Bên trong bệnh viện dã chiến quân đội: Gian khó thành quen

02/10/2021 06:09 GMT+7

Để được vào tác nghiệp trong Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D, chúng tôi phải được tiêm vắc xin phòng dịch mũi 2 trước đó 21 ngày...

Tiêu chuẩn ăn của y bác sĩ và bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D, ban đầu "đồng hạng" là 80.000 đồng/ngày. Sau đó, có lẽ thấy y bác sĩ - lực lượng đảm bảo điều trị quá chật vật và vất vả, nên TP.HCM hỗ trợ thêm mỗi người 40.000 đồng/ngày.

Bạn đọc Báo Thanh Niên tặng 5 tấn rau củ quả cho Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D

Mai Thanh Hải

Cơm chay trong bệnh viện

Đã có thời gian thực tế ở nhiều khu cách ly tập trung, nên khi tham gia kíp chia cơm tại Bệnh viện (BV) dã chiến truyền nhiễm 5D - Bộ Quốc phòng (tại khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM), chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy bệnh nhân có 4 thực đơn khác nhau: suất cơm 4 món; cháo; suất sữa dành cho trẻ em (buổi sáng 2 hộp, trưa - chiều 3 hộp) và suất ăn chay cho người có yêu cầu.
Để được vào tác nghiệp trong BV dã chiến truyền nhiễm 5D, chúng tôi phải được tiêm vắc xin phòng dịch mũi 2 trước đó 21 ngày.
Vừa mang đồ lên phòng ở tầng 3, đã thấy một nhân viên khoa xét nghiệm đợi sẵn: “Bây giờ test nhanh. Sáng mai các anh kiểm tra PCR cùng cán bộ, nhân viên BV. Ở đây, cứ 3 ngày kiểm tra 1 lần”. “Âm tính”. Thở phào nhẹ nhõm và he hé cửa nhìn sang dãy nhà A2 xếp lớp 10 tầng nằm bên cạnh phơi đủ loại quần áo xanh đỏ tím vàng trên các ban công, tay bị giật ngay tức thì: “Cấm mở cửa. Bên ấy, tầng trên là các bệnh nhân nhẹ, dưới là hồi sức cấp cứu rất nặng. Họ ra ban công ho, khạc nhổ là gió đẩy vi rút sang, mình bị nhiễm ngay tức thì”. Sập cửa sổ, chốt cửa sau, líu ríu theo nghiêm lệnh: “Lúc nào cũng phải đeo khẩu trang. Phòng nào biết phòng nấy. Ăn uống ngay tại phòng. Vào khu điều trị phải có sự đồng ý của ban giám đốc và nhân viên khoa kiểm soát nhiễm khuẩn hướng dẫn mặc đồ bảo hộ, đi kèm mọi lúc tác nghiệp”…
Mỗi ngày bệnh nhân được ăn 3 bữa cơm. Đều đặn, cứ 6 giờ 30, 10 giờ 30, 17 giờ 30, xe chở cơm đỗ ở sân BV. Cơm hộp được các dân quân mặc đồ phòng hộ cấp 2 - 3 màu xanh đưa lên xe đẩy sạch, chuyển đến điểm giao nhận trước khu cách ly đặc biệt. Từ đây, kíp hộ lý (là dân quân) của các khoa mặc đồ phòng hộ cấp 4 màu trắng lại chuyển cơm sang xe khác, đẩy vào chia từng buồng bệnh. Bệnh nhân ăn xong sẽ bỏ vỏ hộp, bịch ni lông vào thùng rác ngoài hành lang. Các hộ lý chia cơm xong, nghỉ tại chỗ khoảng 30 - 40 phút, lại tiếp tục đi đến các tầng thu dọn rác thải, chuyển lên xe, đẩy ra ngoài.
Đặc biệt, với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, trước giờ phát cơm khoảng 30 phút, nhân viên y tế đến kiểm tra chỉ số để điều chỉnh việc tiêm thuốc điều trị hoặc truyền nước, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Đa số các bệnh nhân vào điều trị tại BV dã chiến là công nhân, người lao động... nên chế độ ăn uống, chăm sóc như vậy được xem là "trên cả tuyệt vời". Cá biệt vài người, ngày đầu vào ỉ ôi "cơm hộp không có nóng sốt", mấy ngày sau ăn mì tôm, đồ mang theo cũng hết và chán, đành phải ăn trong sự lạ lùng của các bệnh nhân khác: "Vào đây chữa bệnh mà còn bày đặt".
Buổi tối, chúng tôi cùng điều dưỡng Lê Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Quyên đi thăm bệnh nhân, qua nhà A4 thấy mấy người đứng ngoài ban công kêu: "Sao không cho chúng tôi ăn cơm, đói bụng quá". Chạy lên kiểm tra, mới biết mấy bệnh nhân này vừa nhập viện lúc tối, đã qua giờ phát cơm. Các điều dưỡng lại phải tìm hộ lý, đề nghị phát sữa - bánh cho bệnh nhân ăn tạm, đợi ngày mai mới có cơm, và lắc đầu: "Tụi em về muộn phải ăn cơm hộp nguội ngắt. Ai vào công tác mà không báo cơm trước, cũng đành nhá lương khô hoặc nhịn đói. Nhưng với bệnh nhân, không giải thích và đưa đồ ăn nhẹ lên, họ phàn nàn kêu ca, phát clip, đăng lên mạng xã hội là anh em phải viết báo cáo, giải trình, chờ được cấp trên thông hiểu thì cũng mệt".

