Bé gái 13 tuổi nhảy lầu vì mẹ xem điện thoại: Không xâm phạm quyền riêng tư của con!

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
21/11/2019 19:11 GMT+7

Liên quan đến vụ bé gái 13 tuổi nhảy lầu vì mẹ xem điện thoại, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cho rằng sự việc này hết sức nguy hiểm, và cảnh báo các bậc cha mẹ cần dừng lại ngay việc xâm phạm quyền riêng tư của con.

L.A.Q, 13 tuổi, (ngụ Q.10, TP.HCM) được Bệnh viện Nhân dân 115 chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong ngày hôm nay. Được biết, do L.A.Q thấy mẹ kiểm tra điện thoại của mình nên đã giận và nhảy lầu tự tử từ lầu 8 chung cư vào lúc 20 giờ 30 ngày 20.11.
Câu chuyện này là lời cảnh báo tới các bậc cha mẹ khi ứng xử với con ở lứa tuổi dậy thì.

Não bộ tuổi teen như “bãi mìn nổ chậm”

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) nhìn nhận sự việc này hết sức nguy hiểm, và cảnh báo các bậc cha mẹ cần dừng lại ngay việc xâm phạm quyền riêng tư của con.
Tiến sĩ Thúy phân tích: “Đây là lứa tuổi dậy thì, đang ở giai đoạn xác lập cái tôi cá nhân nên rất dễ bị tự ái, dễ tổn thương, chỉ cần một sự xâm phạm nhỏ về tinh thần hay thể xác là có thể bùng nổ. Một giáo sư của ĐH Harvard vừa xuất bản cuốn sách Não bộ tuổi teen, ví trẻ ở tuổi này như 'bãi mìn nổ chậm'. Nghĩa là chạm vào sẽ nổ. Hành động cha mẹ kiểm soát điện thoại của con là vô cùng nghiêm trọng, nó như một giọt nước làm tràn ly. Trước đó có thể người mẹ đã có nhiều hành động tương tự mà cô bé này đã từng phản ứng nhưng người mẹ vẫn tiếp tục”.
Theo tiến sĩ Thúy, vì đang trong giai đoạn khẳng định cái tôi, trong khi các con vẫn còn non nớt, chưa đủ tự tin, chưa có đủ trải nghiệm để vững chãi, nên khi bị cha mẹ, người lớn la mắng, kiểm soát lộ liễu hay xúc phạm riêng tư sẽ nảy sinh những suy nghĩ, hành động bột phát tiêu cực, như hành vi tự tử ở trên.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Tú, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng tâm lý tuổi dậy thì thường rất dễ bị khủng hoảng, dễ nổi loạn. “Các con thường muốn che giấu suy nghĩ trong lòng, khiến cha mẹ rất khó nắm bắt. Chỉ cần một câu nói nặng có khi cũng khiến trẻ bị tổn thương, có những hành động như bỏ nhà đi, hoặc tự hủy hoại bản thân, nặng hơn là tự tử”.

Cần tôn trọng quyền riêng tư của con

Chị Nguyễn Hồng Ngọc (ngụ Chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con năm nay học lớp 8, kể lại: “Có lần tôi vào phòng con mà không gõ cửa, con đã nổi khùng hét lên và đuổi mẹ ra, khiến hàng xóm cũng giật mình. Lúc đó tôi chỉ muốn vào kiểm tra xem con đang học bài hay lại lên Facebook chat với bạn. Tôi không ngờ con lại có biểu hiện như thế. Ai có con ở tuổi này mà không lo lắng. Vì thế vợ chồng tôi muốn kiểm soát các mối quan hệ của con, để tránh những nguy cơ xấu có thể sẽ gặp phải. Nhưng từ đầu năm nay con đổi mật khẩu điện thoại, thi thoảng con nói học bài nhưng đóng cửa kín mít nên tôi rất tò mò”.
Lý giải về điều này, tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhìn nhận: “Các con có những bí mật, những câu chuyện thầm kín muốn cất giữ cho riêng mình. Có thể những 'bí mật' đó với người lớn thì bình thường nhưng với các con, nếu lộ ra ngoài sẽ vô cùng khủng khiếp. Rõ ràng lăng kính cửa cha mẹ và trẻ ở tuổi dậy thì là khác nhau hoàn toàn. Chúng ta đừng xem thường điều đó. Hãy tôn trọng con, tôn trọng quyền riêng tư của con. Nếu muốn biết con đang làm gì, có những mối quan hệ bạn bè ra sao thì tốt nhất là làm bạn với con, gần gũi với con để con cảm thấy tin cậy và chia sẻ. Khi làm một việc gì đó chạm vào thế giới riêng tư của con mà con có phản ứng thì ngay lập tức phải dừng lại, nếu không hậu quả sẽ rất nguy hiểm”.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lưu ý các bậc cha mẹ cần hết sức khéo léo trong ứng xử với con ở lứa tuổi này. “Cần tìm hiểu diễn biến tâm sinh lý của lứa tuổi này, hiện có rất nhiều tài liệu để cha mẹ tìm đọc. Và cha mẹ nên đặt mình vào con để thấu hiểu, đừng nên áp đặt vì suy nghĩ của người lớn rất khác, do chúng ta đã trải nghiệm, đã trưởng thành. Phải luôn tôn trọng, lắng nghe con, tuyệt đối đừng coi thường những lời nói, hành động nhỏ của trẻ vì nếu chúng ta bỏ qua, thì hậu quả rất khó lường”, tiến sĩ Phan đưa ra lời khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.