Bất lực kiểm soát giá thịt heo

13/06/2020 06:28 GMT+7

Lệnh cho nhập khẩu heo sống để hạ nhiệt thị trường đã có hiệu lực. Tuy nhiên, giải pháp này có vẻ như bị “vô hiệu hóa” ngay từ khi có hiệu lực bởi heo lậu từ Thái vẫn đổ về từ trước đó.

Ngày 12.6, Bộ NN-PTNT chính thức đồng ý với đề xuất của Cục Thú y cho phép 8 doanh nghiệp (DN) của Thái Lan được xuất khẩu heo sống vào Việt Nam. Để có kết quả trên, theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đơn vị này phải làm việc với phía Thái Lan đến... 3 tháng để hoàn tất các thủ tục.

Cho nhập chính ngạch heo sống để làm gì?

Trả lời Thanh Niên, ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y, cho biết đến cuối giờ chiều 12.6 đã có gần 10 DN liên hệ tìm hiểu thông tin để nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về giết mổ.
Nằm trong nhóm DN đăng ký nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về giết mổ, ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Hà Nội), cho biết DN này đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để nhập khẩu heo Thái Lan. Trong lô hàng đầu tiên, công ty sẽ nhập khoảng 2.000 con và nếu các thủ tục thuận lợi, ngay trong tuần tới, lô hàng sẽ được chuyển về khu vực biên giới giữa Lào và Thái Lan để chờ vận chuyển về Việt Nam.
“Khi cho phép nhập khẩu heo sống, đối với các DN, cơ sở chăn nuôi, nếu trước đây có găm hàng thì bây giờ phải tính toán để đẩy ra thị trường không dám găm, ôm hàng nữa. Cộng với lượng heo nhập khẩu từ Thái Lan về, chắc chắn nguồn cung sẽ dồi dào hơn khiến giá thịt heo sẽ giảm không thể neo cao mãi”, ông Sum nói.
Thế nhưng, heo lậu thực tế từ Thái Lan đã ồ ạt về Việt Nam qua nhiều đường mòn, lối mở đường biên giới từ khá lâu trước đó. Theo số liệu heo lậu được các thương lái thông tin, giá heo Thái về đến biên giới Campuchia/Lào được bán giá 80.000 - 82.000 đồng/kg, cao hơn giá bán sang Việt Nam, khu vực biên giới 4 giá, từ 84.000 - 86.000 đồng/kg. Cách đây 2 tuần, trên các diễn đàn chăn nuôi, thông tin heo Thái về khá rầm rộ.
Thương lái tên T. (Long An) cho biết: “Cách đây 1 tuần, lượng heo Thái về các cửa khẩu tầm 6.000 con, nay lên 9.000 con mỗi ngày. Lượng heo nhập lậu tăng mạnh vì giá “ngon ăn” nên thương lái đưa về ồ ạt.
Tuy nhiên, đến ngày 12.6, chợ bán chậm, lượng heo về giảm mạnh”. Theo ông T., heo từ Thái, qua Lào và Campuchia, thường về khu vực gần cửa khẩu Nậm Cắn, Thông Thụ (Nghệ An), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Lệ Thanh (Gia Lai). “Riêng các cửa khẩu miền Tây đang được kiểm soát chặt nên lượng heo về giảm mạnh. Hơn nữa, heo về đa số chất lượng kém do di chuyển đường dài, mệt lại nằm chờ ở biên giới lâu ngày...”, ông T. bổ sung.
Thông tin từ các thương nhân, ngày 12.6, tại chợ Ngọc Lũ (Hà Nam), lượng heo đưa vào khoảng 1.500 con, trong đó heo Thái chiếm tới 900 con (5 xe). Chợ giao dịch với giá cao nhất 93.000 đồng/kg, phổ biến 89.000 - 91.000 đồng/kg. Tại chợ Tân Xuân (Hóc Môn, TP.HCM), heo về các lò khoảng 4.400 con, nhập chợ gần 3.900 con do thương lái để tồn tại lò, trong đó có khoảng 700 heo Thái.
Đáng nói, lượng heo lậu về hằng ngày với số lượng lớn liên tục trong gần nửa tháng qua, nhưng giá heo hơi trong nước giảm rất nhỏ giọt. Ngày 12.6, heo hơi trong nước dao động từ 85.000 - 93.000 đồng/kg. Heo hơi tại các công ty chăn nuôi lớn theo báo giá từ thương lái tầm 80.000 - 81.000 đồng/kg.

