Bếp cơm tiếp sức tuyến đầu chống dịch: Nhắn gửi yêu thương

Khánh Trần
Khánh Trần
12/09/2021 15:10 GMT+7

Bếp cơm tiếp sức tuyến đầu chống dịch được xây dựng để chia sẻ những khó khăn, cung cấp các phần ăn ngon miễn phí đến các y bác sĩ đang căng mình chống dịch Covid-19 .

Hoạt động chính thức từ 1.9 tới nay, là một trong 8 bếp cơm tiếp sức tuyến đầu chống dịch, bếp cơm tiếp sức tại một cơ sở của hệ thống giáo dục Tuệ Đức (khu dân cư Bình Hưng, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) do Hội tình nguyện chung tay vì cộng đồng phối hợp với hệ thống giáo dục Tuệ Đức và các tình nguyện viên tham gia nấu các phần ăn miễn phí cho những y bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Những bức tranh thu nhỏ kèm lời chúc đến các y bác sĩ được vẽ bởi các học sinh, giáo viên, tình nguyện viên ở TP.HCM

KHÁNH TRẦN

Nhắn gửi yêu thương

Hằng ngày, tùy theo nhu cầu từ các bệnh viện ở TP.HCM, bếp cơm tiếp sức tuyến đầu sẽ chuẩn bị số phần ăn sáng và trưa, thường từ 800 - 900 suất ăn mỗi ngày. Để kịp giờ cho y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu vào ca trực (khoảng 7 giờ - PV), mọi người ở đây bắt đầu nấu ăn từ lúc 3 giờ 30 sáng.
Các nguyên liệu đã được sơ chế từ hôm trước, mỗi người mỗi việc, người xào, người nấu, người nếm thức ăn, người xếp các hộp đựng phần ăn ngăn nắp, gói suất ăn... để khi đến tay các y bác sĩ món ăn vẫn còn nóng hổi.

Sắp xếp các khẩu phần ăn

KHÁNH TRẦN

Chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện bếp trưởng Cao Thị Ngọc Trầm khi chị vừa nấu xong nồi canh. Chị Trầm chia sẻ "Vì dịch giã kéo dài, trường học nơi mình làm việc tạm đóng cửa, lại được sự kêu gọi từ người quen, nên mình tham gia bếp ăn tình nguyện hơn 1 tháng nay".
Với đam mê về nấu ăn, chị Trầm được mọi người ở đây "bầu" làm bếp trưởng. “Nấu ăn cho gia đình và nấu cho khoảng 800 người ăn mỗi ngày nó khác nhau lắm, phải làm sao cho ngon nhất có thể để các y bác sĩ ăn ngon miệng. Rồi ước lượng làm sao để khi nấu xong chia ra đủ hoặc dư ra...”.
Những hộp giấy dùng đựng cơm có dán hình, lời chúc từ các em học sinh, các tình nguyện viên tham gia chuẩn bị các bữa ăn. “Những bức hình, lời chúc này là do các em học sinh, cô giáo và tình nguyện viên chúng mình vẽ để cảm ơn các y bác sĩ đang tham gia chống dịch tại tuyến đầu, ngoài những phần ăn, chúng mình mong rằng đây sẽ là những khích lệ nhỏ cho các y bác sĩ mạnh mẽ hơn, sớm đẩy lùi dịch bệnh”, chị Võ Ngọc Yến Nhi cho biết.

Các thành viên của bếp hoàn tất những công đoạn cuối cùng

KHÁNH TRẦN

Trước đây những lời chúc như thế này được các tình nguyện viên đi nhận từ các em học sinh. Nhưng TP.HCM hạn chế đi lại, những bức vẽ và lời chúc được gửi đến bếp ăn qua những bức ảnh rồi được các tình nguyện viên scan lại. “Ban đầu, những bức hình hay lời chúc để chuyển tải tình cảm của mọi người dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Sau đó, khi biết các bác sĩ giữ lại những bức hình lời chúc đó dán ở góc làm việc, phòng nghỉ thì chúng mình cảm thấy thật xúc động, thấy việc mình làm càng thêm ý nghĩa”, chị Nhi nói thêm.

Cô giáo Võ Thị Lệ lưu giữ lại hình ảnh dễ thương dán trên các phần ăn

KHÁNH TRẦN

Cùng với những lời chúc, trong các công đoạn sơ chế món ăn, mọi người luôn giữ một tinh thần tích cực. Các tình nguyện viên ở đây mong sự vui vẻ, tích cực này sẽ lan tỏa, giúp lực lượng áo trắng khi dùng những phần ăn này cảm nhận được năng lượng tích cực đó, qua đó giữ vững tinh thần chiến đấu với Covid-19.

Các tình nguyện viên kiểm lại số lượng trước khi giao

KHÁNH TRẦN

Khoảng 5 giờ 30, trời vừa hửng sáng, các suất ăn đã được chuẩn bị sẵn đưa đến tiếp sức cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu. Bên trong sân, các tình nguyện viên thay nhau đến nhận các phần ăn rồi nhanh chóng đi giao. Tất bật từ sớm cũng đã xong buổi sáng, bếp trưởng Trầm cùng các thành viên nghỉ ngơi ăn sáng, đến 8 giờ lại nấu tiếp bữa trưa.

