Bất ngờ từ lòng đất - Kỳ 5: Một Mỹ Sơn khác dưới lòng đất

10/08/2015 05:38 GMT+7

Bên cạnh đền tháp ở Mỹ Sơn ngày nay, các nhà khoa học còn phát hiện một hệ thống đền tháp Mỹ Sơn bị chôn vùi dưới lòng đất, qua đó 'đọc' rõ hơn lịch sử kiến trúc của di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam.

Bên cạnh đền tháp ở Mỹ Sơn ngày nay, các nhà khoa học còn phát hiện một hệ thống đền tháp Mỹ Sơn bị chôn vùi dưới lòng đất, qua đó “đọc” rõ hơn lịch sử kiến trúc của di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam.

Bất ngờ từ lòng đất: Một Mỹ Sơn khác dưới lòng đấtDấu vết cụm tháp Mỹ Sơn bị vùi sâu nằm cách không xa những khu tháp hiện hữu - Ảnh: H.X.H
Khoảng trống hơn 4 thế kỷ
TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử Viện Khảo cổ học, đang cố vấn khoa học tại phế tích Triền Tranh ở H.Duy Xuyên, cách không xa khu vực ông từng chủ trì nhóm nghiên cứu và công bố thông tin khá chấn động đúng 10 năm trước: có một hệ thống đền tháp Mỹ Sơn chìm sâu dưới lòng đất. Câu chuyện phát lộ khi ấy cũng rất thú vị và tình cờ từ dự án khơi thông dòng chảy suối Khe Thẻ.
“Các kiến trúc của Mỹ Sơn từ thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 9 đã ở đâu?”, TS Phụng vẫn đầy sôi nổi chia sẻ về đề tài Mỹ Sơn dưới lòng đất khi chúng tôi gặp lại ông ở Triền Tranh. Sở dĩ Mỹ Sơn có chỗ đứng quan trọng trong nền nghệ thuật Đông Nam Á bởi đây là khu di tích duy nhất có thời gian phát triển liên tục gần 9 thế kỷ, từ thế kỷ 4 đến giữa thế kỷ 13, dù không đồ sộ kỳ vĩ như Angkor (Campuchia) hay Pagan (Myanmar). Thông tin từ bia ký cho thấy những công trình xây dựng thời kỳ đầu tiên chủ yếu sử dụng tre nứa, bệ thờ cũng làm bằng gạch. Sau các vụ hỏa hoạn lớn, người Chăm dùng vật liệu bền vững để xây tháp, kể từ khoảng thế kỷ 7 trở đi. Tuy nhiên, lâu nay các nhà khoa học mới chỉ tiếp cận các công trình kiến trúc thuộc các nhóm tháp B, C, D có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 9 - đầu thế kỷ 10. “Vậy muốn biết dấu vết các cụm tháp cổ hơn, phải đào sâu xuống. Và chúng tôi đã lần tìm ra lớp gạch bên dưới mặt đất khoảng 1 m, báo hiệu có đền thờ chính bị ngã đổ”, TS Phụng nhớ lại.
Tháng 10.2005, kết thúc đợt khai quật lòng Khe Thẻ, nhóm chuyên gia phát hiện nhiều dấu vết nền móng kiến trúc. Những nền móng đổ nát được phát lộ không hề liên quan với đền tháp đang hiện hữu trên mặt đất, thậm chí còn bị xây chồng lên và lệch nhau ngót 100 năm. Chúng tôi từng ghi lại khoảnh khắc các nhà khảo cổ đứng bên miệng hố khai quật ở phía đông khu tháp D và sôi nổi thuyết minh về những chìm lấp của thung lũng Mỹ Sơn qua thời gian. Vậy là khoảng trống về kiến trúc hơn 4 thế kỷ ở Mỹ Sơn lần đầu tiên được chạm đến...
Tháp chìm “cứu” tháp nổi
Trong số các lý do Viện Khảo cổ học mở cuộc khai quật tại Mỹ Sơn lần ấy có nhu cầu khai thông dòng chảy suối Khe Thẻ để cứu vãn cấp thiết các khu tháp B, C, D trước mùa lũ. Hướng chảy mới từ con suối này từng làm tháp E9 bị sập. Lượng nước từ đỉnh Hòn Đền linh thiêng chảy qua thung lũng Mỹ Sơn rồi theo dòng Khe Thẻ đổ ra hồ Thạch Bàn luôn là mối đe dọa nghiêm trọng đến khu tháp cổ. Khi trùng tu các tháp thuộc nhóm A, B, C, D (giai đoạn 1937 - 1944), Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp cũng từng xây đập nước để chuyển dòng con suối lớn nhằm bảo đảm an toàn cho khu tháp A hồi năm 1939. Tiếc rằng, đến năm 1946, một trận lũ lớn đã phá hủy đập nước này...
Nhưng ít ai ngờ việc khai quật lòng suối lại phát hiện nhiều thông tin giúp gia cố các chân tháp hiện hữu. Kết quả khai quật cho thấy tầng đất tại Mỹ Sơn có đặc điểm dễ trôi trượt, địa hình xoải xuôi khiến hầu hết công trình kiến trúc lún nghiêng về phía suối Khe Thẻ và đổ sụp. “Bắt mạch” được căn bệnh này, các nhà khảo cổ đặt vấn đề phải khảo sát địa tầng xung quanh, tìm giải pháp chống nghiêng lún phù hợp để bảo vệ di tích đang hiện diện trên mặt đất. Các đền tháp chôn vùi dưới lòng đất cũng gửi đi thông điệp mang tính cảnh báo cho các nhà khoa học, rằng họ sẽ phải trùng tu gia cố thận trọng hơn mỗi khi chạm đến di sản Mỹ Sơn.
Một số nhà nghiên cứu không muốn tách bạch các giai đoạn lịch sử kiến trúc khi nói về một “Mỹ Sơn khác” bên dưới lòng đất, với lý giải rằng các đền đài đổ nát ấy đã là một phần không thể tách rời trong hành trình 9 thế kỷ kiến thiết của người Chăm. Nhưng dưới con mắt những người làm công tác bảo tồn, các dấu vết ấy lại mang giá trị rất đặc biệt để chiếu rọi về những gì đang hiện hữu, và sau bao nhiêu quên lãng nay bất ngờ tìm thấy.
Cần ứng xử đặc biệt với di tích không thể phục hồi
Theo TS Lê Đình Phụng, những phát lộ sâu bên dưới lòng đất Mỹ Sơn càng cho thấy tính cấp thiết khi bảo tồn công trình tôn giáo của người Chăm, nếu so sánh các kiến trúc tương tự của người Việt. “Bằng kỹ thuật truyền thống, chúng ta có thể sửa chữa, phục dựng đình chùa, trong khi với đền tháp Chăm lại không dễ dàng chút nào. Nhiều vấn đề về kỹ thuật và vật liệu Chăm hiện vẫn đang nghiên cứu, nên khả năng xây mới là không thể. Vì vậy cần có ứng xử đặc biệt dành cho những di tích Chăm hiện còn, bởi đó là loại di tích “không thể phục hồi” nếu tiếp tục mất đi. Quan điểm của tôi vẫn nhất quán như vậy”, TS Phụng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.