Bất ngờ phát hiện 'bạn đồng hành' giấu mặt của tiểu hành tinh Dinkinesh

04/11/2023 11:02 GMT+7

Khi sứ mệnh Lucy của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp cận mục tiêu nghiên cứu đầu tiên là tiểu hành tinh Dinkinesh, phía NASA bất ngờ phát hiện 'bạn đồng hành' theo sát tiểu hành tinh này.

Sứ mệnh Lucy bất ngờ phát hiện 'bạn đồng hành' giấu mặt của tiểu hành tinh Dinkinesh - Ảnh 1.

Tiểu hành tinh Dinkinesh và bạn đồng hành đầy bất ngờ

NASA

Dinkinesh nằm ở vành đai tiểu hành tinh chính của hệ mặt trời, giữa quỹ đạo sao Hỏasao Mộc. Tuy nhiên, cái mà các nhà thiên văn học cho rằng là một tiểu hành tinh lại hóa thành hai thiên thể khác biệt.

Nhà điều tra trưởng sứ mệnh Lucy, ông Hal Levison của Viện Nghiên cứu Tây Nam (Mỹ) tấm tắc rằng việc đặt tên Dinkinesh, theo ngôn ngữ Ethiopia nghĩa là "kỳ diệu", cho tiểu hành tinh này quả là quyết định không sai.

"Khởi đầu sứ mệnh Lucy, chúng tôi có kế hoạch cho phi thuyền bay ngang tổng cộng 7 tiểu hành tinh. Với sự góp mặt của Dinkinesh, hai mặt trăng, và giờ đây là vệ tinh bất ngờ của Dinkinesh, cuối cùng chúng tôi có thể nghiên cứu đến 11 mục tiêu", Đài CNN dẫn lời chuyên gia Levison.

Đội ngũ thực hiện sứ mệnh Lucy cho rằng tiểu hành tinh lớn hơn của giờ đây là hệ đôi Dinkinesh có bề ngang 805 m, còn vệ tinh nhỏ hơn có bề ngang 220 m.

Tàu vũ trụ Lucy trong tuần đã đến vị trí cách tiểu hành tinh Dinkinesh khoảng 425 km. Việc tiếp cận này nhằm thử nghiệm các thiết bị trên tàu, bao gồm hệ thống theo dõi mục tiêu vốn cho phép con tàu tự động định vị thiên thể và duy trì mục tiêu trong tầm quan sát trong lúc di chuyển với vận tốc 4,5 km/giờ.

Dữ liệu thu thập được thông qua quá trình bay ngang cũng cho phép đội ngũ NASA nghiên cứu các tiểu hành tinh cỡ nhỏ và so sánh với các tiểu hành tinh lớn hơn trong các sứ mệnh trước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.