Belarus có thể chứa vũ khí hạt nhân theo đề xuất sửa đổi hiến pháp

28/12/2021 21:11 GMT+7

Belarus vừa công bố những đề xuất sửa đổi hiến pháp mở ra khả năng chứa vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars trong cuộc duyệt binh tại Nga

Reuters

Belarus ngày 27.12 đăng tải những đề xuất sửa đổi hiến pháp trên website chính phủ, trong đó có đề xuất mở ra khả năng cho phép chứa vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.

Theo đài RT, hiến pháp hiện tại của Belarus, được sửa đổi lần gần nhất vào năm 2004, nêu rằng Belarus phải đặt mục tiêu để trở thành nước không có hạt nhân và trung lập.

Tuy nhiên, đoạn văn bản này đã bị bỏ đi trong bản hiến pháp sửa đổi được đề xuất và thay bằng tuyên bố “loại trừ hành động xâm lược quân sự từ lãnh thổ chống lại những nước khác”.

Hai Tổng thống Putin và Lukashenk hợp sức ghi bàn trong sân chơi khúc côn cầu trên băng

Việc chứa vũ khí hạt nhân đã được giới lãnh đạo Belarus nhắc đến trong thời gian gần đây. Trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 11, Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố sẽ đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus nếu Mỹ đưa vũ khí hạt nhân đến Đông Âu, theo AP.

Nga rút vũ khí hạt nhân từ Belarus về nước từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông Lukashenko cho hay Belarus vẫn bảo quản cẩn thận các cơ sở hạ tầng quân sự từ thời Liên Xô. Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei hôm 18.12 cũng nhắc lại khả năng chứa vũ khí hạt nhân của Nga nếu NATO đưa vũ khí hạt nhân đến Ba Lan.

Tổng thống Alexander Lukashenko có thể cầm quyền đến năm 2035 nếu hiến pháp sửa đổi được thông qua

Reuters

Một đề xuất khác trong hiến pháp sửa đổi nêu rằng quốc hội sẽ cân nhắc điều lực lượng vũ trang tham gia hành động an ninh tập thể hoặc gìn giữ hòa bình ở nước ngoài nếu tổng thống đề nghị.

Hiến pháp sửa đổi cũng đặt ra quy định nhiệm kỳ đối với tổng thống. Theo đó, tổng thống bị giới hạn giữ chức tối đa trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với tổng thống mới đắc cử, qua đó mở ra khả năng cho phép ông Lukashenko tiếp tục tại vị cho đến năm 2035, khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2025. Nhà lãnh đạo này đã giữ chức tổng thống trong hơn 27 năm.

Belarus sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về những thay đổi này vào tháng 2.2022. Để được thông qua, đề xuất phải được hơn 50% cử tri ủng hộ và tỷ lệ người đi bỏ phiếu phải đạt ít nhất 50% dân số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.