Bên ngoài bản vẽ - Truyện ngắn dự thi của Hoàng Hiền

Hoàng Hiền
(TP.HCM)
20/08/2023 08:30 GMT+7

Xe băng qua quốc lộ 14, đường thoáng và êm, anh em trên xe đã thiu thiu ngủ, không khí chùng xuống, Nguyên dõi theo con đường phía trước, hai bên đường cây cối loáng mướt trôi mải miết. Từ ngày quốc lộ thông xe, đường về nhà nhanh hơn nhiều. Sau những chuyến công tác dài ngày, Nguyên thường đặt vé xe về nhà, ngủ một giấc mơ hồ giữa tiếng trò chuyện lao xao của những người cùng quê. Có khi xe dừng trước cổng nhà, bác tài phụ gọi "Đến nhà rồi" Nguyên mới tỉnh giấc. Dân công trình dễ từ nết ăn nết ngủ, đặt mình trên tấm ván khuôn kê tạm trong nhà container nóng hầm hập cũng xong giấc, huống hồ xe máy lạnh mát rượi.

Chừng hơn một tháng trước Nguyên xung phong đi tiền trạm cùng anh Hiếu - chỉ huy trưởng. Nhà thầu trước gây sai phạm bị cắt gói thầu, đế móng thi công xong, giàn thép han gỉ, khung cột chơ vơ trên lưng chừng quả đồi xanh ngắt những tán cây bụi thấp. Anh Hiếu lên phương án xử lý thép, thuê nhà container, liên hệ bên cung cấp vật tư, mời anh em kỹ thuật…

Bên ngoài bản vẽ - Truyện ngắn dự thi của Hoàng Hiền - Ảnh 2.

Minh họa: Tuấn Anh

- Khó nhằn.

Anh Hiếu bật ra câu ấy khi hai anh em ngồi hút thuốc ngoài balcon khách sạn giữa đêm mưa xối xả ngày đầu tiên đi khảo sát. Đêm ấy thị xã buồn hiu hắt. Nếu dễ nhằn thì nhà thầu trước đã xây dựng xong xuôi rồi. Giữa lúc kinh tế khó khăn, nhà thầu thiếu vốn, khủng hoảng năng lượng, vỡ bong bóng bất động sản, giá thép tăng, ngành xây dựng cũng chới với theo.

- Anh cứ giao việc cho em.

Nguyên nói như thở dốc, dù anh em thân thiết cùng đi qua bao nhiêu dự án nhưng lần này lòng Nguyên chộn rộn không yên. Bao nhiêu lần ngồi xe đò, chứng kiến những em bé khóc ngặt nghẽo hoặc ngủ mệt nhoài trên vai cha mẹ lay lắt suốt chuyến xe đường dài tám chín tiếng đồng hồ đi khám bệnh. Bao nhiêu người dân đi rừng bị rắn cắn không kịp chạy chữa vì cơ sở y tế địa phương không có huyết thanh, những ông bố bà mẹ hiếm muộn rã rời trên hành trình tìm con cái phải thuê nhà đắt đỏ ở thành phố… Một bệnh viện đa khoa khang trang hiện đại, có khuôn viên giải trí, siêu thị hình thành trên bản vẽ, đã được duyệt dự án, đã thi công trong nỗi mong mỏi của người dân nhưng đang nằm đắp chiếu.

Nguyên lớn lên trên mảnh đất này, ngày ngày đạp xe đi học qua những vạt đồi đất đỏ lượn sóng đẹp như tranh vẽ, những ngôi nhà gỗ lúp xúp sau hàng rào thưa, cổng nhà dân ở đây gần như không khép. Anh tốt nghiệp đại học xây dựng, những công trình xa nhà nối tiếp nhau triền miên. Đây là lần đầu tiên Nguyên được công tác gần nhà. Nhưng đó không phải điều khiến Nguyên chộn rộn. Anh đã mường tượng ra công trình khi hoàn thiện, cha mẹ chở con đi khám bệnh đỡ nhọc nhằn, người già không phải bắt xe giữa đêm chịu đựng cơn đau xuôi về Sài Gòn.

