Bất thường quanh dự án KDC Hòa Lân: Người đấu giá cần được pháp luật bảo vệ

Thu Thảo
Thu Thảo
30/06/2021 10:47 GMT+7

Ngày 25.5.2017, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) trúng đấu giá dự án Hòa Lân (P.Thuận Giao, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Dự án này được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH SX-TM Thiên Phú (Thiên Phú) thực hiện. Sau đó, Công ty Thiên Phú thế chấp dự án để vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam - chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhưng không có khả năng trả nợ. Thiên Phú đã ký giao tài sản thế chấp để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Khổ sở, tổn thất khi mua được

Thời điểm trúng đấu giá, giới bất động sản tại Bình Dương cho là Công ty Kim Oanh “dở hơi” khi mua một khu đất không mấy giá trị, chỉ để “làm lợi cho Agribank Chợ Lớn khi thu hồi được nợ xấu”. Đó cũng là lý do vì sao dự án này tổ chức qua 11 phiên đấu giá nhưng không thành, cho đến khi Công ty Kim Oanh trúng đấu giá.
“Đến thời điểm này (tháng 6.2021 - PV), tôi nghĩ đúng là mình dở hơi thật khi đâm đầu vào dự án này và chịu muôn vàn khổ sở, tổn thất lẫn tổn thương”, bà Đặng Thị Kim Oanh, đại diện Công ty Kim Oanh, chia sẻ. Cũng theo bà Kim Oanh, khi đường vành đai 3 đi qua dự án Hòa Lân và khu đất này tăng giá trị chóng mặt thì mọi thị phi bắt đầu bủa vây.
Báo Thanh Niên đã có loạt bài viết Bất thường quanh dự án KDC Hòa Lân khởi đăng từ ngày 28.2.2019 khi phía Công ty Thiên Phú có đơn ngăn chặn việc chuyển đổi chủ đầu tư từ Thiên Phú sang Công ty Kim Oanh và nhiều động thái bất thường khác. Mãi đến cuối tháng 3.2021, sau khi TAND TP.HCM ban hành bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT, Báo Thanh Niên khép lại loạt bài này, cũng là khép lại chặng đường tìm lẽ phải cùng Công ty Kim Oanh - nạn nhân chính của vụ việc, người mua được tài sản bán đấu giá ngay tình, lẽ ra cần nhận được sự bảo vệ của pháp luật, dư luận… nhưng lại rất cô độc trong việc đòi lại công bằng cho mình và còn gặp rất nhiều khó khăn lẫn thiệt hại nặng nề về kinh tế…
Những tưởng cuối cùng, Công ty Kim Oanh đã có thể triển khai được dự án Hòa Lân, tạo nên một dự án có giá trị, góp phần phát triển kinh tế Bình Dương sau đại dịch Covid-19, đóng góp ngân sách nhà nước, cũng là để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp sau khi đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng vào đây. Thế nhưng, mọi chuyện chưa dừng lại khi Viện KSND cấp cao tại TP.HCM vừa ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm 2 bản án liên quan đến dự án Hòa Lân và có vẻ, mọi việc lại quay về điểm xuất phát đối với Công ty Kim Oanh sau những tháng ngày sóng gió và thiệt hại.

Công ty Kim Oanh phải được pháp luật bảo vệ

Theo nội dung của Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 174/QĐKNGĐT- VKS-KDTM của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ban hành ngày 22.6.2021, cơ quan này kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 99/KDTM-ST ngày 12.11.2020 của TAND Q.7, TP.HCM và bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24.3.2021 của TAND TP.HCM; Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án nêu trên, để giải quyết lại; tạm đình chỉ thi hành án đối với 2 bản án này cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Có 11 vấn đề mà Viện KSND cấp cao chỉ ra và là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, trong đó, liên quan đến Công ty Kim Oanh, Viện KSND cấp cao cho rằng Agribank Chợ Lớn vi phạm trong việc cho Công ty Kim Oanh chậm thanh toán và có hành vi vi phạm nguyên tắc khách quan, độc lập, công khai, minh bạch, công bằng quy định trong luật Đấu giá.
Lý do Công ty Kim Oanh chậm thanh toán cho Agribank Chợ Lớn, và 2 đơn vị này đã khắc phục vấn đề này thế nào, Báo Thanh Niên đã phản ánh trong loạt bài viết Bất thường quanh dự án KDC Hòa Lân trước đây. Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đã có kết luận thanh tra ngày 24.12.2018 về quá trình bán đấu giá dự án Hòa Lân là phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như vấn đề chậm thanh toán của Công ty Kim Oanh. Sau khi có kết luận thanh tra này, Công ty Kim Oanh cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán cho Agribank Chợ Lớn.

Ảnh hưởng quá trình thu hồi nợ xấu của Agribank

Ngày 28.3.2019, khi TAND Q.7 thụ lý vụ kiện, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đã có Công văn số 2568/NHNo-PC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bán đấu giá tài sản dự án khu dân cư Hòa Lân. Đơn vị này khẳng định: “Công ty Kim Oanh đã thanh toán đủ tiền mua tài sản đấu giá. Việc tòa thụ lý vụ kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá dự án Hòa Lân, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với dự án Hòa Lân là đi ngược với tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 20.7.2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá là Công ty Kim Oanh cũng như quá trình thu hồi nợ xấu của Agribank”.
Riêng lập luận của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM rằng việc đấu giá dự án Hòa Lân vi phạm nguyên tắc khách quan, độc lập, công khai, minh bạch, công bằng quy định trong luật Đấu giá là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Công ty Kim Oanh trúng đấu giá vào ngày 25.5.2017, luật Đấu giá có hiệu lực từ ngày 1.7.2017. Như vậy, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM áp dụng quy định pháp luật trong lập luận này là chưa chuẩn xác.
Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh, ông Nguyễn Phú Đức, khẳng định trong vụ việc này, Công ty Kim Oanh là bên trúng đấu giá và mua được tài sản từ cuộc bán đấu giá được tổ chức công khai, hợp pháp theo quy định của pháp luật, là bên thứ ba ngay tình nên phải được bảo vệ theo quy định tại điều 133 bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời, điều 4 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản (là văn bản pháp lý có hiệu lực ở thời điểm tổ chức cuộc đấu giá dự án Hòa Lân) có nêu quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Thêm nữa, khoản 4 điều này cũng nêu: “Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá; nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật; thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá”.
Như vậy, thiết nghĩ Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cần có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của Kim Oanh là đối tượng đã mua được tài sản bán đấu giá. Thế nhưng trong Kháng nghị số 174, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM không hề đề cập đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Kim Oanh. Những nhận định, quyết định của cơ quan này sẽ khiến vụ việc quay lại điểm xuất phát, càng kéo dài và gây tổn thất thêm cho pháp nhân có quyền và lợi ích chính đáng có liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.