Bí ẩn của biểu tượng trên bìa từ điển 'Petit Larousse'

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
18/12/2021 15:00 GMT+7

Năm 1905, NXB Larousse giới thiệu quyển Petit Larousse Illustré ( Từ điển Larousse nhỏ có minh họa ) rất nổi tiếng tại Việt Nam, trên bìa vẽ hình một cô gái đang thổi những cánh màu trắng bay lơ lửng trong không khí đầy bí ẩn.

Tên thường gọi của quyển sách này là Petit Larousse (Từ điển Larousse nhỏ), còn những cánh màu trắng đó là hạt của cây bồ công anh, một loại cây mà người Pháp gọi là dent-de-lion (răng sư tử), ý nói về những chiếc lá có hình răng cưa, còn trong tiếng Anh phiên trại thành dandelion, cũng có nghĩa là răng sư tử, giống như cách dịch của những ngôn ngữ khác: dente di leone (tiếng Ý), diente de león (Tây Ban Nha), dente-de-leão (Bồ Đào Nha), Löwenzahn (Đức) hay løvetand (Đan Mạch), dintele leului (Romania), løvetann (Na Uy), leeuwentand (Hà Lan)….

Bìa quyển Petit Larousse Illustré ở dạng nguyên bản do Eugène Grasset thiết kế, ấn bản năm 1905

wiki2th.com

Xin lưu ý, ở Việt Nam, loài được gọi là bồ công anh (Lactuca indica) không phải là bồ công anh thật sự trên bìa từ điển Petit Larousse. Chúng chính là loài xí quả cúc (翅果菊) theo cách gọi của Trung Quốc. Còn cây bồ công anh thật sự trên bìa từ điển Petit Larousse có thể thuộc loài Taraxacum albidum hoặc Taraxacum officinale, những loài cây thân thảo thuộc chi Địa đinh (Taraxacum), họ Cúc (Asteraceae). Thuật ngữ Taraxacum xuất phát từ tiếng Ả Rập có nghĩa là loại thảo mộc đắng (tarakhshagog).

Trong tiếng Việt, bồ công anh là tên gọi chung cho rất nhiều loài cây thuộc chi Địa đinh với hơn 2000 loài, trong đó phổ biến khoảng 500 loài. Bồ công anh là tên gọi theo tiếng Trung Quốc, một loại cây có khá nhiều tên: bồ công anh (蒲公英), hoàng hoa địa đinh (黄花地丁), bà bà đinh (婆婆丁), hoa hoa lang (華花郎) và bồ công thảo (蒲公草)...

Bồ công anh là một trong số những loại hoa phổ biến nhất thế giới. Trên thực tế, trong nhiều lĩnh vực người ta coi chúng chỉ là cỏ dại nhưng bên cạnh đó chúng lại là nguồn cung cấp mật hoa quý giá cho các loài thụ phấn và là biểu tượng trong nhiều nền văn hóa.

Giá trị y học

Bồ công anh là một trong số ít loài thực vật có hoa mà người ta sử dụng rộng rãi để làm thực phẩm và làm thuốc thảo dược. Riêng loài bồ công anh hoa vàng (Taraxacum officinale) được coi là an toàn cho những mục đích này, người ta có thể ăn toàn bộ cây, từ gốc đến ngọn, ăn cả hoa và rễ, còn lá thì có thể phơi khô để làm trà thuốc. Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy bồ công anh có những tác động tích cực đến sức khỏe đường tiết niệu, tiêu hóa và điều chỉnh lượng đường trong máu. Tại Việt Nam, bồ công anh được xem là một vị thuốc dân gian để chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, bị mụn nhọt sưng mủ và đinh râu…

Ở Việt Nam, loài được gọi là bồ công anh (Lactuca indica) không phải là bồ công anh thật sự trên bìa từ điển Petit Larousse. Chúng chính là loài xí quả cúc (翅果菊) theo cách gọi của Trung Quốc

flickr.com

Loài bồ công anh (Taraxacum officinale) hoa vàng, hạt xòe phồng tròn, màu trắng có thể là hoa trên ảnh bìa Petit Larousse

e-talk.vn

Ý nghĩa và biểu tượng

Hầu hết các loài bồ công anh đều hoa có màu vàng, một số loài có hoa màu trắng hoặc hồng, mỗi màu hoa đều có ý nghĩa riêng: màu vàng tượng trưng cho tình bạn, hạnh phúc, sự phát triển, sức khỏe tốt, lạc quan và bình an; màu hồng là biểu tượng của niềm vui, tình cảm, sự quan tâm lãng mạn, dịu dàng và vui tươi; màu trắng nói về sự ngây thơ, tuổi trẻ, tinh khiết, chữa lành và phục hồi. Phần đầu hạt xòe phồng độc đáo của nó rất được trẻ con và người lớn ưa thích. Ở châu Âu và châu Mỹ người ta thường thổi hạt bay đi trong lúc thực hiện một điều ước. Điều này đã tạo cho hoa một liên tưởng mạnh mẽ, chứa đầy hy vọng và lạc quan.

Trong thần thoại Hy Lạp, không giống như một số loài hoa khác, Bồ công anh không có cốt truyện dài liên quan đến sự biến đổi từ một vị thần. Tuy nhiên, chúng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nhiều huyền thoại, ví dụ như Theseus, một người hùng và là vị vua sáng lập ra thành Athens, con trai của Aethra và Aegeus, đã ăn rất nhiều bồ công anh trong 30 ngày để chuẩn bị cho trận chiến với Minotaur.

Điều này đã mang lại cho ông sức mạnh và năng lượng cần thiết để vượt qua mê cung. Người Hy Lạp xem cây này như một nguồn sức mạnh, một biểu tượng tích cực cho bất kỳ ai đang cố gắng đối mặt với thử thách. Trong thuật phù thủy hiện đại, bồ công anh tượng trưng cho mặt trời và nam tính. Nhiều người sử dụng hoa làm biểu tượng cho sự ấm áp, sự chữa lành, tiếp sức mạnh khi thực hiện nghi lễ, phép thuật hoặc thiền định.

Nhà từ điển học Pierre Larousse (trái) và họa sĩ Eugène Grasset thiết kế ảnh bìa Petit Larousse

franceculture.fr, en.wikipedia.org

Cây bồ công anh càng trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trên bìa từ điển Petit Larousse qua hình vẽ một người nữ đang thổi hạt bồ công anh. Đây là điều tượng trưng cho phương châm của nhà bách khoa toàn thư Pierre Larousse (1817 - 1875): “Je sème à tout vent” (Tôi gieo hết theo gió), ngụ ý là truyền kiến thức khắp muôn nơi. Phương châm này được lưu giữ trong các ấn phẩm của nhà xuất bản Éditions Larousse và đã truyền cảm hứng cho Eugène Grasset thiết kế ảnh bìa Petit Larousse (xuất bản lần đầu tiên vào năm 1905).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.