Bát nháo ở chùa Hương

28/01/2012 00:48 GMT+7

Hôm nay, mùng 6 tết (28.1), chùa Hương chính thức khai hội, với trên 50.000 người tham dự trong ngày đầu tiên.

Hôm nay, mùng 6 tết (28.1), chùa Hương chính thức khai hội, với trên 50.000 người tham dự trong ngày đầu tiên.

Phạt du khách xả rác

''Tôi không thể hiểu vì sao có người lại thiếu hiểu biết rải tiền xuống dưới như vậy. Rải xuống như thế thì cúng cho ai, ai tiêu được?'' - Ông Vũ Nguyên Thìn (Bắc Ninh) 

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn (thuộc xã Hương Sơn, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội), cho biết công tác thu gom, xử lý rác và đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội năm nay cũng có nhiều nét mới. Cụ thể, UBND H.Mỹ Đức đã đầu tư một lò đốt rác công nghệ Nhật Bản trị giá hơn 10 tỉ đồng. Lò đốt rác này được đặt tại chùa Thiên Trù đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải tại chỗ, hạn chế tình trạng ùn ứ rác, gây ô nhiễm môi trường như từng xảy ra ở các mùa lễ hội trước. Ngoài ra, UBND H.Mỹ Đức sẽ xử phạt những du khách và chủ đò cố ý xả rác trên suối Yến. Theo đó mức xử phạt là 100.000 đồng với lần đầu tiên xả rác. Nếu tái phạm mức phạt sẽ là 300.000 đồng. Qua ghi nhận của Thanh Niên, so với các mùa hội trước, tình trạng xả rác bừa bãi đã giảm hẳn, môi trường suối Yến sạch hơn nhiều. Bên cạnh đó, trên mỗi đò đều có đặt những chiếc xô chứa rác và nhắc nhở du khách không xả rác bừa bãi.

“Nếu không nhắc nhở thường xuyên, chủ đò cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát ý thức chấp hành của các chủ đò cũng như du khách”, lái đò tên Nguyễn Văn Võ cho biết.


Thịt thú tươi sống treo móc, bày bán tràn lan ngay trước lối lên chùa Thiên Trù - Ảnh: Sang Hậu

Cáp treo quá tải

Lượng du khách đi lễ chùa Hương quá lớn đã gây nên tình trạng quá tải tại khu vực cáp treo từ ga chùa Thiên Trù đến động Hương Tích. Hàng nghìn du khách xếp hàng dài, nhích từng bước một chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để tới lượt mình. Khuôn mặt mệt mỏi, chị Đỗ Thị Bích Thủy (Hà Nội) cho biết: “Đứng xếp hàng suốt hai tiếng đồng hồ ở khu vực cáp treo (ga chùa Thiên Trù), tôi và gia đình mãi mới sang được tới động Hương Tích”. Thế nhưng, vừa bước xuống chị đã hoảng hồn khi thấy cảnh người chen người, tắc nghẽn trước cửa động Hương Tích. “Từ ga cáp treo đến cửa động chỉ có vài chục mét, thế mà chúng tôi cứ đứng suốt ở đó hàng tiếng đồng hồ. Một phút mới nhích được một bước. Tôi mệt quá, chỉ sợ bẹp ruột, không đủ sức nữa nên phải quay trở lại”, chị Thủy cho hay và bày tỏ: “Tôi không hiểu sao đường tắc như vậy mà lực lượng công an không hề có mặt ở chỗ ngay chỗ từ cửa ga cáp treo xuống động, mà đứng mãi phía dưới. Tôi cũng băn khoăn là nếu thấy quá đông du khách rồi thì trung tâm cáp treo phải thông báo ngừng bán vé. Chứ để hàng nghìn người đổ vào như vậy, mà động lại nhỏ thì không tắc mới là chuyện lạ”.


 Du khách vật vã xếp hàng, chờ đợi cáp treo

Ông Bùi Đức Duẩn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải du lịch Hương Sơn, cho biết: Hiện đơn vị này có 45 ca bin cáp treo, mỗi giờ vận chuyển được khoảng 1.300 du khách. Để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp lễ hội, công ty tổ chức bán vé và hoạt động cáp treo từ 4 giờ sáng. Chưa hết, trong những ngày cao điểm sẽ huy động hơn 100 nhân viên phục vụ. Thế nhưng dịch vụ cáp treo mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 25% nhu cầu của du khách. Cũng theo ông Duẩn, trong những ngày qua, công ty đã nhiều lần phải tạm ngừng bán vé do lượng khách vào động quá tải. Ông Duẩn đưa ra lời khuyên, du khách ở các khu vực lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc… nên đi lễ hội vào buổi chiều. “Du khách có thể bắt đầu khởi hành từ 10 giờ sáng, đến chiều đi lễ chùa. Như vậy, số lượng du khách không tập trung quá đông vào buổi sáng, tình trạng quá tải mới có thể giảm bớt”, ông Duẩn nói.


