Bát nháo đào tạo khóa ngắn hạn

28/11/2015 09:52 GMT+7

Có khá nhiều cá nhân, công ty… tự đứng ra mở lớp, tự quảng cáo chiêu sinh các khóa học ngắn hạn rầm rộ trên mạng thu hút nhiều học viên nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.

Có khá nhiều cá nhân, công ty… tự đứng ra mở lớp, tự quảng cáo chiêu sinh các khóa học ngắn hạn rầm rộ trên mạng thu hút nhiều học viên nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.

“Lớp học” làm bánh tại gia với những dụng cụ sơ sài, mất vệ sinh - ẢNH: M.Q“Lớp học” làm bánh tại gia với những dụng cụ sơ sài, mất vệ sinh - ẢNH: M.Q
Lớp học làm bánh kinh dị
Sẽ rà soát các hoạt động chiêu sinh không phép
Ông Mã Hoàng Lê, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH, cho biết: “Thời gian qua, hoạt động dạy nghề sơ cấp tại các doanh nghiệp đang bị thả nổi. Nhiều nơi chỉ có giấy phép kinh doanh của Sở Kế hoạch - Đầu tư, chưa đăng ký dạy nghề ở Sở LĐ-TB-XH nhưng vẫn cứ tổ chức đào tạo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quy hoạch lại công tác quản lý, phối hợp với các phòng dạy nghề ở các quận, huyện để rà soát, quản lý các hoạt động này. Nơi nào chưa có giấy phép hoặc thực hiện sai phép sẽ phải chấm dứt hoạt động”.
Người học chỉ cần gõ các từ khóa như “học làm bánh”, “trường dạy nấu ăn”, “khóa học bán hàng trên mạng”…, lập tức trên trang tìm kiếm Google hiện ra hàng loạt website quảng bá những khóa học ngắn hạn của cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Tìm theo địa chỉ một trang “học làm bánh ngon” ở ngay mặt tiền đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM, chúng tôi gặp một người đàn ông tự xưng là người hướng dẫn làm bánh dẫn vào con hẻm nhỏ. Lối lên cầu thang của khu gọi là chung cư chỉ vừa đủ một người đi. “Lớp học” là căn phòng nằm ở lầu 2 gồm 3 căn hộ sử dụng chung một nhà vệ sinh nhỏ xíu, dơ bẩn. Người đàn ông hỏi học món gì, sau đó phát cho chúng tôi 2 tờ giấy có ghi công thức nhưng sai chính tả be bét.
Chỗ thực hành làm bánh là cái mặt bàn đá dính đầy bụi, trên đầu là mấy cái lồng chim, xung quanh là quần áo phơi la liệt. Đến công đoạn lấy nước để bỏ vào nhào bột thì thật đáng sợ vì “bếp trưởng” đi thẳng vào nhà vệ sinh, múc ca nước ra đổ vào thau bột. Chúng tôi chỉ đứng xem chứ không được làm gì. Mỗi lần làm mà thiếu dụng cụ, người hướng dẫn phải đi tới lui hai, ba lần tìm mới có. Cuối cùng, chúng tôi cũng chiên được một cái bánh tiêu và một cái quẩy, còn bánh bò thì hôm sau mới hấp được. Một buổi học như vậy học phí là 300.000 - 500.000 đồng. Điều đáng nói là “khóa học làm bánh” này tự cá nhân mở mà không hề đăng ký với cơ quan chức năng.
Có thể thấy rất nhiều nơi quảng cáo là trường dạy nghề, khi tìm đến địa chỉ đăng trên web thì chỉ là những cơ sở xập xệ, hoặc những căn phòng nhỏ xíu…
Chiêu sinh, đào tạo không xin phép
Trên mạng, doanh nghiệp Âu Việt phối hợp với một trường TC nghề mở lớp, quảng cáo là “trường dạy pha chế” nhưng chưa đăng ký dạy nghề. Tương tự, nhân viên của trang vinalink cũng quảng cáo học các khóa về bán hàng online rất cuốn hút, với học phí từ 5,9 triệu đồng giảm còn 3,9 triệu đồng/người, đăng ký nhóm từ 2 - 5 người thì được giảm còn 3,4 triệu đồng/người… Hàng loạt cá nhân khác cũng tự lập trang web quảng cáo dạy nấu ăn, làm bánh… Nhiều nơi còn thông qua các trang hotdeal (ưu đãi) để giảm giá tới người học.
Theo ông Võ Phước Nguyện, Phó phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH, việc doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia hoạt động dạy nghề, có xin phép thì Sở sẽ cấp phép. Theo đó phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, chương trình, giáo trình…
“Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị tự ý mở các khóa học, tổ chức chiêu sinh tràn lan trên mạng nhưng chưa hề đăng ký giấy phép. Các cá nhân và đơn vị ở trên là nằm trong số nhiều đơn vị chưa được cấp phép. Chúng tôi đang lên kế hoạch đi kiểm tra hàng loạt cơ sở” -  ông Nguyện cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.