Bắt mạch dòng tiền

21/05/2022 06:54 GMT+7

Một lượng tiền lớn bị kẹt ở thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng khi giá đi xuống, lãi suất tiết kiệm tăng...; dòng tiền trên thị trường đang chảy vào kênh nào là câu hỏi với nhiều người.

“Tiền ở đâu nằm im ở đó”

Thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) “mất hút” từ đầu tháng 5 đến nay, giá trị giao dịch chỉ còn một nửa khiến nhà đầu tư (NĐT) đều thận trọng. Nếu như trong 4 tháng đầu năm, bình quân giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) vẫn duy trì trên 22.000 - 26.000 tỉ đồng/phiên thì từ đầu tháng 5 đến nay số tiền này giảm mạnh khoảng 50% và hiện chỉ còn ở mức xoay quanh 13.000 tỉ đồng/phiên. Giá các loại cổ phiếu cũng giảm 30 - 50%, ai cũng bảo rẻ mà không ai dám mua.

Một lượng tiền lớn đang găm giữ ở vàng, tài khoản ngân hàng

Ngọc Thắng

Chị Ngọc Hiền (một NĐT chứng khoán) cho hay tài khoản đã bị “âm” nặng khi thị trường liên tục đi xuống. Dù vậy chị cũng chưa có ý định tăng thêm vốn cho kênh này vì chưa biết xu hướng giảm đã dừng hay chưa. Một số NĐT kịp thời bán cổ phiếu trước đó, đang “ôm” tiền mặt và nhận định giá cổ phiếu hiện nay đã giảm rất mạnh, “ngon” lắm rồi nhưng cũng chưa dám mạnh tay mua lại. Có thể thấy, đa số NĐT cá nhân vẫn đang rất e dè với cổ phiếu, nhất là khi thị trường nhiều nước cũng tiếp tục đi xuống và câu chuyện lạm phát, lãi suất ngân hàng (NH) tăng… vẫn tiếp tục.

Những người đang nắm giữ tiền mặt thì lựa chọn kênh an toàn gửi vốn, đó là tiết kiệm NH. Chị Kim Ngân (Q.1, TP.HCM) cho hay sổ tiết kiệm gần 5 tỉ đồng của chị vừa đến ngày đáo hạn nhưng với tình hình thị trường bất động sản (BĐS) ảm đạm như hiện nay, chị tiếp tục gửi lại với kỳ hạn 6 tháng. Nếu như trước đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng của một NH thương mại trả cho chị ở mức 6,5%/năm thì nay có một NH khác “chào” lên 7%/năm. Do vậy, chị chuyển số tiền này gửi qua nhà băng mới với lãi suất cao hơn. Chị phân tích: Chứng khoán thì không tham gia mà chỉ có đầu tư vào BĐS. Nhưng trong hai năm qua giá BĐS nhiều nơi đã tăng quá cao khiến chị “chùn tay”. “Giá BĐS nhiều nơi đã hạ nhiệt, giảm khoảng 10 - 15% so với đỉnh trước đó, nhưng nếu so với thời gian 2 năm trước khi xảy ra đại dịch thì vẫn còn cao hơn khá nhiều. Mình hy vọng đến cuối năm nay giá sẽ giảm thêm tí nữa thì mới xem xét đầu tư trở lại. Còn giờ thì tiếp tục để tiền trong NH khi lãi suất đã cao hơn trước là an toàn nhất”, chị Kim Ngân chia sẻ thêm. Phỏng vấn nhanh một số người cũng cho hay tiền đang gửi tiết kiệm thì họ vẫn để đó và chưa có ý định chuyển sang kênh đầu tư nào.

Không những chứng khoán và BĐS, lượng tiền trên thị trường thời gian qua còn bị mắc kẹt cả ở vàng. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu tiêu thụ vàng quý 1/2022 tại VN tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Người tiêu dùng VN đã mua 19,6 tấn vàng (tăng 1 tấn so với quý 4/2021). Trong đó, nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu vàng là 14 tấn (tính theo giá 70 triệu đồng/lượng, tương ứng 26.000 tỉ đồng - PV), nhu cầu đồ trang sức là 5,6 tấn. Giá vàng trong nước giai đoạn này liên tục lập mức kỷ lục, giá tăng cao lên 74 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm giá 70 - 72 triệu đồng/lượng, nhiều người đã gom tiền mua vàng. Nay giá kim loại quý về dưới 70 triệu đồng/lượng, giá mua còn 68 triệu đồng/lượng nên người đang nắm giữ vàng nếu bán ra lỗ ngay 2 - 4 triệu đồng mỗi lượng. “Chưa bán là chưa lỗ” nên tiền bị chôn ở vàng là không ít.

Dòng tiền “tắc” ở kênh đầu tư, tiết kiệm sáng giá

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay dòng tiền trên thị trường hiện đang “tắc” ở TTCK, BĐS và vàng. Thời điểm năm ngoái, khi dịch bệnh bùng phát, dòng tiền đã đổ mạnh vào TTCK, BĐS. Nay giá các thị trường đều đi xuống nên tiền bị “kẹt” lại đây. Từ nay đến cuối năm, theo ông Huân dòng tiền sẽ chảy về NH khi lãi suất tăng. Xu hướng này cũng diễn ra trên toàn thế giới, khi các kênh đầu tư khác đang bị bong bóng quá mức thời gian qua. “Ở nước ngoài, mọi người sẽ từ bỏ tài sản rủi ro để mua trái phiếu cho an toàn, chẳng hạn như ở Mỹ. Còn ở VN, dòng tiền sẽ đổ về NH. Riêng các doanh nghiệp, sau một thời gian dài vì dịch Covid-19, họ cũng quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh nên dòng vốn sẽ ưu tiên tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực mà họ đang làm, thay vì đi đầu tư các kênh khác. Theo số liệu tiền gửi trên hệ thống các NH, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế 2 tháng đầu năm giảm, trong khi tiền gửi cá nhân tăng. Điều này cho thấy doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền vào các hoạt động sản xuất kinh doanh hơn là để tiền trên tài khoản”, ông Huân nói.

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhận định rằng “tiền chỗ nào thì vẫn ở chỗ đó”. Thanh khoản TTCK xuống thấp là do nhiều NĐT không mua bán liên tục như trước đây vì cơ hội sinh lời không có. Vì vậy NĐT sẽ quan sát là chủ yếu. Tương tự, giá BĐS nhiều nơi cũng đã tăng quá cao trong 2 năm vừa qua. Vì vậy dòng vốn đổ vào kênh này cũng dần dần giảm xuống. Khả năng dòng vốn đầu tư vào kênh này từ nay đến cuối năm cũng sẽ chậm lại vì NĐT có tâm lý chờ giá BĐS hạ nhiệt. Trong khi đó, một số NH thương mại, nhất là các nhà băng quy mô nhỏ đang gia tăng lãi suất để giữ chân khách hàng. “NĐT giảm chuyện mua bán ngắn hạn nên chứng khoán hay BĐS sẽ thấy thanh khoản ở mức thấp. Tiền nhàn rỗi tạm thời luôn nằm trong tài khoản NH”, ông Hiển nói.

Với nhiều NĐT trước đây để tiền không kỳ hạn thì nay với việc tăng lãi suất của một số nhà băng, có thể họ chuyển thành kỳ hạn 3 tháng hay 6 tháng nhưng vẫn dễ dàng chuyển sang các kênh đầu tư khác ngay khi thấy cơ hội. Nhìn chung NĐT đang trở nên thận trọng khi TTCK đang được thanh lọc và cả thị trường BĐS cũng khó khăn hơn.

TS Đinh Thế Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.