Sáng nay anh em trong ban điều hành dự án khởi hành, Nguyên mới dám tin chắc chắn công trình sẽ được thi công. Xe chạy hết quốc lộ, rẽ vào thị xã và chuyển hướng vào đường vành đai, hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường. Xe dạo một vòng qua công trình rồi mới về nhà trọ Nguyên thuê hôm trước. Khi biết nhà thuê cho anh em kỹ thuật xây dựng bệnh viện chủ nhà mừng lắm, bớt giá cho thuê, nhiệt tình giới thiệu tổ đội thợ xây. Chú Bắc quản lý vật tư kiêm đầu bếp đã đến từ hai hôm trước sắp xếp phòng ốc cho anh em đâu ra đấy. Anh em xây dựng, đồ đạc giản đơn, một cái ba lô bên trong đựng laptop, mấy bộ quần áo, đôi giày bảo hộ nặng trịch, vài vật dụng cá nhân.

Cũng mất đến hơn hai tuần mọi công tác chuẩn bị mới tạm ổn, đấy là anh em trong ban đã cố gắng nhất có thể để công trình thi công sớm dự kiến hoàn thành trước mùa mưa. Ngày đầu tiên họp công nhân tổ đội, lố nhố những gương mặt đen đúa, những đôi tay to bè chắc nịch, gân guốc đặc trưng của dân lao động miền đất đỏ, giọng Nguyên run run. Công nhân vùng đất này kiệm lời, họ lặng lẽ như ong thợ, thuần thục và chăm chỉ. Có công trình thì họ thành lập tổ đội, hết việc lại cặm cụi với vườn rẫy.

Phần khung thép hoen gỉ được xử lý. Công trình đã thật sự cựa mình, ván khuôn, giàn giáo, xi măng, cát, thép, vận thăng, cẩu tháp được chuyển đến. Bây giờ đang đầu mùa khô, nắng đặc quánh nhưng gió núi se se thổi, ban đêm trời dịu lại, sáng ra nước ở đây lạnh buốt.

Suốt mấy tháng ròng rã xử lý khối lượng công việc khổng lồ, ban ngày lắp dựng thép cột, thép sàn, kiểm tra kỹ thuật, ban đêm làm khối lượng thanh toán, giám sát đổ bê tông, anh em trong ban quản lý gầy rộc đi. Thi thoảng có những hôm nghỉ xả hơi, Nguyên dẫn anh em đi phượt. Giữa mùa khô, trên những vạt đồi hay ven suối, người ta dễ dàng bắt gặp hàng nghìn cánh bướm vàng chấp chới, bướm đậu thành đàn hàng trăm con phủ kín mặt đất. Khung cảnh như thực như hư. Thiện - cậu kỹ sư trẻ nhất đơn vị thốt lên khi đứng giữa hàng nghìn cánh bướm:

- Đẹp quá, như đứng giữa cơn mơ.

Nguyên cười phá lên, mấy tháng trước mà đứng ở đây chắc cậu chàng chết khiếp, lúc ấy những cánh bướm xinh đẹp kia là hàng nghìn hàng vạn con sâu muồng béo núc, ăn trụi cả rừng muồng, sâu bện vào nhau thành từng mảng, từng đám. Anh Hiếu bảo đấy gọi là phép biện chứng duy vật, muốn có sự thay đổi về chất thì phải tích lũy đủ về lượng. Như đủ xi măng cát đá, thép, mồ hôi và máu nữa thì sẽ mọc lên một công trình. Nghe đồn lúc thi công quốc lộ 14 qua rừng, ban đêm công nhân không ít lần gặp toàn rắn kịch độc, rắn bò cả vào lán trại, nằm cuộn tròn trong chăn, rất nhiều chuyện ly kỳ mà người ngoài cuộc không sao tin nổi. Rồi anh kể chuyện ngày trước thi công công trình thủy điện trong rừng nguyên sinh, một mình lái chiếc xe cọp không đèn không yếm giữa đại ngàn cao vút, rễ cây cổ thụ dựng lên mặt đất như bức tường thành. Lúc đó anh có cảm giác mình vừa hẫng chân lọt vào một không gian khổng lồ xanh biếc, càng đi càng thấy mình bé nhỏ rồi dần biến mất, tiếng xe máy cũng yếu ớt chìm nghỉm giữa sự tĩnh lặng của rừng già. Lúc ấy chỉ thèm người. Gặp người đôi lúc lại sợ người. Thấy mấy đứa em há hốc sửng sốt, anh cười ha hả trấn an, khoe mình được năm điểm vớt vát môn triết thời đại học.

