Bay qua khủng hoảng

20/02/2015 04:00 GMT+7

(TN Xuân) Trần Trọng Kiên, ông chủ Tập đoàn Thiên Minh, tập đoàn sở hữu những thương vụ gây sốc nhất thị trường trong những năm qua nhận lời tiếp tôi vào lúc sáng sớm, tại khu vực ăn sáng của khách sạn Emm thuộc tập đoàn. Anh bảo, bay trên Hạ Long hay ngắm Sài Gòn ban đêm ở tầm bay thấp sẽ rất đặc biệt...

(TN Xuân) Trần Trọng Kiên, ông chủ Tập đoàn Thiên Minh, tập đoàn sở hữu những thương vụ gây sốc nhất thị trường trong những năm qua nhận lời tiếp tôi vào lúc sáng sớm, tại khu vực ăn sáng của khách sạn Emm thuộc tập đoàn. Anh bảo, bay trên Hạ Long hay ngắm Sài Gòn ban đêm ở tầm bay thấp sẽ rất đặc biệt...

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh - Ảnh: Diệp Đức Minh
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh
- Ảnh: Diệp Đức Minh
Để có cuộc gặp gỡ này, tôi và thư ký của anh "làm việc" với nhau cả tháng trời, có lúc tôi đã định chào thua bởi lịch làm việc của Trần Trọng Kiên kín mít.
Mạo hiểm có chiến lược
Tôi để ý Trần Trọng Kiên từ năm 2011, khi Tập đoàn Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria tại Việt Nam và Campuchia của Tập đoàn EMM Victoria Hồng Kông với giá 45 triệu USD. Đây là lần đầu tiên và cũng là thương vụ có giá trị lớn nhất của một doanh nghiệp trong ngành du lịch trong nước mua lại một công ty 100% vốn nước ngoài. Để ý là vậy nhưng trong trào lưu mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thời hậu khủng hoảng và công việc bề bộn của mình, tôi nhanh chóng gác ý định “khám phá” nhân vật hấp dẫn này sang một bên.
Ba năm sau, thời điểm giữa năm 2014, dư luận xôn xao về việc hãng hàng không Hải Âu mua 2 chiếc thủy phi cơ, giá mỗi chiếc 3,2 triệu USD. Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên cung cấp dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam để khai thác tuyến Hà Nội - Hạ Long. Với dịch vụ này, thay vì sẽ phải ngồi 3 - 4 tiếng trên ô tô, khách hàng chỉ mất 30 phút và được trải nghiệm ngắm cảnh biển từ độ cao 150 m đến 3.000 m. Câu hỏi về người đứng sau thương vụ này thôi thúc tôi tìm câu trả lời và thật bất ngờ khi đó cũng chính là Trần Trọng Kiên. Hãng hàng không Hải Âu thuộc Tập đoàn Thiên Minh. Đến lúc này thì tôi biết mình phải gặp Kiên.
Anh bảo, tuần sau (giữa tháng 12.2014) tập đoàn sẽ nhận bàn giao chiếc thủy phi cơ thứ 3 tại TP.HCM và khai thác tuyến Sài Gòn - Cần Thơ, Sài Gòn - Phan Thiết vào cuối tháng. Với Kiên, ngồi trên chiếc thủy phi cơ ngắm Hạ Long từ trên cao sớm muộn cũng trở thành một trong những điều "phải làm trước khi chết". "Đó là sự khác biệt hoàn toàn. Cái trải nghiệm bay trên Hạ Long hay ngắm TP.HCM vào lúc 8 giờ tối ở tầm bay thấp sẽ rất đặc biệt. Bạn cứ hình dung, khi ánh sáng vừa được thắp lên, không còn sự nhem nhuốc, ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe... thành phố trở nên lung linh, năng động, đó là một cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Việc tìm ra và giới thiệu các trải nghiệm đó một cách có trách nhiệm là nhiệm vụ của những người làm du lịch chúng tôi", Kiên nói.
Với quan điểm như vậy, ngay từ những ngày đầu "rẽ trái" từ y học sang ngành du lịch, Trần Trọng Kiên luôn tiên phong ở nhiều lĩnh vực. Buffalo Tours của anh là công ty đầu tiên đưa sản phẩm du lịch mạo hiểm và trải nghiệm văn hóa vào thị trường nội địa. Tại Thái Lan, Thiên Minh là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra tour đi bộ, đi xe đạp ngay trong thủ đô Bangkok và rất thành công. Anh cũng là người đầu tiên cung cấp dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam...
Hôm anh tiếp tôi, Thiên Minh cũng vừa hoàn tất thủ tục mở văn phòng ở Nga. Thực lòng, tôi cảm thấy ngạc nhiên và cảm phục. Trần Trọng Kiên còn khá trẻ, 41 tuổi (dù tóc bạc khá nhiều) và xuất thân từ ngành y. Ngành mà theo tôi, tính an toàn được đặt lên hàng đầu. Nhưng sự tiên phong và những thương vụ của Thiên Minh lại "nhuốm" đầy mạo hiểm. Anh đầu tư vào Thái Lan khi người ta bỏ chạy khỏi đất nước này; anh mua lại hệ thống khách sạn Victoria khi kinh tế rơi vào khủng hoảng; anh mở văn phòng ở Nga khi nước này bị châu Âu cấm vận...
