Bệnh sởi đã biến đổi so với 'truyền thống'

Liên Châu
Liên Châu
20/03/2024 17:04 GMT+7

Nhiều năm trước đây bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân. Các năm gần đây đã có những ca bệnh sởi ở người lớn.

Gây tử vong do biến chứng nặng

Theo công bố mới nhất của Bộ Y tế, trong hơn hai tháng đầu năm nay, hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trong nước ghi nhận 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành. Chưa ghi nhận ổ dịch sởi tập trung. 

Bệnh sởi đã biến đổi so với 'truyền thống'- Ảnh 1.

Trẻ nhỏ cần được tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế để ngừa lây nhiễm sởi và các bệnh truyền nhiễm có vắc xin

LIÊN CHÂU

Theo các hướng dẫn chẩn đoán do Bộ Y tế ban hành, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. 

Trước đây bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân. Hiện bệnh có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.

Bệnh sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân nhân mắc sởi khởi phát với các triệu chứng sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp.

Về diễn biến bệnh, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, cho hay thường sau khi sốt cao 3 - 4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban. Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Một số bệnh nhân có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban.

Chuyên gia này cũng lưu ý, viêm não, màng não cấp tính có thể xuất hiện khi bệnh vào giai đoạn hồi phục. Biểu hiện là người bệnh có thể sốt lại, đau đầu, cứng gáy, co giật và thay đổi ý thức từ lú lẫn, ngủ gà và hôn mê. Do đó, bệnh nhân và người nhà cần lưu ý các diễn biến của sức khỏe. 

Với phụ nữ mang thai bị sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi.

Với trẻ em mắc sởi, lưu ý  biến chứng bội nhiễm hay gặp ở trẻ em mắc sởi, thường gặp sau khi ban bay. Lúc này bệnh nhân sốt lại, có tình trạng nhiễm trùng và dễ gặp các bội nhiễm là: viêm tai giữa, viêm phổi, lao tiến triển, viêm loét hoại tử miệng (cam tẩu mã), tiêu chảy, viêm kết - giác mạc mắt, viêm cơ tim.

Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi T.Ư) hướng dẫn, cần đưa đến cơ sở y tế khi trẻ mắc sởi có sốt cao liên tục (39 - 40 độ C); khó thở, thở nhanh; khi trẻ đã phát ban toàn thân mà vẫn sốt; hoặc trẻ quấy khóc hoặc trẻ vật vã rối loạn ý thức.

Phòng bệnh sởi chủ động bằng vắc xin. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tại các địa phương, nhân viên y tế tại trạm y tế xã phường sẽ hướng dẫn trực tiếp và thông báo lịch tiêm chủng.

Các đối tượng khác tiêm vắc xin phòng sởi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Các bệnh nhân sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

(Bộ Y tế)



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.