Bệnh 'no đủ' tấn công đàn ông

15/03/2017 12:59 GMT+7

Nghe có vẻ lạ, nhưng thật ra đây là căn bệnh mà hiện nay khá nhiều quý ông đang mắc phải do ăn ngon, uống khỏe.

Món ngon chưa hẳn đã lành
Thức dậy sau một đêm chè chén say sưa với nhóm bạn thân hồi đại học, anh N.Đ.N (37 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) cảm thấy đau nhói ở phần khớp nhô ra ngay gần ngón chân cái bên phải. Nghĩ có lẽ do chiều tối hôm trước ra sân đá bóng cùng với một vài người bạn nên có thể là bị chấn thương khớp do va chạm, anh N. lấy dầu nóng xoa bóp nhưng nguyên cả buổi sáng cho đến tận chiều tối hôm ấy chỗ bị sưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Nghiêm trọng hơn, sáng hôm sau khi vẫn còn đang ngái ngủ, cơn đau thình lình ập đến khiến anh phải thức giấc. Lúc này, không thể chần chừ nữa, anh N. đến bệnh viện khám và vô cùng bất ngờ khi được bác sĩ thông báo anh bị gout - một căn bệnh vốn được coi là bệnh của người giàu, người cao tuổi.
Tương tự anh N., anh T.V.C (ngụ Q.Gò Vấp) dù chưa đến 30 tuổi cũng được bác sĩ chẩn đoán bị gout trong sự ngỡ ngàng tột độ. TS-BS Đại Phi Vân - Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Triều An, TP.HCM cho biết bệnh gout không chỉ có xu hướng gia tăng mà còn ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh thường gặp ở những nam giới ngoài 40 tuổi thì thời gian gần đây có cả những trường hợp thanh niên mới 20 tuổi cũng đã bị gout. Lý do rất đơn giản, bệnh gout hình thành từ chế độ ăn uống dư thừa đạm. Phần lớn trong các buổi tiệc tùng, đây là nhóm thực phẩm chủ đạo vì nó ngon và hấp dẫn. Ngoài việc dư thừa đạm thì thói quen sử dụng bia rượu cũng góp phần gây ra bệnh gout bởi bia rượu làm tăng a xít uric trong máu. Khi a xít uric không thể thoát hết ra ngoài, nó sẽ dễ dàng lắng đọng tại tổ chức khớp, hình thành nên bệnh gout.
Theo một vài thống kê gần đây, VN tiêu thụ bia rượu thuộc hàng “đỉnh” của thế giới, nên bệnh gout càng trở nên phổ biến và bệnh nhân gout ngày càng trẻ hóa là điều tất yếu.
Nhận diện cơn đau do gout
Đối với nhiều người, cơn đau đầu tiên do bệnh gout xảy ra ở ngón chân cái. Thông thường, cơn đau đó khiến một người đang ngủ phải tỉnh dậy. Ngón chân rất đau, tấy đỏ, ấm và sưng lên. 85% trường hợp đau về đêm hay nửa đêm về sáng. Cơn đau có thể nhẹ lúc đầu, sau đó tăng lên dữ dội. Ngoài đau khớp ngón chân cái, cơn đau còn có thể xuất hiện ở đốt bàn tay, cổ tay hay khuỷu tay...
Cơn đau do gout có thể thuyên giảm trong 7 - 10 ngày ngay cả khi không cần hỗ trợ điều trị, các cơn đau tiếp theo có thể xuất hiện sau vài tháng hay vài năm khiến nhiều người lầm tưởng bệnh đã khỏi nên khi tái phát sẽ trở nên trầm trọng và rất khó trị.
Cơ chế gây bệnh
Bác sĩ Phi Vân cho biết, bệnh gout là do sự tích tụ quá nhiều a xít uric trong cơ thể gây ra. A xít uric được sản sinh từ sự phân hủy của các chất gọi là purin. Purin có trong tất cả các mô của cơ thể. Các chất này cũng có trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như gan, các loại đậu và hải sản. Thông thường, a xít uric hòa tan trong máu. Nó bài tiết qua thận và ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Trong trường hợp a xít uric không thể thoát hết ra ngoài, nó sẽ lắng đọng và tích tụ lại trong các khớp, từ đó gây ra bệnh gout. Do đó, việc ăn nhiều thức ăn giàu purin sẽ làm tăng thêm tình trạng tăng a xít uric trong máu, làm nhanh tái phát các cơn gout và có nguy cơ trở thành gout mạn tính nếu không được điều trị kịp thời. Song song với việc ăn nhiều thực phẩm giàu purin, uống nhiều bia rượu cũng khiến bệnh gout có cơ hội hoành hành.
Thực tế, công việc, mối quan hệ xã hội khiến đàn ông khó nói “không” với cuộc vui và đi kèm theo đó là lượng bia rượu tiêu thụ cũng nhiều hơn. Uống nhiều rượu làm tăng thêm a xít uric trong máu, vì chất cồn trong rượu làm suy giảm chức năng hoạt động của gan thận, gây mất cân bằng trong chuyển hóa a xít uric trong cơ thể... Tất cả các tác nhân giải thích được lý do tại sao bệnh gout thường “ghé thăm” cánh đàn ông.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Thật ra, phòng tránh bệnh gout khá đơn giản. Nguyên tắc quan trọng nhất ở đây là không phải cấm ăn thịt cũng như uống rượu mà phải ăn uống thế nào cho điều độ ngay cả khi chưa mắc bệnh. Thường thì khi chưa mắc bệnh, nhiều người rất chủ quan, không để ý tiết chế việc ăn uống, một phần cũng do công việc hoặc cũng có thể do ham vui với bạn bè. Nếu thói quen này kéo dài cho đến khi phát bệnh mới nhận ra và tìm cách chữa thì việc điều trị sẽ khó khăn rất nhiều. Bệnh gây đau đớn khổ sở. Có những người bệnh biến chứng nặng buộc phải cắt bỏ ngón chân, ngón tay; nhiều người bị lâu năm mãn tính gây suy gan, thận... Vì vậy, ăn uống điều độ, khoa học để phòng tránh bệnh gout là việc nên thực hiện.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Phi Vân, để không bị bệnh gout tấn công, cần tránh những thực phẩm giàu purin như nội tạng động vật (tim, gan, lòng...) hay hải sản. Ngoài ra, cần chú ý các loại rau quả như đậu, măng tây, cải bó xôi... cũng chứa nhiều purin chẳng kém thịt. Tránh uống rượu bởi rượu làm gia tăng a xít uric trong gan và ngăn cản thận thải a xít uric. Tránh ăn nhiều quá hoặc nhịn đói; nên uống nhiều nước...

tin liên quan

Tăng nguy cơ mắc bệnh gút khi uống rượu bia
Bia và rượu mạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút, gây ra viêm khớp, theo một nghiên cứu năm 2014 tại Tạp chí Y học Mỹ rượu, bia cũng “đóng góp” vào nguy cơ khiến bệnh gút nặng hơn, làm gia tăng các cơn đau do gút.

tin liên quan

Lợi ích tuyệt vời của ổi và lá ổi
Ổi là loại trái cây phổ biến với nhiều dưỡng chất gồm: vitamin A, C, B2, K, chất xơ, canxi, đồng, foliate, sắt, phốt pho và kali. Chưa kể, ổi nhiều vitamin C gấp 4 lần so với cam, và nhiều vitamin A hơn chanh gấp 10 lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.