Gắn kết như gia đình

Bếp cơm tiếp sức tại cơ sở của hệ thống giáo dục Tuệ Đức (khu dân cư Bình Hưng, X.Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) với không gian rộng, nơi đây kiêm luôn tập kết hàng hóa. Với khoảng 20 tình nguyện viên, ngoài chuẩn bị các bữa ăn, họ kiêm việc bốc dỡ hàng hóa xuống từ những chuyến xe hỗ trợ thực phẩm phục vụ cho các bếp ăn; sắp xếp chia đều các phần quà cho người dân trong khu phong tỏa.
Trước đây, mọi người sau khi hoàn thành công việc sẽ về nhà, nhưng khi TP.HCM siết chặt việc di chuyển để chống dịch Covid-19, cùng với “3 tại chỗ”, 20 tình nguyện viên ăn ngủ, làm việc luôn tại đây. Những thành viên mới tham gia, đều phải tự cách ly riêng 3 ngày và xét nghiệm Covid-19 trước khi tham gia công việc hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thanh Thảo cùng anh Joshua McClain, tham gia tình nguyện ở nhiều nơi

KHÁNH TRẦN

Công việc chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, chị Nguyễn Thanh Thảo (29 tuổi) quyết định tạm ngưng để tham gia các hoạt động thiện nguyện tại TP.HCM đến khi nào hết dịch mới về nhà. “Ngày đầu tham gia mình phải tự cách ly 3 ngày, những hôm đó việc đầu tiên mình làm đó chính là vẽ những bức tranh hay lời chúc nhỏ nhỏ. Tuy công tác từ nhiều nơi khác nhau, cùng nhiều độ tuổi nhưng mọi người ở đây rất hòa đồng, mấy anh chị mỗi người một việc nhưng luôn giúp đỡ, hỏi thăm lẫn nhau, như một gia đình” - chị Thảo chia sẻ.
Đồng hành cùng chị Thảo tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, anh Joshua McClain (người Mỹ) giáo viên của một trung tâm anh ngữ, cũng tham gia hoạt động tình nguyện tại đây, xuyên suốt thời gian qua. Trừ mỗi thứ bảy, chủ nhật, anh có tiết dạy online nên không tham gia. Đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam 3 năm, anh luôn muốn giúp đỡ con người ở đây, Joshhua McClain cho biết: “Tham gia giúp đỡ mọi người ở đây chuẩn bị bữa ăn cho các bác sĩ đang chống dịch khiến tôi rất vui. Mọi người ai cũng thân thiện và tôi thực sự thích không khí ở đây”.
Với tình nguyện viên Võ Thị Lệ, nhớ về những hôm làm việc đến rã rời, những hôm phụ bốc dỡ hàng hóa tới khuya, chị cho biết: “Đây là nơi tập kết hàng hóa, thực phẩm, rau củ quả nên xe tới là mọi người ở đây đều hỗ trợ bốc dỡ để xử lý nhanh, tránh hư hỏng. Dịch bệnh nên nhiều chuyến hàng không tới theo thường lệ, có khi nửa đêm, có khi 2 chuyến tới cùng một lúc, mọi người phải bốc dỡ xử lý ngay, có những hôm làm tới đêm mới xong”.

Bếp ăn tiếp tục chuẩn bị cho bữa ăn trưa

KHÁNH TRẦN

Là một giáo viên, chị Lệ cho rằng mình nên rèn luyện bản thân, trải nghiệm thực tế. Vừa giúp đỡ mọi người, vừa có những kinh nghiệm cho bản thân, cô giáo trẻ mong muốn rút ra những bài học từ chính mình để chia sẻ với những học trò khi trở lại những tiết học.
Vào mỗi buổi chiều khi mọi công việc trong ngày, cũng như chuẩn bị cho ngày mai đã hoàn thành, các thành viên của bếp chia ra tập thể dục ngay trong sân trường để rèn luyện sức khỏe, cũng như thư giãn sau một ngày làm việc, đặc biệt là không để xuống sức vì chưa biết chừng nào hết dịch.
Chị Võ Ngọc Yến Nhi cho biết: “Ở đây mọi người luôn phải giữ sức khỏe, để làm được điều đó, chúng mình sẽ ra một quy định đó là một người sẽ chăm lo sức khỏe cho một người khác, cứ như vậy, ai cũng được quan tâm chăm sóc như một gia đình”.
Thời gian qua, những con người ở đây đang nỗ lực từng ngày, không chỉ là chăm chút những bữa ăn cho tuyến đầu mà còn là những phần quà mà họ dành thêm thời gian phân chia, đóng gói cẩn thận trước khi giao tới tay những người dân đang gặp khó khăn. Dù không quản ngại khó khăn, nhưng mọi người ở bếp cơm tiếp sức mong rằng bếp ăn sẽ sớm được dừng hoạt động, vì điều đó sẽ đồng nghĩa với dịch Covid-19 đã được đẩy lùi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.