Bên trong 'tổng hành dinh' nhận tin nóng của Bí thư Đinh La Thăng

Sở Thông tin vàTruyền thông (TTTT) TP.HCM khẳng việc chuyển đường dây nóng lãnh đạo TP qua tổng đài 1022 sẽ giúp đường dây nóng hoạt động hiệu quả hơn, giám sát việc xử lý thông tin tốt hơn.

Sở Thông tin vàTruyền thông (TTTT) TP.HCM khẳng việc chuyển đường dây nóng lãnh đạo TP qua tổng đài 1022 sẽ giúp đường dây nóng hoạt động hiệu quả hơn, giám sát việc xử lý thông tin tốt hơn.

Nhân viên trực tổng đài đường dây nóng Thành ủy. Đến 17 giờ ngay 23.3, nhiều thông tin nóng vẫn được người dân phản ánh tới - Ảnh: Trung HiếuNhân viên trực tổng đài đường dây nóng Thành ủy. Đến 17 giờ ngay 23.3, nhiều thông tin nóng vẫn được người dân phản ánh tới - Ảnh: Trung Hiếu

Thông tin hợp nhất số điện thoại đường dây nóng của Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân qua tổng đài 1022 đang được nhiều người quan tâm về việc xử lý và giám sát thông tin gửi tới lãnh đạo cao nhất của TP.

Chuyển đến nhanh nhất

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM cho hay tổng đài 1022 vốn là nơi tiếp nhận thông xử lý sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị như sự cố điện, ngập nước, tai nạn giao thông, cây xanh ngã đổ, xe buýt... Mới đây khi Bí thư Thành ủy Đinh  La Thăng chỉ đạo thiết lập đường dây nóng, Sở TTTT tham mưu sử dụng hạ tầng của tổng đài 1022. Như vậy khi người dân phản ánh gọi vào số đường dây nóng của Thành ủy TP 0888 247 247 thì cuộc gọi sẽ được định tuyến chuyển thẳng tới tổng đài 1022. Ở đó sẽ có một bộ phận tổng đài viên được huấn luyện riêng chỉ để tiếp nhận thông tin đường dây nóng Thành ủy và xử lý chuyển về bộ phận giải quyết.

“Đường dây nóng của Thành ủy và UBND TP có nhiều kênh tiếp nhận thông tin khác nhau như nhận cuộc gọi, tin nhắn và email. Cuộc gọi sẽ được ghi âm. Các tin nhắn và email sẽ được chuyển vào hệ thống để thống kê, phân loại”, ông Cường nói.

Sau khi tiếp nhận thông tin, điện thoại viên sẽ phân loại theo những lĩnh vực và mức độ khẩn cấp theo 4 cấp độ: Cấp độ 1 là hỏi han trình tự thủ tục hành chính; cấp độ 2 là nhận bức xúc về những sự việc sắp xảy ra cho các cơ quan chức năng xử lý; cấp độ 3 là sự việc đã phản ánh nhiều lần mà không được giải quyết để chuyển cho cấp thẩm quyền; cấp độ 4 là sắp xếp gặp lãnh đạo.

Khu vực tiếp nhận thông tin nóng của Thành  ủy TP - Ảnh: Trung Hiếu

Ông Cường cho hay mọi dữ liệu sau khi tiếp nhận sẽ chuyển về phần mềm công nghệ thông tin của văn phòng UBND TP. Tại đây các chuyên viên văn phòng phân loại xử lý và chuyển tới cơ quan chức năng. Tinh thần chung những thông tin liên quan đến chính quyền thì chuyển qua văn phòng UBND xử lý, xây dựng Đảng hay tham nhũng thì chuyển qua Văn phòng Thành ủy hay cơ quan phòng chống tham nhũng xử lý. Việc chuyển thông tin được giám sát kỹ, khách quan và lãnh đạo TP có thể giám sát được việc xử lý những thông tin.

