Bệnh nhân cắt bao quy đầu 'tố' phòng khám bác sĩ Trung Quốc 'vẽ bệnh'

Duy Tính
Duy Tính
09/08/2018 19:53 GMT+7

Một tháng trước, PK đa khoa Thăng Long bị Sở Y tế TP.HCM phạt 31 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn; lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ.

Ngày 9.8, Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Thăng Long (Phòng khám đa khoa Thăng Long - gọi tắt là PK, địa chỉ 575 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP HCM) đã có buổi tiếp xúc với các phóng viên để làm rõ bệnh nhân tên L.V.H (18 tuổi, ngụ Long An) phản ánh PK “vẽ bệnh” moi tiền khi cắt bao quy đầu vào ngày 8.8.
Theo anh H., sáng 8.8, anh đến phòng khám để nhờ tư vấn. Sau khi khám, làm xét nghiệm, PK tư vấn cho anh H. cắt da quy đầu với giá 2,8 triệu đồng, người thực hiện là bác sĩ Trung Quốc và anh H. đồng ý vì mang theo trong túi 3 triệu đồng.
Trong lúc phẫu thuật trên bàn mổ, anh H. bất ngờ được phiên dịch cho biết trong phần thân dương vật bệnh nhân có một khối u mềm và cần phải được phẫu thuật lấy khối u. Trong tình huống bất ngờ và lo sợ, anh H. không còn cách nào khác đành đồng ý.
Ca phẫu thuật xong và PK thông báo bệnh nhân phải đóng thêm gần 13 triệu đồng và yêu cầu anh H.đóng tiền, tổng cộng khoảng 16 triệu đồng.
Vì không đủ tiền nên anh H. xin về lấy tiền nhưng PK không cho và yêu cầu anh H. gọi điện người nhà mang tiền đến.
Người nhà anh H. không đồng ý đóng thì người của PK liên tục gọi điện yêu cầu đóng tiền. Sau khi thỏa thuận, PK đồng ý cho bệnh nhân H. đóng thêm hơn 5 triệu đồng (tổng cộng là 8,5 triệu đồng) và ra về.
Các phóng viên hỏi PK: "Tại sao không phát hiện khối u khi khám cho bệnh nhân lần đầu?".
Theo giải thích của đại diện PK, bệnh nhân H. được xét nghiệm nước tiểu, máu nên không phát hiện được khối u, nhiều khi có chẩn đoán hình ảnh cũng không phát hiện được. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ mới phát hiện có u mềm nên thông báo cho bệnh nhân.
Giải thích về số tiền phải đóng là khoảng 16 triệu đồng nhưng bệnh nhân chỉ đóng có 8,5 triệu đồng thì được xuất viện, đại diện PK cho rằng mình làm việc “có tâm”.
Một tháng trước, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã xử phạt PK này vì quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
* Trước đó, năm 2017, làm việc với các PK có bác sĩ Trung Quốc, Thanh tra Sở Y tế TP yêu cầu các PK phải chẩn đoán toàn diện bệnh nhân, bàn luận và đưa ra phương pháp điều trị ngay từ đầu. Tránh trường hợp trị bệnh này nhưng vào phòng mổ nói thêm nhiều bệnh khác. Nếu một bệnh nhân mà bị chẩn đoán 2-3 lần thì Sở sẽ mời bác sĩ chẩn đoán lên làm việc và xem xét lại trình độ bằng cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.