Đổ bê tông sàn thứ sáu thì đơn vị thầu phụ cho công nhân xây tường bao, lượng gạch bê tông vận chuyển tới nhiều khủng khiếp. Nguyên vẫn thích gạch nung hơn vì kết cấu bền vững, chống thấm, cách nhiệt tốt nhưng gạch bê tông tiết kiệm chi phí, thi công nhanh thân thiện với môi trường. Thiện bông phèng với tổ đội:

- Anh Nguyên giám sát công trình này nắn nót quá, y hệt như xây nhà mình. Các ông nhắm chừng xây cho thẳng thớm, sau này hoàn thiện ảnh vác thước nhôm với thước thủy đi nghiệm thu từng xăng-ti-mét đó.

Ngày công trình cất nóc, chủ đầu tư, đại diện công ty, nhà thầu phụ, anh em trong ban quản lý sắm một cái lễ thật lớn. Hôm ấy, hàng chục chiếc xe bồn chở bê tông tươi nối đuôi nhau vào công trình, hai xe bơm bê tông, công nhân người ôm cần bơm, người đầm dùi, người cán mặt… Việc xong lúc ba giờ sáng, công nhân hai tổ đổ bê tông mệt nhoài, nằm vạ vật ngay trên sàn tầng trệt, nhìn ánh đèn những chiếc xe bồn nối đuôi nhau xuống chân đồi, trời quang mây, Nguyên thấy lòng mình thật nhẹ nhõm, tựa như vừa cất được gánh nặng trên vai.

Mấy hôm sau trời đổ cơn mưa đầu mùa, mùa mưa năm nay đến sớm. Lớp bê tông mới đổ coi như được thiên nhiên bảo dưỡng nhưng công tác hoàn thiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Cẩu tháp, vận thăng đưa thiết bị hoàn thiện lên công trình. Từ xa nhìn lại, cẩu tháp như người khổng lồ vừa canh giữ vừa vươn cánh tay dài chăm chỉ và cần mẫn, ban đêm đèn chiếu sáng một vùng.

Công tác hoàn thiện hàng trăm đầu việc tỉ mỉ, những tấm nhôm CNC trang trí mặt trước vừa thi công xong thì bão ập đến. Toàn bộ hồ sơ tài liệu đều chuyển về nhà trọ. Dù đã chuẩn bị che chắn công trình, vật tư từ trước nhưng cơn bão khiến một góc giàn giáo sụp xuống, gió khủng khiếp vít những lá tôn mỏng ở khu lán trại công nhân bung ra. Nước mưa và nước trên đỉnh đồi đổ xuống như thác. Quả đồi nào đó gần đấy đã bị bão cắt ngọn rồi hất xuống thành một ngọn đồi mới. Qua camera giám sát, bùn đất tràn vào mảnh sân chưa kịp đổ bê tông ngổn ngang sắt thép. Cũng may khi thiết kế, người ta đã lên phương án thoát nước tối ưu cho công trình, mặt bằng thi công kết cấu nền bền vững.

Ngày thứ tư thì bão suy yếu, sức gió giảm nhưng mưa triền miên từ sáng đến tận đêm. Anh em kỹ thuật vừa tránh bão vừa làm hồ sơ thanh toán, anh Hiếu thở dài trình phương án xử lý công trình sau bão cho công ty. Lúc chú Bắc ngồi tuốt rau ngót ngoài hiên thì ba của Nguyên chạy xe máy tới, sau lưng ông chở một thùng xốp lớn. Nguyên đội mưa chạy ra đỡ ba, gỡ thùng xốp xuống, bên trong là con heo ba anh nuôi cả năm nay. Ông sợ anh em buồn nên bắt heo làm sạch rồi chở tới. Anh em có buổi liên hoan rôm rả, anh Hiếu nâng ly nói:

- Anh em mình được cứu trợ hệt như các thầy cô cắm bản vùng cao.

