Bất ngờ phía sau 'biệt đội' gội đầu cho bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM

16/09/2021 08:36 GMT+7

Những bức ảnh về “biệt đội” gội đầu cho bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM được dân mạng hết lời khen ngợi vì chuyên nghiệp, tận tâm. Bất ngờ hơn, biệt đội này toàn là bác sĩ, điều dưỡng có “tay nghề” gội đầu trước khi Covid-19 ập đến…

“Tính ra thì biệt đội gội đầu cho bệnh nhân cũng khá chuyên nghiệp đó nghe. Phúc Lê có tay nghề quá chứ, vậy mà Thủy Em Trần cứ sợ nước vô lỗ tai bệnh nhân… Gội xong bệnh nhân mát quá nằm im ru ngủ luôn”, bác sĩ (BS) CKI Huỳnh Nguyễn Hải Đăng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện (BV) đa khoa Sài Gòn, viết trên trang cá nhân về những đồng nghiệp gội đầu cho bệnh nhân Covid-19.

Chăm bệnh nhân F0 như người nhà

Một trong hai người mặc bảo hộ xanh trong ảnh là điều dưỡng Lê Thị Hồng Phúc, khoa khám bệnh, hỗ trợ cấp cứu. Chị cho biết hình ảnh trên được chụp hôm 13.9, khi chị và đồng nghiệp đang gội đầu cho bệnh nhân F0 còn tỉnh táo nhưng khó thở, phải dùng đến ô xy túi. Trước khi chăm sóc người nhiễm Covid-19, điều dưỡng Phúc thường chăm sóc các bệnh nhân nặng nằm ICU.
Theo chị Phúc, công việc trong mùa dịch Covid-19 thay đổi khá nhiều. Ngoài công tác chuyên môn, mọi người hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, thay tã, vệ sinh, chăm sóc răng miệng mỗi ngày, riêng gội đầu thì khoảng 5 - 7 ngày/lần.

“Biệt đội” gội đầu chăm sóc bệnh nhân F0 tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn

NVCC

“Trước đó tôi cũng chăm các bệnh nhân nặng không có người nhà ở bên cạnh rồi nhưng không cực như bây giờ. Những ngày này, bệnh nhân đông hơn, lúc nào tôi cũng phải mặc đồ bảo hộ, đổ mồ hôi rất nhiều. Phần đông chúng tôi gội đầu cho bệnh nhân hôn mê nên họ cũng không biết. Một số bệnh nhân tỉnh thì cảm thấy rất thoải mái, gội xong là nhẹ nhàng lắm”, điều dưỡng Phúc kể.
Một số trường hợp bệnh nhân tóc dài, khó chăm sóc và làm thủ thuật, chị Phúc phải liên hệ người nhà xin phép cắt tóc ngắn để tiện chăm sóc. Ở cạnh bên lo vệ sinh cá nhân, cơm nước cho bệnh nhân, y, BS của BV đa khoa Sài Gòn xem bệnh nhân như người nhà của mình. Mỗi ngày nhìn bệnh nhân F0 dần hồi phục, được chuyển đến khoa nhẹ hơn và xuất viện, điều dưỡng, BS như được tiếp thêm động lực. Điều dưỡng Phúc cũng từng không may là F0 nhưng sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, chị lập tức quay trở lại công việc và tiếp tục chăm sóc bệnh nhân.

'Chú cuội' cưỡi xe điện vác loa khắp xóm gọi bà con nhận quà ngày dịch

Y bác sĩ vất vả sát cánh cùng bệnh nhân

Trao đổi với Thanh Niên, BS CKI Huỳnh Nguyễn Hải Đăng cho hay với bệnh nhân Covid-19, khả năng lây nhiễm cao hơn nhưng ở trong BV, họ không có ai khác ngoài nhân viên y tế nên lực lượng này luôn tiếp xúc gần để chăm sóc, động viên tinh thần cho bệnh nhân nhanh khỏi bệnh. Dù được trang bị bảo hộ nhưng một số trường hợp vẫn không may trở thành F0, cách ly xong tiếp tục trở lại với công việc.
“Tạo máng gội đầu cho bệnh nhân là sáng kiến của điều dưỡng Hồng Phúc. Nếu không có ca phải cấp cứu hay hỗ trợ gấp, điều dưỡng Phúc cùng điều dưỡng trong tua trực cùng nhau gội đầu cho bệnh nhân, dầu gội cũng là của các chị tự chuẩn bị”, BS Đăng nói.
BS CKII Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, bộc bạch thêm thông thường, một bệnh nhân sẽ có một người nhà nuôi bệnh. Nhưng từ khi chuyển đổi công năng điều trị Covid-19, người nhà bệnh nhân không vào được, mọi việc đều phó thác cho nhân viên y tế. Ngoài khám chữa bệnh, y, BS phải kiêm luôn chăm bệnh, an ủi, động viên bệnh nhân.
Giám đốc Vũ lấy ví dụ: “1 tua có 5 BS, 8 điều dưỡng phải phụ trách 160 người bệnh. Vừa lo thuốc men, vừa lo cả vệ sinh cá nhân, cho ăn, nhắc uống thuốc, họ làm việc không ngớt tay. Để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, ngoài 3 bữa chính theo tiêu chuẩn 80.000 đồng, BV còn chủ động đăng ký thêm cháo, bánh, sữa và đút cho bệnh nhân ăn để tăng sức đề kháng”.
BS Nguyễn Đức Vũ cho biết nhân viên y tế chịu áp lực dồn dập khi dịch Covid-19 bùng phát. Mới đây, có thêm lực lượng F0 khỏi bệnh tình nguyện vào hỗ trợ thì áp lực công việc của nhân viên y tế được chia sẻ phần nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.