Theo tôi hiểu thì người dân vẫn muốn đích thân Bí thư Thành ủy nghe máy nhưng làm sao Bí thư có thể nghe hết được. Do đó cần phải có một bộ phận xử lý thông tin cho Bí thư Thành ủy và chúng tôi đang làm việc này

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM

“Theo quy trình xây dựng và triển khai, tôi khẳng định thông tin sẽ được phản ánh kịp thời đến Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP một cách trung thực, khách quan và lãnh đạo cao nhất của TP sẽ giám sát được việc xử lý thông tin đó. Chắc chắn mọi thông tin sẽ được chuyển đến Bí thư Đinh  La Thăng”, ông Cường khẳng định

Ông Cường cho biết thêm muốn hay không muốn thì lãnh đạo TP phải có một bộ phận chuyên trách về tiếp nhận thông tin chứ lãnh đạo không thể trực tiếp nhận và trả lời điện thoại được. Do TP.HCM có sẵn hệ thống thông tin và áp dụng cho đường dây nóng Bí thư Thành ủy. Hiện tại mỗi kíp trưc đường dây nóng có 5 người, mỗi ngày 3 ca trực: từ 6 giờ đến 14 giờ, 14 giờ đến 22 giờ, 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Bên cạnh đó còn có 1 người nhận email, 1 người nhận tin nhắn và 1 người có nhiệm vụ tổng hợp, phân loại thông tin. Đường dây nóng của UBND TP cũng vậy.

“Theo tôi hiểu thì người dân vẫn muốn đích thân Bí thư Thành ủy nghe máy nhưng làm sao Bí thư có thể nghe hết được. Do đó cần phải có một bộ phận xử lý thông tin cho Bí thư Thành ủy và chúng tôi đang làm việc này. Vấn đề làm sao là phải giám sát, xử lý tốt mọi thông tin mà người dân phản ánh. Khi thông tin đã được chuyển về cơ quan chức năng nếu không được xử lý thì hệ thống sẽ báo ngay. Ngay cả người phản ánh thông tin cũng theo dõi, giám sát được thông tin xử lý như thế nào”, ông Cường nói.

Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu không xử lý

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP, cho rằng phải xem những phản ánh chính đáng của người dân, doanh nghiệp như là một mệnh lệnh và bắt buộc các cơ quan có liên quan phải nghiêm túc giải quyết “chứ không thể nghe rồi để để đó, rồi biến đường dây nóng trở nên “nóng” hơn, dẫn đến khiếu nại kéo dài”.

Bảng điện tử theo dõi hoạt động nhận, xử lý đường dây nóng - Ảnh: Trung Hiếu

“TP.HCM đặt mục tiêu phải xây dựng được TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trên thực tế, chính quyền TP luôn cầu thị, tiếp thu những góp ý thiết thực để xây dựng, phát triển TP, và rất nhiều nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp; đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện quan liêu, tiêu cực”, ông Trung nói.

1 năm, tổng đài 1022 nhận 19.500 thông tin phản ánh
Hiện thông tin tiếp nhận sự cố hạ tầng ở tổng đài 1022 đang được xử lý ở cấp độ 2, tức là nhận thông tin và chuyển cho cơ quan chức năng. Tính từ ngày 23.3.2015 đến 23.3.2016, tổng đài này nhận hơn 19.500 thông tin phản ánh, trong đó nhiều nhất tập trung vào sự cố điện, thoát nước, giao thông, cây xanh…; từ ngày 23.2 đến 23.3 nhận gần 1.200 thông tin và có tới 1.111 thông tin đã được chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.

Ông Trung cho biết thêm với những cá nhân, đơn vị có sự hài lòng thấp, nhiều sự than phiền từ phía người dân hay không kịp thời xử lý những thông tin phản ánh thì TP cũng sẽ có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời, truy trách nhiệm người đứng đầu các sở ngành, quận, huyện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.HCM cho biết chiều nay 24.3 UBND TP tổ chức họp báo thông tin cụ thể. “Hầu hết các cuộc gọi, tin nhắn vào đường dây nóng Thường trực Thành ủy đều liên quan đến công tác điều hành, quản lý của UBND TP đối với các lĩnh vực đời sống xã hội. Chủ trương của TP là việc hợp nhất sẽ không làm giảm nhiệt đường dây nóng”, ông Hoan khẳng định.

Theo ông Hoan, người dân cũng nên mạnh dạn sử dụng nhiều loại hình cung cấp thông tin chứ không nhất thiết phải cung cấp qua tổng đài đường dây nóng cho người đứng đầu TP để tránh quá tải. Liên quan đến đường dây nóng cứu nạn, cứu hộ, an ninh, y tế… như 113, 114, 115, ông Lê Quốc Cường cho hay sắp tới hệ thống đường dây nóng này sẽ được nâng cấp thành trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp giống như một số nước đã làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.