"Anh là người ưa mạo hiểm?", tôi hỏi. "Không có thời điểm nào tốt hơn để mua lại tài sản, để có được nhân lực giỏi bằng khi khủng hoảng. Trong chiến lược của tôi đã có Nga nhưng đây là thời điểm chín để có thể thực hiện nhanh hơn, tốt hơn, rẻ hơn. Chiến lược, quyết tâm thực thi chiến lược, thời điểm thực hiện chiến lược. Nếu bạn gọi là mạo hiểm thì đó là sự mạo hiểm có chiến lược", Trần Trọng Kiên trả lời.
Không hợp với 2 chữ "đại gia"
Năm 2014, Tập đoàn Thiên Minh được vinh danh trong danh sách 20 công ty tăng trưởng nhanh nhất Đông Á theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và được Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư vốn để tiếp tục mở rộng các hoạt động kinh doanh. Nắm trong tay hàng chục công ty với hơn 3.000 nhân viên, trong đó có khoảng 800 người nước ngoài; mở văn phòng khắp nơi trên thế giới từ Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia... và mới nhất là ở Nga; ông chủ của hãng hàng không tư nhân thứ 6 tại Việt Nam; sở hữu những thương vụ đình đám nhất..., có thể khẳng định Trần Trọng Kiên là doanh nhân nổi bật và thành công nhất trong năm qua.
Thủy phi cơ của Hãng hàng không Hải Âu khai thác tuyến Sài Gòn - Phan Thiết - Ảnh: Tiểu Thiên
Thủy phi cơ của Hãng hàng không Hải Âu khai thác tuyến Sài Gòn - Phan Thiết - Ảnh: Tiểu Thiên
Nhiều người cho rằng, Trần Trọng Kiên là gương mặt "đại gia" mới trong danh sách các đại gia Việt Nam đã được nhiều người biết đến. Điều này không sai nhưng nếu gặp gỡ Trần Trọng Kiên sẽ thấy, gọi anh là "đại gia" quả thực không hợp. Hai môn thể thao mà Kiên yêu thích là chạy bộ và bóng đá. "Tại sao không phải là tennis hay golf, những môn thể thao quý tộc mà các doanh nhân thường chơi?", tôi hỏi. Kiên bảo, chạy bộ hợp với người không có nhiều thời gian như anh. Anh tranh thủ chạy bộ mọi nơi anh đến. Bất kể tiết trời âm 8 độ ở Đức hay một sáng nóng nực tại TP.HCM. Có một buổi sáng ở Hà Nội, anh chạy 17 km quanh bờ hồ chỉ vì "trời đẹp quá không nỡ bỏ về".
Món đồ xa xỉ nhất Kiên tự mua cho mình là cây viết trị giá 3.500 euro. Kiên giải thích đơn giản, anh thích bút. Nếu những ngày khởi nghiệp, trong mỗi lần lái xe đưa khách ra sân bay về nước (người nước ngoài chiếm 95% tổng số khách hàng của Thiên Minh tính đến thời điểm hiện tại), Kiên hỏi thăm cặn kẽ cảm nhận của họ về những trải nghiệm với công ty, thì bây giờ anh vẫn dành khá nhiều thời gian để "ngủ thử" ở các khách sạn trong hệ thống của mình. Kiên gọi cái sự bận rộn (theo cách nói của tôi) là "đặc quyền" không phải ai cũng có được. Và không ai coi "đặc quyền" là vất vả.
Đủ giàu để gọi là đại gia; thừa nhạy bén để tìm kiếm và biến cơ hội thành thành công; thông thạo nhiều ngoại ngữ; sự quyết liệt bẩm sinh; quan tâm đến môi trường và an sinh xã hội; sở hữu công ty có nhiều lợi thế để thực hiện mục tiêu đứng đầu châu Á; có sự năng động và sáng tạo của người trẻ..., Trần Trọng Kiên là đại diện cho hình ảnh một thế hệ doanh nhân mới mà Việt Nam vẫn luôn khao khát kể từ khi mở cửa, những doanh nhân toàn cầu, tự tin bước ra và cạnh tranh với thế giới.
Anh có thích làm việc với phụ nữ?
Tất nhiên rồi. Một cách đơn thuần nhất thì đó là sự hấp dẫn giữa khác giới với nhau. Tôi cũng cảm nhận rõ là khi có một người phụ nữ trong một tổ chức, mọi việc thường diễn ra tốt hơn.
Vì sao vậy?
Chắc là vì tính chiến đấu của những người đàn ông xung quanh giảm xuống nhưng tính hiệu quả lại cao hơn (để thể hiện chăng?) và công việc nhờ đó sẽ được giải quyết mềm mại hơn. Hầu hết ban điều hành của tôi đều có phụ nữ và tôi còn là bố của 2 cô con gái.
Anh thường làm gì với các con?
Chơi thể thao (bơi, chạy, đá bóng) và đi du lịch với chúng. Tối thiểu là mỗi ngày nói chuyện 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.