Tặng sữa và bánh ngọt cho bệnh nhi

ĐỘC LẬP

Tăng gia cải thiện

Phòng của trung tá quân nhân chuyên nghiệp Lưu Nguyệt Anh, nhân viên khoa xét nghiệm có 1 nồi cơm nhỏ, nấu được khoảng 2 cốc gạo. Phòng của đại úy Nguyễn Văn Trường có 1 bếp từ và 1 cái chảo, thay nhau luộc, nấu, chiên, xào. Riêng phòng thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Quyên, Lê Thị Thu Hiền thì cái nồi cơm điện, cứ đến bữa lại khọc khạch chạy, luộc 1 chậu rau thật to, phát cho các phòng...
Bộ đội nói là "cải thiện bữa ăn", nhưng với chúng tôi, nửa tháng ăn ở cùng y bác sĩ BV, nếu không có những xoong, chảo, nồi cơm điện... để luộc, xào, nấu, thêm canh rau củ quả, thì quả thật khó nuốt nổi ngày 3 hộp cơm.
Ở BV, 100% nhân viên y tế từ các BV quân y ngoài Bắc tăng cường vào, quen cách sinh hoạt, ăn uống của miền Bắc nên rất ngỡ ngàng khi nước mắm được thay bằng gói nước tương, ngày mùng 1 đầu tháng “được” ăn thịt vịt, dưa chuột nấu canh - xào mực, cải thảo làm món xào…
Lần đầu vào miền Nam, đã không quen thời tiết ngày nóng đêm lạnh, các nhân viên y tế miền Bắc còn phải làm quen với 3 suất cơm hộp mỗi ngày, món gì cũng ngọt lừ đường… 2 tuần đầu đa số bị rối loạn tiêu hóa, BV thì không có thuốc, mua ngoài thì các cửa hàng bị đóng cửa, vậy là xe cấp cứu phải chạy xuống BV Quân y 7A (Quân khu 7) mua cả mấy thùng berberin điều trị tiêu chảy, kiết lỵ phát cho các phòng ở của y bác sĩ.

Suất cơm của các y bác sĩ

MAI THANH HẢI

Phong lương khô trong túi cóc

Ở BV dã chiến truyền nhiễm 5D có một xe 12 chỗ do Tổng cục Hậu cần tạm điều chuyển. Tiếng là “phục vụ chỉ huy”, nhưng chiếc xe này chủ yếu đi liên hệ tài trợ, giúp đỡ và chở vật tư - thiết bị y tế.
Những ngày đầu, do trang cấp chưa kịp thời, nên từ ban giám đốc cho đến các y bác sĩ đều tranh thủ các mối quan hệ, xin tài trợ từ chiếc khẩu trang - bộ quần áo bảo hộ chuẩn cấp độ 4 để đảm bảo an toàn cho kíp trực, chiếc quạt cây chống nóng cho bệnh nhân… cho đến hộp sữa, thùng mì, túi rau củ quả, trái cây phát y bác sĩ nấu ăn thêm. Đại tá Nguyễn Văn Chinh (giám đốc) và đại tá Hồ Sỹ Tính (chính ủy) cùng chia sẻ: “Xin cho y bác sĩ, bệnh nhân, có gì mà ngại. Mọi người ăn no, đủ chất thì mới có sức chống dịch”.
Bây giờ, kho hậu cần giữa sảnh tòa nhà A1 - A2 (đầu não BV) do đại úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Thị Hậu giữ chìa khóa, đã được gọi là “phòng hạnh phúc”. Hậu là nhân viên khoa kế hoạch - tổng hợp, tăng cường từ BV Quân y 105 ngoài Sơn Tây vào. Hát giỏi, thơ hay nhưng Hậu đảm trách tất tật việc hậu cần, ăn uống, cấp phát đồ dùng trang thiết bị, huy động tiếp nhận tài trợ.
Mỗi khi có hàng tài trợ, Hậu miết mải bốc nhận và chia đồ cho mọi người cải thiện cho “có sức chiến đấu”. Trong kho, Hậu dành một góc để sữa, bánh kẹo, nước ngọt…, mỗi ngày gửi kíp trực mang vào tặng người già, trẻ em, sức yếu. Hậu bảo: “Mình là bộ đội, gian khổ thiếu thốn cũng quen. Bà con vào viện, mình gửi quà động viên, giúp chút cho mọi người nhanh khỏi bệnh”.
Ở BV, cứ buổi tối là các y bác sĩ, nhân viên y tế lại réo rắt điện thoại với gia đình. Câu nói rất quen thuộc của những đứa con với các ông bố - bà mẹ là: “Bao giờ bố mẹ về?”, và “Mang quà miền Nam cho chúng con nhé!”.
Trong túi cóc ba lô bộ đội của các quân nhân BV dã chiến truyền nhiễm 5D, tôi đều thấy có hộp lương khô BB702, được cấp phát trong những ngày cao điểm cấp cứu bệnh nhân. Đó là quà miền Nam, họ giữ mang về cho con mình, ở ngoài miền Bắc. Bởi khi hoàn thành nhiệm vụ, những người lính quân y lại được xe vận tải quân sự chở ra sân bay - nhà ga, khoác ba lô về đơn vị, gia đình... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.