Bệnh viện phải lắng nghe góp ý của người bệnh để cải thiện tốt hơn

Duy Tính
Duy Tính
19/06/2022 16:13 GMT+7

Những ý kiến góp ý của bệnh nhân, các bệnh viện phải lắng nghe để cải thiện môi trường bệnh viện tốt hơn. Có những góp ý tưởng nhỏ nhưng đó là những việc người nằm viện gặp phải hằng ngày...

Vào trung tuần tháng 4.2022, Ban Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tiến hành chương trình đối thoại trực tuyến với bệnh nhân (và thân nhân) đã xuất viện; đối thoại với người làm thủ tục hành chính công; đối thoại với nhân viên y tế theo định kỳ hằng tuần để nắm bắt tâm tư, tình cảm và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Đây được xem là nỗ lực của lãnh đạo ngành y tế TP.HCM trong việc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến sự hài lòng người bệnh.

Các bệnh nhân đối thoại trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM

DUY TÍNH

Dịch truyền hết gọi không ai đến, phòng bệnh cũ...

Đến ngày 16.6, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM tiếp tục đối thoại trực tuyến với bệnh nhân đã xuất viện và thân nhân bệnh nhân, để nắm bắt phản ánh của người bệnh trong quá quá trình nằm viện. Tất cả thông tin bệnh viện và bệnh nhân đều được bảo mật. Vì là buổi đối thoại lần thứ 3-4 nên có lẽ các bệnh viện đã rút kinh nghiệm rất nhiều trong phục vụ, ứng xử của y bác sĩ với bệnh nhân. Do đó, lần đối thoại này hầu hết các bệnh nhân, thân nhân đều khen ứng xử của bác sĩ, nhân viên y tế rất nhiệt tình; việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trơn tru…

Nhưng khi lãnh đạo Sở Y tế hỏi 1 bệnh nhân có góp ý cho 1 bệnh viện hạng 1 ở Q.5 mà ông đã từng nằm viện thì ông nói rằng: Bệnh viện này cái gì cũng tốt nhưng cái phòng cũ quá, làm sao xây dựng cái phòng mới đẹp hơn.

Nam bệnh nhân khác khám nằm viện tại 1 bệnh viện quận thì khen bệnh viện này mới xây đẹp, phòng ốc rộng rãi, nhưng ông góp ý rằng phòng bệnh ông nằm nóng quá, nhất là những ngày nắng nóng thì chịu không nổi.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, những góp ý của bệnh nhân ở trên, nếu không để ý sẽ cho rằng đó là ý kiến nhỏ, nhưng đây là ý kiến rất quý để bệnh viện cải thiện môi trường cho người bệnh. Cũng như có bệnh nhân phản ánh, trước khi xuất viện nhưng bác sĩ không dặn dò gì bệnh nhân - đây cũng là chi tiết các bệnh viện cần lưu ý.

Một nam bệnh nhân khác cũng nằm viện tại 1 bệnh viện quận thì phản ánh, khi dịch truyền hết, bệnh nhân bấm chuông (trên đầu giường có cái chuông để bấm gọi nhân viên y tế khi cần) nhưng không ai đến nên phải chạy đi gọi điều dưỡng, với bệnh nhân neo đơn không người nuôi bệnh thì sẽ bất tiện.

TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, những ý kiến của bệnh nhân và thân nhân sau các buổi đối thoại trực tuyến được chuyển cho các bệnh viện để cải tiến, phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Cần cải thiện hành chính về thủ tục, giấy phép...

Trước đó, vào ngày 10.6, lãnh đạo Sở Y tế đã đối thoại trực tuyến với đại diện các phòng khám, nhà thuốc, y bác sĩ làm thủ tục hành chính công qua mạng (hiện nay không làm trực tiếp tại Sở Y tế). Đối với người làm giấy phép hoạt động nhà thuốc, giấy thực hành tốt nhà thuốc (GPP) đa số phản ảnh hướng dẫn của Sở Y tế rõ ràng, nhưng do không rành thủ tục nên nhờ người quen, dịch vụ làm cho nhanh.

Còn đối với người làm chứng chỉ hành nghề (y bác sĩ), đa số đều cho rằng tự làm được, nhưng phải bổ sung hồ sơ 1-2 lần, nhưng bổ sung là coi như nộp lại từ đầu nên rất mất thời gian. Ngoài ra, có trường hợp cho rằng sự phản hồi việc tiếp nhận hồ sơ của Sở Y tế qua tin nhắn còn chậm. Do đó, người hành nghề đề nghị Sở Y tế khi tiếp nhận hồ sơ thì nhắn tin đã tiếp nhận hay chưa, có công cụ theo dõi hồ sơ của mình đã đi tới đâu.

Mặt khác, Sở Y tế cần đưa mẫu hồ sơ chuẩn để người hành nghề dựa theo đó để không làm sai. Đặc biệt, cần có số điện thoại của người hướng dẫn làm hồ sơ, khi cần để người hành nghề liên hệ trực tiếp.

Sau khi nghe các ý kiến trong buổi đối thoại trực tuyến, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng những vấn đề người dân phản ánh là những vấn đề Sở Y tế quan tâm và sẽ tuyên truyền cho người dân biết. Còn vì sao người làm giấy GPP không làm được mà nhờ dịch vụ thì xem lại hướng dẫn tại Sở có khó khăn vướng mắc để tháo gỡ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.