Bệ phóng cho Đông Nam bộ

20/07/2023 04:02 GMT+7

Một khu vực 6 tỉnh thành chỉ chiếm 7,1% diện tích cả nước nhưng chiếm 18,8% dân số và đóng góp đến 31% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cùng 35% xuất khẩu của cả nước.

Đó là những con số minh chứng rõ nhất cho vai trò, vị thế của khu vực Đông Nam bộ (gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh) đối với sự phát triển chung của cả nước. 

Tiềm lực và nền tảng của khu vực này vẫn được đánh giá còn rất lớn để đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế cả nước. Thế nhưng, có một thực tế khác là Đông Nam bộ thời gian qua được đánh giá có nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng, đặc biệt là hệ thống giao thông, cũng như liên kết giữa các địa phương vẫn còn lỏng lẻo.

Sự hạn chế đó không chỉ được nhận thấy ngay từ trong nước mà cả những chuyên gia kinh tế nước ngoài am hiểu về VN - vốn là những kênh thông tin quan trọng để giới đầu tư nước ngoài tham khảo. Điển hình, gần 1 năm trước, khi trả lời phỏng vấn người viết về kinh tế VN, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ), đánh giá: "Khu vực ĐBSCL đang đối mặt các thách thức lớn từ việc thay đổi dòng chảy, tình trạng sạt lở đất. Điều đó sẽ khiến nông nghiệp ở khu vực này bị ảnh hưởng, dẫn đến việc nhiều lao động trẻ vùng này tìm đến khu vực Đông Nam bộ để mưu sinh". Khi nguồn nhân lực tăng lên, theo GS Dapice - một người có nhiều nghiên cứu về kinh tế VN, thì cần có sự đầu tư nguồn lực tương xứng vào khu vực có hiệu quả kinh tế cao như Đông Nam bộ nhằm giữ vững và tăng cường hiệu quả phát triển kinh tế của khu vực này.

Thế giới đang đứng trước giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ chuỗi cung ứng, dẫn đến sự chuyển dịch đầu tư, hoạt động sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu. Tại VN, với những vị thế sẵn có, các tỉnh thành thuộc Đông Nam bộ đang có nhiều cơ hội để đón nhận sự tái cấu trúc vừa nêu. Trong bối cảnh như vậy, liên kết giữa các địa phương trong khu vực là rất cần thiết và càng có vai trò quan trọng hơn, vì riêng lẻ các tỉnh thành thì khó có thể đủ sức tiếp nhận sự chuyển dịch trên.

Giữa bối cảnh và xu thế như vậy, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ vào sáng 18.7 và thống nhất hướng đến một chính sách đặc thù cho khu vực này là chuyển biến cần thiết, quan trọng để tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng và tính liên kết vùng.

Bên cạnh đó, chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực không chỉ là hệ thống giao thông mà còn cần phải có cả hạ tầng tương xứng cho lực lượng lao động vốn tập trung rất đông, và dự báo còn tăng lên nữa, ở Đông Nam bộ. Đó chính là nhà ở, trường học, bệnh viện… cùng nhiều tiện ích.

Như thế mới có thể tập trung đội ngũ nhân sự chất lượng cao và phát huy nguồn lực của lực lượng lao động nói chung. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển của bất cứ khu vực nào. Tất cả giúp hình thành nên bệ phóng vững chắc và mạnh mẽ cho vùng Đông Nam bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.