Mọi người uống cạn, chếnh choáng hơi men, anh tiếp:

- Nếu công ty trúng thầu công trình xây trường học, trạm xá hay trạm phát sóng ở miền núi, các em có theo anh không?

- Theo!

Nguyên thốt lên rồi nhìn sang ba mình, ông gầy gò, người rắn chắc như gỗ dổi, đôi mắt sáng rỡ trên gương mặt lo toan nhàu nhĩ. Khuya, trời ngớt mưa Nguyên chở ba về, chú Bắc nằng nặc gửi tiền con heo nhưng ông nhất quyết không nhận. Hai cha con lụp xụp trong tấm áo mưa rộng, đèn xe máy quét qua những rặng cây loang loáng nước. Dường như ba càng ngày càng nhỏ đi sau lưng anh. Nhiều lần công tác xa nhà, hai ba con nói chuyện điện thoại mà giọng ông lạc đi.

Ba từng kể ngày ông lên Tây nguyên theo chương trình xây dựng vùng kinh tế mới, lúc đó rừng thiêng nước độc, sốt rét quật người tái xanh tái tử, dốc dựng đứng, đầu gối chạm mặt, rắn rết bện vào nhau. Mảnh đất quê nhà chó ăn đá gà ăn sỏi, lúc ra đi độc hai bộ quần áo, vài cân gạo, chiếc nồi nhôm với hũ muối vừng cõng trên lưng. Đắp đổi quá nửa đời bây giờ ông đã có cả quả đồi trồng cà phê xen canh macca, gà heo quanh nhà, trong vườn bơ, mít sai lúc lỉu. Đường xá cũng thuận tiện hơn trước rồi, cái cần nhất là bệnh viện, trường học. Ba im lặng suốt chặng đường về, ông vẫn kiệm lời, trước giờ lặng lẽ vun bồi con trai như chăm cái cây trên đồi núi dốc.

Phải đến hai tuần sau trời mới hết mưa, tổ nhân công tập trung nhanh dọn bùn đất, vệ sinh mặt bằng thi công, lát gạch, sơn lan can, lắp thạch cao, tấm aluminium trang trí. Công trình gần hoàn thiện thì anh Hiếu được công ty gọi về khảo sát công trình mới. Các hạng mục sân bê tông, khu vui chơi trẻ em, khuôn viên cây xanh do Nguyên phụ trách kỹ thuật. Những cây ngọc lan, sao đen, thông, long não… được chở đến. Anh biết chúng sẽ vươn lên xanh mướt, trổ hoa thơm ngát vỗ về, xoa dịu, chở che.

Công trình được bàn giao, lễ khánh thành giản dị nhưng xúc động, anh Hiếu nói có lẽ sẽ được đưa vào sử dụng sớm, người dân mong mỏi lắm rồi.

Bẵng đi gần một năm sau, Nguyên được cử về khảo sát và bảo trì vài hạng mục, anh gửi lên nhóm Zalo của anh em kỹ thuật mấy tấm hình đám trẻ tay còn đang gắn kim truyền hồn nhiên chơi bập bênh, cầu trượt. Có tấm hình người đàn ông lem luốc đứng lơ ngơ ở hành lang bệnh viện, tay xách cà mên, tay xách giỏ đồ sơ sinh. Chắc là vừa rời việc rẫy thì vợ trở dạ. Nhìn thương lắm!

Nhóm Zalo rôm rả hẳn lên, Nguyên nhắn mọi người "chờ một lát - đẹp hơn cả bản vẽ". Anh chạy lên hành lang tầng sáu, thu vào ống kính những thân cây trong khuôn viên bệnh viện đang vươn cành, xanh lá. Xa ngoài kia mùa dã quỳ đã tàn nhưng những bụi hoa sim, hoa mua lác đác nở sớm, những rẫy cà phê trổ hoa trắng muốt, màu hoa tinh khiết loang ra tít tắp tan vào những cụm mây trắng xốp trên nền trời trong vắt, nhàn tản, thong dong.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng;

5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Bên ngoài bản vẽ - Truyện ngắn dự thi của Hoàng Hiền - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.