Hàng vạn du khách trẩy hội chùa Hương

Rải tiền vô tội vạ

Tình trạng rải tiền công đức, tiền giọt dầu bừa bãi, không đúng nơi quy định, làm mất đi sự tôn nghiêm tại khu di tích chùa Hương đã được phản ánh từ nhiều mùa lễ hội trước. Năm nay, tại các đền, chùa, ban quản lý di tích đưa ra giải pháp là dùng tráp hay mâm to để du khách đặt tiền. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố đút tiền vào tay tượng, dưới chân bệ tượng tại khu vực đền Trình, chùa Thiên Trù. Thậm chí, tại khu vực chùa Thiên Trù, có không ít du khách vô tư ném tiền ngay trước lư hương, đút tiền vào mồm hai con sư tử đứng hai bên mặc dù nhân viên thuộc ban tổ chức lễ hội không ít lần nhắc nhở.

Các nhà quản lý văn hóa đã lên tiếng nhiều về việc người dân rải tiền tại trạm cáp treo Giải Oan, suối Yến. Khi chúng tôi đi theo chuyến hành trình từ ga chùa Thiên Trù tới ga Giải Oan, ngay ở phía dưới, tiền lẻ rải đầy dưới đất, trên nhiều tán lá cây. Ông Bùi Đức Duẩn cho biết ngoài biển cấm rải tiền được đặt tại khu vực ga cáp treo Giải Oan, các nhân viên sẽ thu dọn khi thấy tiền lẻ. “Số lượng nhân viên không thể đủ để luôn luôn túc trực gom tiền, hay nhắc nhở, quan trọng là chính ý thức của du khách”, ông Duẩn nói. Từ trên cáp treo nhìn xuống phía dưới, ông Vũ Nguyên Thìn (Từ Sơn, Bắc Ninh) bày tỏ: “Tôi không thể hiểu vì sao có người lại thiếu hiểu biết rải tiền xuống dưới như vậy. Rải xuống như thế thì cúng cho ai, ai tiêu được? Sao không để vào hòm công đức để nhà chùa còn sử dụng. Vừa thiếu ý thức, vừa lãng phí. Đó không phải là lòng thành khi đi chùa”.


Du khách rải tiền bừa bãi trước cửa chùa Thiên Trù - Ảnh: Sang Hậu

Dịch vụ khấn thuê tại khu vực đền Trình và chùa Thiên Trù chưa xuất hiện, trong khi đó dịch vụ viết sớ rất đắt khách với giá trung bình 15.000 đồng/lần.

Bày bán thịt thú

Cũng qua khảo sát, tại bến Thiên Trù, một hình ảnh không lấy gì làm đẹp mắt, đó là trước cửa hàng loạt những quán ăn được trưng bày rất nhiều những con thú đã được giết mổ và làm thịt. Thậm chí, để thu hút sự chú ý của khách đi lễ chùa, chủ những nhà hàng này còn để nguyên những bộ lông, hay làm thịt ngay tại chỗ. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Chí Thanh thừa nhận: Việc bày bán, treo móc thịt thú tươi sống gây phản cảm. Ông cho biết Ban Quản lý di tích Hương Sơn đã cho lực lượng kiểm dịch tiến hành kiểm tra và nhắc nhở các chủ quán, nhà hàng. Theo kết quả kiểm tra, hầu hết đây chỉ là thịt thú nuôi nhốt. Do vậy du khách nên thận trọng, để tránh mua phải thịt “thú rừng”, như lời quảng cáo.

Điều đáng nói là tình trạng treo móc, bày bán thịt động vật còn nguyên máu tươi, vô cùng phản cảm giữa chốn linh thiêng đã từng diễn ra trong suốt nhiều mùa lễ hội trước mà không được cải thiện. Phải chăng, thay vì nhắc nhở, nên cần một chế tài nghiêm khắc.

Mỗi ngày đón đến 50.000 du khách

Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết: Hiện tại theo con số thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính trong ngày mùng 4 tết đã có tới 36.000 du khách tới chùa Hương, còn trong ngày mùng 5 là trên 45.000 du khách. Trong ngày khai hội, ước chừng sẽ có khoảng trên 50.000 du khách. Cũng theo ông Thanh, năm nay sẽ có 4.500 chiếc đò với hơn 5.000 lái đò sẵn sàng cho mùa lễ hội. Ngoài lực lượng an ninh bảo vệ H.Mỹ Đức, Công an TP.Hà Nội đã cắt cử 82 cảnh sát về tăng cường để giữ gìn trật tự.

Hà An - Ngọc An - Hoàng Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.