Công ty chăn nuôi thu lãi “khủng”

Dù đổ lỗi này lỗi kia để không giảm giá, báo cáo tài chính của các công ty chăn nuôi, giết mổ trong nước lại cho thấy các khoản lợi nhuận khủng.
Đơn cử, theo báo cáo tài chính quý 1/2020, Tập đoàn Dabaco ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng tới 41%, lên gần 2.387 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương

Thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Khoản thu tăng mạnh này giúp công ty thu lãi quý 1 lên đến 348,7 tỉ đồng, cao gấp 17 lần so cùng kỳ năm 2019. Kế đó, trong 2 tháng 4 và 5, doanh thu DN này đạt hơn 2.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 70% so với quý 1 (khoảng hơn 240 tỉ đồng). Đây cũng là thời điểm giá heo hơi trong nước tăng vọt như ngựa bất kham. Tính thêm các mảng kinh doanh khác, lãi sau thuế của Dabaco trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 593 tỉ đồng với doanh thu 4.483 tỉ đồng. Kế hoạch của công ty này đưa ra ngay trong năm thế giới lao đao vì dịch Covid-19 là 13.200 tỉ đồng, lãi sau thuế gần 460 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), một trong những DN bán thịt heo lớn nhất tại thị trường TP.HCM, trong quý 1/2020 doanh thu thuần tăng gần 21% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.453 tỉ đồng.
Trong đó, khoản thu thịt tươi sống gần 669 tỉ đồng (tăng 20%) và doanh thu từ thực phẩm chế biến xấp xỉ 742 tỉ đồng (tăng 22%). Trong quý 1/2020, Vissan báo lãi sau thuế 46,5 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2019.
Năm 2019, nhờ giá heo tăng mạnh vào cuối năm, Vissan đạt doanh thu 4.993 tỉ đồng, tăng gần 12% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế 226 tỉ đồng, cao nhất trong 49 năm. Tại khu vực miền Trung, Công ty CP chăn nuôi Mitraco, đơn vị chuyên chăn nuôi heo siêu nạc, sản xuất và kinh doanh heo thương phẩm, heo giống... cũng nhờ giá heo tăng vọt đã đưa doanh thu quý 1/2020 tăng 34%, đạt hơn 93 tỉ đồng. DN đã có lãi sau thuế hơn 22,1 tỉ đồng trong khi quý 1/2019 lại lỗ 7,1 tỉ đồng. Công ty CP nông súc sản Đồng Nai (Dolico) - chuyên chăn nuôi heo và các chế phẩm từ thịt heo - có lãi trước thuế quý 1 vượt 141% kế hoạch năm với 39 tỉ đồng. Trước đó, cả năm 2019 chỉ lãi 27 tỉ đồng...

Nhưng nền kinh tế “không vui”

Cuối tháng 3, sau rất nhiều lần vận động kêu gọi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trong cuộc họp với 15 DN chăn nuôi lớn gần như ra “tối hậu thư”, buộc DN phải đưa giá heo hơi xuất chuồng xuống để chia sẻ với người tiêu dùng, nếu không sẽ rà soát, cắt bỏ các chính sách ưu đãi DN đang được hưởng. Đến ngày 1.4, nhiều DN chăn nuôi đồng loạt ra văn bản thống nhất đưa giá heo hơi xuất chuồng về mốc 70.000 đồng/kg.
Nhưng phản ứng ngoài thị trường, giá heo hơi vẫn không ngừng “phi” lên đến 85.000 - 90.000 đồng/kg, cao hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg khiến các DN đứng ngồi không yên khi buộc phải bán heo hơi đồng giá đã cam kết với Bộ NN-PTNT. Trên thực tế, nhiều DN lách cam kết này bằng cách thay vì bán heo hơi ra thị trường thì gia tăng giết mổ để bán thịt heo mảnh nhằm có lợi nhuận lớn hơn bán heo hơi.
Vận động DN bán heo hơi đồng giá 70.000 đồng/kg nhưng không kìm được đà tăng giá heo, Bộ NN-PTNT thừa nhận tổng số lượng thịt heo xuất chuồng của 15 DN chăn nuôi lớn chỉ chiếm 35 - 40% là không đủ sức dẫn dắt thị trường. Cách giải thích này như mở đường cho các DN gỡ bỏ cam kết bình ổn giá heo hơi đã cam kết trước đó.
Cụ thể, ngày 22.5, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam liên tục điều chỉnh giá heo hơi từ 70.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg, đến ngày 24.5, DN này tiếp tục tăng thêm 3.000 đồng/kg và niêm yết giá bán heo hơi 78.000 đồng/kg.

Đồ họa: Hồng Sơn

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét về tình trạng này: “DN lãi lớn mà nền kinh tế “không vui nổi”. Bộ NN-PTNT thì báo cáo số liệu sai. Sai từ đầu về số liệu heo chết vì dịch. Một con heo nái chết, mất 20 - 25 con heo giống tái đàn, cũng không tính. Sau giá cao quá lại bảo nguồn cung thiếu...”.
 
Trong mùa dịch, nhiều DN sẵn lòng hạ giá bán hàng để đồng hành với Chính phủ, nhưng không ít DN chăn nuôi lại “bất tuân thượng lệnh”, đưa tay đồng ý bán giá 70.000 đồng/kg chỉ trên hội nghị, còn lại vẫn lén lút ăn lãi để thu về lợi nhuận kếch xù.
Những con số lợi nhuận nói trên là những con số “biết nói”, cho thấy văn hóa kinh doanh của DN. Bên cạnh đó là một cơ quan quản lý yếu kém, lúng túng và không có chiến lược dài hạn, chỉ làm việc theo kiểu “giật cục”, thấy thị trường “nóng” là loay hoay làm, chỉ áp mệnh lệnh. Rồi yên ắng đâu vài bữa lại buông đi, tới đâu hay tới đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Ông Vũ Vinh Phú
(nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.