Bế tắc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH?: Cần thêm các hình phạt bổ sung

Thu Hằng
Thu Hằng
25/07/2023 08:33 GMT+7

Vướng mắc hiện nay chưa thể xử lý hình sự việc trốn đóng BHXH là do phải có xử lý hành chính trước đó.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, nhìn nhận hành lang pháp lý xử lý hành chính là điều kiện để xử lý hình sự. Vướng mắc hiện nay chưa thể xử lý hình sự là do phải có xử lý hành chính trong việc trốn đóng BHXH trước đó. Hiện nay, cơ quan xử lý hành chính không bao quát được việc này, chưa làm hết trách nhiệm. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cơ quan cao nhất đại diện cho NLĐ, cần có ý kiến với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tích cực đẩy mạnh việc này.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ VN), thời gian qua, mặc dù tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH được các cơ quan chức năng tổ chức khá nhiều; tuy nhiên việc chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra, đặc biệt kết quả thu hồi sau thanh tra còn hạn chế, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra trên diện rộng, việc thanh tra cần tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, làm vụ nào dứt điểm vụ đó để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt, tập trung việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả thu hồi sau thanh tra, kiểm tra. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt lập lại kỷ cương trong việc tuân thủ pháp luật BHXH.

Người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng khi bị nợ BHXH

NHẬT THỊNH

Bên cạnh việc xử lý, truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, PGS-TS Nguyễn Đức Hạnh, Chánh văn phòng Viện KSND tối cao, đề nghị cần chú ý đến việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, hình phạt bổ sung, truy thu tiền trốn đóng BHXH bắt buộc và việc thi hành triệt để trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo phán quyết của các cơ quan tài phán.

"NLĐ cần được coi là nhóm người dễ bị tổn thương trong quá trình đàm phán, thỏa thuận lao động bất bình đẳng và xác định việc không đóng BHXH bắt buộc của các DN là trường hợp liên quan đến lợi ích công, vì hành vi này gây bất ổn định, đe dọa an sinh của xã hội. Từ đó, có thể nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự đối với những trường hợp này khi không có người đứng ra khởi kiện", TS Hạnh đề nghị.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH Hà Nội, kiến nghị Chính phủ cần có nghị định về xử lý số tiền chậm đóng đối với các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn; đồng thời cần chỉ đạo các cơ quan chức năng như tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra có hướng dẫn cụ thể về xử lý hình sự đối với các đơn vị trốn đóng theo điều 216 bộ luật Hình sự.

Để bảo vệ quyền lợi cho tập thể NLĐ, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu, sổ, thẻ (BHXH VN), cho biết mới đây trong góp ý sửa đổi dự thảo luật BHXH 2014, BHXH VN đã đề xuất với cơ quan soạn thảo bổ sung một số chế tài như: nộp phạt số tiền lãi bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; cấm xuất cảnh đối với chủ DN nợ BHXH từ 12 tháng trở lên. Kiến nghị các địa phương bổ sung hình thức không cho tham gia đấu thầu các dự án dịch vụ công; không vinh danh DN nợ đọng BHXH...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.