Bệnh nhân nhập viện do rắn cắn tăng cao

16/08/2014 08:00 GMT+7

Trong các tuần gần đây, số bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do bị rắn độc cắn tăng rất cao, có ngày chiếm 30-50% số bệnh nhân vào điều trị nội trú.

Trong các tuần gần đây, số bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do bị rắn độc cắn tăng rất cao, có ngày chiếm 30-50% số bệnh nhân vào điều trị nội trú.

 
Một bệnh nhân nữ bị liệt do rắn độc cắn - Ảnh: Ngọc Thắng

TS-BS Nguyễn Kim Sơn, phụ trách trung tâm cho biết, các bệnh nhân đến từ nhiều địa phương là Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Cạn, Sơn La, Bắc Ninh. Số bệnh nhân bị rắn độc cắn thường tăng lên sau khi có các đợt mưa mùa hè. TS Sơn cũng lưu ý, ngay trong nhà cũng có thể bị rắn tấn công. Rắn có thể vào nhà tắm nấp dưới xô, chậu, có trường hợp bị cắn ngay trong phòng làm việc.

Cuối tháng 7 vừa qua, một bé gái 15 tuổi ở Mộc Châu khi ngủ dưới sàn nhà đã bị rắn độc cắn vào mi mắt, khi đến trung tâm thì cả vùng mi mắt đã sưng nề, thâm tím. Sau khi được điều trị tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương. “Nọc rắn có thể gây hoại tử da, nếu vào mắt sẽ gây hoại tử, hỏng mắt. Trường hợp không may bị nọc rắn phun vào mắt cần rửa ngay mắt bằng nước sạch hoặc bằng nước muối nhỏ mắt 0,9% và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt”, TS-BS Sơn cho biết.

Hiện tại, Trung tâm Chống độc đang điều trị 4 bệnh nhân bị rắn độc cắn, trong đó có chị La Thị Th., 26 tuổi ở Bắc Kạn. Người nhà chị Th. cho biết, sau một đêm ngủ dậy, chị Th. bị liệt. Người nhà phát hiện một vết rắn cắn ở khoeo chân phải, được xác định do rắn cạp nia cắn.

Theo bác sĩ, nọc độc của loài rắn này có thể gây liệt toàn thân, bệnh nhân dù vẫn nhận biết được nhưng không thể nói được. Nếu không cấp cứu kịp có thể tử vong do ngưng thở bởi độc tố của rắn gây liệt cơ hô hấp. Đáng lưu ý, từng có trường hợp bị liệt do độc tố của rắn nhưng cơ sở y tế không chẩn đoán được nguyên nhân do ít gặp ca bệnh. “Đặc điểm của các trường hợp bị nhiễm độc do rắn cạp nia là liệt và đồng tử mắt bị dãn”, TS Nguyễn Kim Sơn lưu ý.

Khi bị rắn cắn cần đến ngay cơ sở y tế; không dùng băng, thun thít chặt vùng bị rắn cắn vì như vậy có thể gây hoại tử vùng bị băng thít do thiếu máu nuôi dưỡng. Trường hợp bị rắn lục cắn không được chích nặn nọc độc vì chất độc của nọc rắn lục gây rối loạn đông máu. Trường hợp này nếu rạch, nặn có thể gây chảy máu, mất nhiều máu nguy hiểm tính mạng.

Liên Châu

>> Tin thầy lang, một bé gái suýt tử vong vì bị rắn cắn
>> Bé bị rắn cắn nguy kịch khi ngủ trong nhà
>> Bị rắn cắn vào chỗ hiểm
>> Suýt cưa chân vì garô khi rắn cắn
>> Xử trí khi bị rắn cắn
>> Hoại tử tay vì rắn cắn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.