc hơn nhưng không còn cảnh xếp hàng dài chờ đợi vào bên trong

NT TÂM

Sau khi Vespasian trở thành hoàng đế La Mã vào năm 69 sau Công nguyên, vương triều Flavian của ông đã phát động xây dựng rộng lớn để khôi phục thành Rome, nơi bị tàn phá bởi hỏa hoạn, bệnh dịch và nội chiến. Trong triều đại 27 năm, vương triều Flavian đã cải tạo các tòa nhà, tượng đài khắp thành phố. Vào năm 70 sau Công nguyên, Vespasian đã ra lệnh xây dựng một đấu trường mới ở trung tâm thành phố, được khánh thành 10 năm sau, đóng vai trò là biểu tượng chính trị cho sự hồi sinh của thành phố - đó chính là đấu trường La Mã còn tồn tại cho đến ngày nay.

Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động hiện đại ngày nay - Ảnh 2.

Đấu trường là kỳ quan kiến trúc và kỹ thuật sáng tạo, lớn nhất và phức tạp nhất của thế giới cổ đại. Được làm chủ yếu bằng bê tông, hàng triệu khối đá travertine và đá cẩm thạch..., đấu trường La Mã cao tới 157 feet (gần bằng tòa nhà 15 tầng), với sức chứa ước tính khoảng 50.000 đến 80.000 người

NT TÂM

Ở Đấu trường La Mã, địa vị xã hội, sự giàu có và giới tính quyết định chỗ ngồi. Những chỗ ngồi tốt nhất, gần đấu trường nhất, được dành cho hoàng đế và giới quý tộc. Sau cùng là cư dân thành Rome. 

Để tạo thuận lợi cho dòng người di chuyển có trật tự trong tòa nhà, kiến trúc sư đã thiết kế cho đấu trường La Mã bốn lối vào dành cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo và 76 lối vào dành cho công dân bình thường. Các hành lang ngăn cách các nhóm xã hội với nhau, ngăn khán giả di chuyển tự do trong cấu trúc. Mặc dù chỗ ngồi không bình đẳng nhưng kiến trúc hình elip của đấu trường La Mã cho phép mọi người quan sát rõ nhất trên sàn đấu.

Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động hiện đại ngày nay - Ảnh 3.

Hành lang dẫn vào bên trong đấu trường với nhiều cửa khác nhau

NT TÂM

Tuy nhiên, kiến trúc sư của đấu trường La Mã vẫn chưa được biết đến, kể cả chi phí bao nhiêu. Nhiều học giả tin rằng đấu trường chính là chiến lợi phẩm mà binh lính La Mã thu được trong cuộc chiến tranh La Mã - Do Thái lần thứ nhất, kết thúc vào năm 70 sau Công nguyên.

Di sản của đấu trường La Mã để lại cho thời hiện đại là vô giá.

Ngoài chức năng như "cửa sổ" nhìn vào La Mã cổ đại và cấu trúc xã hội của nó, đấu trường La Mã còn là "cha đẻ" của tất cả các sân vận động thể thao ngoài trời ngày nay. Việc sử dụng các mái vòm của đấu trường La Mã để hỗ trợ cấu trúc, hình dạng elip và hệ thống tổ chức được sử dụng để kiểm soát việc ra vào của người hâm mộ dựa trên vị trí chỗ ngồi của họ là những yếu tố chính của hầu hết các sân vận động hiện đại.

Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động hiện đại ngày nay - Ảnh 4.

Thiết kế của đấu trường giúp tất cả người xem quan sát rõ dưới sàn đấu và là mô hình của chính các sân vận động hiện đại

NT TÂM

Các cấu trúc hùng vĩ của La Mã cổ đại đã tồn tại hàng thiên niên kỷ - minh chứng cho sự khéo léo của các kỹ sư La Mã, những người đã hoàn thiện việc sử dụng bê tông.

Trong nhiều trường hợp, bê tông La Mã đã được chứng minh là tồn tại lâu hơn so với bê tông hiện đại, có thể xuống cấp trong vòng vài thập kỷ. Giờ đây, các nhà khoa học đứng sau một nghiên cứu cho biết đã phát hiện ra thành phần bí ẩn cho phép người La Mã làm vật liệu xây dựng bền bỉ như vậy và xây dựng các công trình phức tạp ở những nơi đầy thách thức như bến cảng, cống rãnh và khu vực động đất.

Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động hiện đại ngày nay - Ảnh 5.

Vật liệu xây dựng thời cổ đại, đặc biệt là bê tông, khiến con người hiện đại ngạc nhiên

NT TÂM

Nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà nghiên cứu từ Mỹ, Ý và Thụy Sĩ, đã phân tích các mẫu bê tông 2.000 năm tuổi được lấy từ một bức tường thành tại địa điểm khảo cổ Privernum, miền trung nước Ý và có thành phần tương tự như các loại bê tông khác được tìm thấy khắp đế chế La Mã.

Họ phát hiện ra rằng, các khối màu trắng trong bê tông, được gọi là vôi, giúp bê tông có khả năng hàn gắn các vết nứt hình thành theo thời gian. 

Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động hiện đại ngày nay - Ảnh 6.

Vẻ hùng vĩ của công trình xây dựng cách đây 2.000 năm khiến con người ngày nay choáng ngợp

NT TÂM

Tác giả nghiên cứu Admir Masic, phó giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học California, cho biết trên CNN: "Các nhà nghiên cứu đã viết ra những công thức chính xác và áp dụng chúng cho các công trường xây dựng trên khắp Đế chế La Mã. Bê tông cho phép người La Mã có một cuộc cách mạng về kiến trúc. Và cuộc cách mạng đó về cơ bản đã thay đổi hoàn toàn cách sống của con người".

Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động hiện đại ngày nay - Ảnh 9.

Khu vực bên trên khán đài

NT TÂM

Để điều tra xem liệu các lớp vôi có phải là nguyên nhân khiến bê tông La Mã có khả năng tự sửa chữa rõ ràng hay không, nhóm đã tiến hành một thí nghiệm.

Họ đã làm hai mẫu bê tông, một mẫu theo công thức La Mã và mẫu còn lại được làm theo tiêu chuẩn hiện đại, và cố tình làm nứt chúng. Sau hai tuần, nước không thể chảy qua bê tông được làm theo công thức của người La Mã, trong khi nó chảy thẳng qua khối bê tông được làm không có vôi.

Phát hiện của họ cho thấy, các lớp vôi có thể kết tinh lại sau khi tiếp xúc với nước, chữa lành các vết nứt do thời tiết tạo ra trước khi chúng lan rộng. Các nhà nghiên cứu cho biết, tiềm năng tự phục hồi này có thể mở đường cho việc sản xuất bê tông hiện đại lâu dài hơn và do đó bền vững hơn. 

Bí ẩn đấu trường La Mã - 'cha đẻ' của các sân vận động ngày nay - Ảnh 8.

Từ khán đài, du khách nhìn xuống sàn đấu

NT TÂM

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã nghĩ rằng tro núi lửa từ khu vực Pozzuoli, trên vịnh Naples, là thứ đã làm cho bê tông La Mã trở nên bền chắc như vậy. Loại tro này đã được vận chuyển qua đế chế La Mã rộng lớn để xây dựng, và được các kiến trúc sư và sử gia vào thời điểm đó mô tả là thành phần chính để sản xuất bê tông.

Masic nói rằng cả hai thành phần này đều quan trọng, nhưng nghiên cứu về vôi của người La Mã đã bị bỏ qua trong quá khứ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.