Bên trong bếp ăn nấu gần 30.000 suất cơm/ngày cho các Bệnh viện dã chiến ở TP.HCM

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
29/07/2021 13:34 GMT+7

Hoạt động không ngừng nghỉ gần 50 ngày qua, bếp ăn thiện nguyện chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) với hơn 150 tình nguyện viên đã ăn ngủ tại bếp ăn, test Covid-19 thường xuyên để đảm bảo bữa ăn hằng ngày cho tiền tuyến chống dịch Covid -19.

Đỏ lửa đến khi hết Covid-19 

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng tại TP.HCM, các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly đã quá tải, hội thiện nguyện chùa Tường Nguyên theo sự chỉ đạo của Trung ương GHPGVN, GHPGVN TP.HCM cung cấp nhu yếu phẩm cũng như duy trì bếp ăn cho những người khó khăn tại khu cách ly, các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19.

Khu tiếp nhận thực phẩm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chia sẻ với Thanh Niên, đại đức Thích Minh Phú (Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban từ thiện GHPGVN TP.HCM, Trụ trì chùa Tường Nguyên) cho biết tính từ ngày 4.6 đến ngày 14.7, bếp ăn tại chùa Tường Nguyên đã cung cấp hơn 300.000 suất ăn. Ngày 15.7, bếp được dời về địa chỉ 79 Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè), địa điểm trên được tập đoàn Phú Long cho mượn gần 10 năm nay để làm bếp ăn nếu phải nấu số lượng lớn.

Xa gia đình cả tháng, lên chùa nấu vạn phần cơm cho bệnh viện dã chiến Covid-19 1

Từ khi chuyển đến địa điểm mới, mỗi ngày bếp ăn cung cấp từ 22.000 - 23.000 suất ăn cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM,... các khu cách ly ở Q.4, Q.7, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh,... Hiện tại, đã chạm mốc gần 30.000 suất ăn mỗi ngày.

Các tình nguyện viên tại khu sơ chế thực phẩm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hai bệnh viện chính hội thiện nguyện cung cấp thức ăn mỗi ngày là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8 với hơn 7.500 suất ăn chia thành 3 bữa. Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10 với 3.000 suất ăn. Mỗi phần ăn kèm theo một hộp sữa, trái cây, bánh ngọt và nhu yếu phẩm.

Bếp ăn hoạt động không ngừng nghỉ gần 50 ngày qua

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Chúng tôi đặt nặng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. Thứ nhất là nguồn tự mua, thứ hai là nguồn các đồng bào cả nước hướng về người dân Sài Gòn và tin tưởng giao đến cho hội từ thiện chùa Tường Nguyên. Mỗi ngày bếp tiêu thụ khoảng 8 tấn rau củ quả và nấu hơn 2 tấn gạo”, đại đức nói.
Để bếp ăn hoạt động hiệu quả, đảm bảo suất ăn hàng ngày cho đội ngũ y bác sĩ, bếp ăn được chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân theo từng khu vực riêng biệt để hoạt động như một dây chuyền khép kín.
Nhóm thứ nhất, phụ trách tiếp nhận phân loại rau củ, nhóm thứ hai sơ chế, nhóm thứ ba xào nấu, nhóm thứ tư nấu cơm, nhóm thứ năm chia cơm đóng gói, nhóm sáu khuân vác những đồ nặng, nhóm thứ bảy hàng nhập vào những container kho lạnh để bảo quản rau củ quả.

Ăn ngủ tại bếp ăn, test Covid-19 thường xuyên

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, khoảng 3 ngày bếp ăn sẽ test nhanh Covid-19, 5 ngày sẽ test chuyên sâu cho tất cả tình nguyện viên để kiểm soát tình hình. Chị Phạm Thị Minh Chính (Pháp danh Nguyên Hạnh, thư ký hội thiện nguyện Tường Nguyên) chia sẻ tất cả tình nguyện viên trước khi vào bếp phải được test Covid-19 an toàn, vào rồi thì sẽ không được ra ngoài nữa. Tất cả ăn uống ngủ nghỉ đều theo quy trình đã sắp xếp sẵn, nếu ai ra ngoài muốn vào trở lại thì phải đợi kỳ test Covid-19 tiếp theo.
“Nếu không may có gì xảy ra, bếp sẽ phải ngừng hoạt động thì 26.000 người ở các bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly sẽ không có đồ ăn”, chị tâm sự.

Tất cả các tình nguyện viên đều được test Covid-19 thường xuyên, không tiếp xúc với bên ngoài

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Tình nguyện viên ở bếp ăn có khoảng 150 người, tận dụng các phòng ở công ty để làm chỗ ngủ. Bếp còn có khu vực nấu ăn cho tình nguyện viên, gồm khu vực nấu ăn mặn cho những người khuân vác nặng và khu vực nấu đồ ăn chay cho tất cả các Phật tử đầy đủ một ngày 3 bữa. Ngoài ra còn có 3 người phụ trách nước uống, làm các loại nước ép, sinh tố... để bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng.
Gần 50 ngày bếp ăn hoạt động, phần ăn mỗi ngày không ngừng tăng lên. Chị Chinh tâm sự mặc dù mọi người ở bếp đều rất mệt nhưng thấy nhiều người ở bên ngoài không có cơm ăn, không đủ dinh dưỡng nên gồng mình lên để làm việc.

Khu vực nấu cơm hằng ngày nấu hơn 2.000 tấn gạo

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Mình muốn gửi gắm lời cảm ơn đến các mạnh thường quân đã đồng hành cùng bếp ăn để gửi những suất ăn đến cho các bác sĩ tuyến đầu cũng như các bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly. Mỗi phần ăn được gửi đi với mong muốn mọi người sẽ đủ sức khỏe để chiến đấu với dịch bệnh”, chị nói.

Công đoạn đóng gói đồ ăn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Đại đức Thích Minh Phú điều phối công việc ở bếp và trực tiếp đóng gói đồ ăn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Nhễ nhại mồ hôi ở trong bếp ăn hơn 1 tháng qua, chị Nguyễn Thị Thu Tâm (48 tuổi, bếp trưởng phụ trách bếp mặn dành riêng cho các bác sĩ ở khu cách ly) đã phải xa gia đình để ở lại với bếp ăn. Chuẩn bị đủ 3 bữa cơm chuyển đến các bệnh viện dã chiến, mỗi ngày chị Tâm thức dậy từ 3 giờ sáng, nấu liên tục theo thực đơn đã được lên sẵn cho đến 23 giờ tối.

Đồ ăn cuối cùng được chuyển lên xe để chuyển đến các Bệnh viện dã chiến và các khu cách ly

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cả ngày ở khu bếp, chị Tâm cho biết nhiều lúc cũng mệt và ngộp thở. Để lấy lại tinh thần, chị tháo khẩu trang, đi rửa mặt hít thở không khí rồi lại tiếp tục cuộc chiến. “Trước khi đi thì mình cũng đã xin phép cha mẹ, chồng và họ vui vẻ chấp nhận. Minh là người miền Nam, lúc này người Sài Gòn đang gặp khó khăn như vậy nên mình không thể làm ngơ, mình không nỡ. Làm việc ở đây tuy hơi cực nhưng mỗi ngày đều có một niềm vui, thứ nhất là sư phụ chan hòa với Phật tử. Các anh em ở bếp ăn cũng nói đùa giỡn nhau cho vui đỡ mệt”, chị bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.