Bệnh viện Mỹ bị tố do tắc trách mà một bé gái tử vong

03/09/2018 15:30 GMT+7

Gia đình một bé gái gửi đơn kiện vì cho rằng sự tắc trách của Bệnh viện Nhi Philadelphia (CHOP) ở Mỹ đã dẫn đến cái chết của bé.

Trong đơn kiện, nguyên đơn cáo buộc rằng một cuộc khám mắt bị nhiễm khuẩn năm 2016 đã làm 23 trẻ sơ sinh tại đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh của bệnh viện bị bệnh và dẫn đến cái chết của ít nhất một trẻ, Fox News ngày 1.9 đưa tin.

Cụ thể hơn, theo Philly.com, trong số 43 bé khám mắt tháng 8.2016 thì 23 trẻ nhiễm adenovirus. Tất cả các bé được chẩn đoán đều có triệu chứng về hô hấp, đặc biệt, 5 ca bị bệnh viêm phổi và 11 ca có triệu chứng liên quan đến mắt. Ngoài ra, 9 người lớn - gồm 6 y tá và 3 phụ huynh - cũng bị bệnh.
Gia đình bé Melanie Sanders, sinh non vào tháng 5.2016, cho biết bé được chẩn đoán bị bệnh mắt và chuyển sang CHOP hồi tháng 7 cùng năm. Ở đây, bé trải qua một loạt thủ tục khám mắt. Sau đó, Melanie Sanders bắt đầu có triệu chứng về đường hô hấp và kết quả xét nghiệm kết luận bé dương tính với loại adenovirus 3. Bé qua đời vào ngày 11.9.2016.
Tháng 6.2017, trên một tạp chí y khoa, bệnh viện thừa nhận sự bùng phát bệnh nói trên và nguyên nhân bắt nguồn từ việc các thiết bị y tế không được làm sạch và nhân viên không đeo bao tay y tế đúng cách.
Do vậy, gia đình Melanie Sanders đã đâm đơn kiện. Shanin Specter, luật sư của gia đình bé Melanie Sanders, nói với CBS Philadelphia: "Thật đáng kinh ngạc khi CHOP không làm sạch thiết bị của họ và không đeo găng tay trong khi kiểm tra mắt cho bệnh nhân”.
Luật sư Shanin Specter đã đệ đơn kiện thứ hai thay mặt cho một gia đình khác cũng có con bị chết vì nhiễm bệnh tại bệnh viện. Tuy nhiên, ông nói với Philly.com rằng vẫn đang xem xét vai trò của adenovirus trong cái chết của bé này.
Trong khi đó, luật sư phía bệnh viện cho rằng sự sống của trẻ sinh non bấp bênh vì nhiều lý do. Hơn nữa, ngay khi xác định được vấn đề, nhân viên bệnh viện đã hành động rất nhanh chóng để xác định nguồn gốc, cảnh báo những người có nguy cơ và thực hiện các biện pháp an toàn bổ sung.
Quan chức bệnh viện không đưa ra bình luận về các chi tiết của vụ kiện đang tiếp tục và nhận được sự quan tâm của công chúng này.
Theo Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), adenovirus loại 3, 4 và 7 thường kết hợp với bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm kết mạc. Bệnh nhân có các triệu chứng miễn dịch suy yếu hoặc bệnh hô hấp hoặc tim có nguy cơ cao bị bệnh nặng hơn khi nhiễm adenovirus.
Theo Viện Y tế công cộng TP.HCM, bệnh do adenovirus là một bệnh vi rút cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thông thường bị nhiễm vi rút cấp ở đường hô hấp trên với triệu chứng nổi trội là viêm mũi. Trường hợp đặc biệt vi rút gây bệnh ở đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản nhỏ (bronchiolitis) và viêm phổi.
- Adenovirus có nhiều týp huyết thanh gây bệnh và tùy theo từng týp có thể gây bệnh chủ yếu của cơ quan nào đó trong cơ thể như:
+ Bệnh sốt viêm họng - kết mạc (febris pharyngoconjunctivitis) thường do týp 3 và týp 7 gây nên.
+ Bệnh viêm kết mạc 2 bên (Conjunctivitis bilateralis).
+ Bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người lớn thường do týp 4, týp 7.
+ Bệnh tiêu chảy cấp do vi rút a-đê-nô týp 40 và 41 thường gặp ở tuổi trẻ và bệnh viêm bàng quang xuất huyết do týp 11 và 21 gây nên.
+ Dịch viêm giác - kết mạc (epidemic keratoconjunctivitis) do týp 8, 9 và 37.
- Phương thức lây truyền:
+ Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp.
+ Có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi hang, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm adenovirus.
+ Sự lây truyền của bệnh thường xảy ra ở phòng khám bệnh, đặc biệt là ở phòng khám mắt.
+ Các nhân viên y tế dễ bị lây bệnh và từ đó có thể là nguồn lây truyền sang những thành viên khác trong gia đình và những người xung quanh.
+ Bệnh cũng có thể lây truyền qua giọt nước bọt như những hạt khí dung (aerosol) bằng đường hô hấp hoặc lây truyền qua bể bơi bị nhiễm adenovirus.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.